Trong tổng số 20.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu trong tháng 5, thì chỉ huy động được 3.818 tỷ đồng

Trong tổng số 20.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu trong tháng 5, thì chỉ huy động được 3.818 tỷ đồng

Thị trường trái phiếu, “món khoái khẩu” không thể “ăn”

(ĐTCK) Trong 3 loại trái phiếu chính phủ (TPCP) với các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm mà các nhà phát hành đang bán ra thị trường, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm được coi là “món khoái khẩu” với các ngân hàng (NĐT chủ lực trên thị trường trái phiếu), nhưng họ không thể “ăn”.

Nhiều phiên “trắng” người mua

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong tổng số 20.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu trong tháng 5, thì chỉ huy động được lượng vốn rất khiêm tốn, 3.818 tỷ đồng. So với tháng 4/2015, khối lượng trái phiếu huy động trên thị trường sơ cấp tháng 5 giảm tới 55,2%.

Không chỉ khối lượng gọi thầu thành công giảm mạnh, một tín hiệu đáng quan ngại nữa đã được thị trường sơ cấp phát đi là trong tổng số 4.400 tỷ đồng loại TPCP có kỳ hạn 10 năm đưa ra chào thầu trong tháng 5/2015, đã không huy động được đồng nào. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với không ít đợt phát hành loại TPCP có kỳ hạn 5 năm. Đây là điều không xuất hiện trong nhiều năm gần đây.

Tình trạng ế ẩm trên, theo phản ánh của NĐT, là do sự phản ứng của thị trường thứ cấp trước những tín hiệu giật cục trong điều hành phát triển thị trường trái phiếu đang diễn ra. Do nhà phát hành không chào bán các loại TPCP có kỳ hạn 2 - 3 năm, nên thị trường không có thông tin về các sản phẩm này từ thị trường sơ cấp. Thị trường đang mò mẫm thông tin từ động thái yết giá từ các nhà tạo lập thị trường.

Sự giật cục trên đang tác động đến thị trường thứ cấp. Cụ thể, với loại TPCP có kỳ hạn 10 năm, ngân hàng nào lỡ mua vào, thì hiện không thể bán ra, hoặc nếu bán phải chấp nhận lỗ, do cầu với loại trái phiếu này gần như… không có.

“Trong số 3 loại TPCP hiện tại là 5, 10, 15 năm, thì với các NĐT chủ lực trên thị trường trái phiếu là các ngân hàng, món khoái khẩu của họ là loại trái phiếu 5 năm, nhưng không thể mua vào…”, một NĐT tổ chức cho biết và lý giải, sở dĩ có tình trạng này là do trong khi mức trần lãi suất mà Bộ Tài chính ấn định cho TPCP kỳ hạn 5 năm khi phát hành sơ cấp là 5,4%/năm, thì lãi suất trên thị trường thứ cấp là 5,8%/năm, có lúc tăng mạnh lên 6%/năm.

Sự chênh lệch lãi suất khá lớn trên hai thị trường này dẫn đến nhiều phiên đấu thầu TPCP kỳ hạn 5 năm có kết quả là 0 đồng. Điều này cho thấy, thị trường đang phát đi quy luật vận hành riêng có của nó, chứ không ở trạng thái thụ động bị “lái” theo các mức lãi suất mà Bộ Tài chính đưa ra.

Theo HNX, trong tổng số 4.900 tỷ đồng TPCP có kỳ hạn 15 năm đưa ra chào thầu trong tháng 5 vừa qua, thì sức hấp thụ của thị trường khá tốt, khi bán được 3.447 tỷ đồng.

Diễn biến từ thị trường cho thấy, cả công ty bảo hiểm và ngân hàng đều mua vào loại trái phiếu này, vì mức lợi suất còn đủ tốt để có hy vọng kiếm lời.

Tuy nhiên, khả năng hấp thụ các loại trái phiếu có kỳ hạn 10 và 15 năm hiện khá hạn chế, do số vốn của các công ty bảo hiểm không dồi dào, trong khi với các ngân hàng, các kỳ hạn này là quá dài, nên mức biến động giá sẽ lớn nếu thị trường ngày càng kém thanh khoản.

Tính trung bình từ đầu năm đến nay, thanh khoản thị trường đạt khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng/ngày, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 4.000 tỷ đồng/ngày. 

3 kiến nghị từ thị trường

Từ diễn biến thực tế trên thị trường, ý kiến từ các NĐT cho thấy, nếu Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan không sớm triển khai các giải pháp phù hợp, thì rất khó đạt mục tiêu huy động 250.000 tỷ đồng TPCP đề ra cho năm nay. Hết tháng 5/2015, tổng lượng vốn huy động mới đạt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng giật cục trên thị trường, qua đó giúp nhà phát hành đạt mục tiêu huy động vốn, đồng thời hỗ trợ thị trường phát triển, các NĐT đề xuất cơ quan quản lý cần triển khai 3 giải pháp.

Đầu tiên, với loại TPCP kỳ hạn 5 năm, Bộ Tài chính cần nới trần lãi suất phát hành tiệm cận gần hơn với lãi suất trên thị trường thứ cấp, để cải thiện sức cầu trong bối cảnh đang suy giảm.

Tiếp đến, nhà phát hành cần tính toán điều chỉnh kỳ hạn phát hành theo hướng phát hành các loại TPCP có kỳ hạn ngắn, 2 - 3 năm, để phù hợp với khẩu vị rủi ro của thị trường.

Cuối cùng, chính sách hạn chế NĐT nước ngoài mua TPCP cần được điều chỉnh, nếu muốn cải thiện sức cầu cho thị trường. Theo quy định tại Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chỉ được đầu tư 15% tổng nguồn vốn ngắn hạn để mua TPCP Việt Nam, trong khi tỷ lệ này với ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là 35%.

Vì các hạn chế này mà diễn biến từ thị trường cho thấy, không chỉ gần như ngừng hẳn việc mua vào TPCP Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài gần đây còn phải bán ra để đáp ứng quy định về mức trần mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, trong khi họ vẫn có nhu cầu mua thêm.  

Tin bài liên quan