Khối lượng trái phiếu DN phát hành 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 18% tổng khối lượng phát hành năm 2015.

Khối lượng trái phiếu DN phát hành 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 18% tổng khối lượng phát hành năm 2015.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp "teo" dần

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay “teo” lại trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cân đối lại nguồn vốn đầu tư, đảm bảo hệ số an toàn vốn theo Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước.

Thị trường “teo” dần

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) 6 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng, khi thanh khoản, mức độ đa dạng của nhà đầu tư, cũng như khối lượng phát hành hạn chế. Các doanh nghiệp chỉ phát hành được 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 18% tổng khối lượng phát hành năm 2015 và 16% của năm 2014.

“Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng qua khá tốt, nhưng khẩu vị rủi ro có sự thay đổi. Khác với các năm trước, mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư không cao. Họ ngày càng chọn lọc khắt khe hơn các cơ hội đầu tư theo hướng chỉ tập trung mua trái phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt, có uy tín và tên tuổi trên thị trường, thông tin về đợt phát hành minh bạch”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA cho biết và phân tích thêm, nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến chất lượng hoạt động của tổ chức phát hành hơn là tài sản đảm bảo, cấu trúc và kỳ hạn của trái phiếu. Vì sự thay đổi này, nên nhu cầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp không còn cao như các năm trước.

"Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng qua khá tốt, nhưng khẩu vị rủi ro có sự thay đổi"

- ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA

Dữ liệu từ VBMA cho thấy, trong 6 tháng qua, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất, khi chiếm 50% tổng giá trị phát hành, tiếp đến là các tổ chức tín dụng (chiếm 20%), còn lại là các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản còn cao, nhưng khả năng hấp thụ của thị trường đang bị hạn chế dần.

Lý do là bởi nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu là các ngân hàng thương mại (hiện nắm khoảng 80 - 90% tổng giá trị phát hành) đang phải cân đối lại nguồn vốn đầu tư, để đảm bảo hệ số an toàn vốn theo quy định mới tại Thông tư 06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng qua đi ngang so với cùng kỳ năm trước, nhưng có sự phân hóa khá rõ giữa các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp bất động sản thường có lãi suất phát hành trái phiếu cao nhất vì mức độ rủi ro cao, cũng như chi phí dự phòng lớn. Các doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng có lãi suất ở mức trung bình. Còn trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành có lãi suất thấp nhất...”, ông Quỳnh cho hay.

Kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp hiện trải từ 3 - 10 năm, tập trung vào các kỳ hạn từ 5 - 10 năm, trong đó phổ biến nhất là kỳ hạn 5 năm. Hầu hết trái phiếu hiện nay có tài sản đảm bảo, lãi suất thả nổi. Có một số đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc không có tài sản đảm bảo. Đa phần trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ và hầu như không niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán. 

Tiếp sức cho thị trường

Theo VBMA, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hết 2015 là 2,94% GDP và có xu hướng giảm từ năm 2010 đến nay. 6 tháng đầu năm nay tiếp tục có xu hướng giảm, nên mục tiêu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP như lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020, được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định 261/2013 đang gặp nhiều thách thức.

Để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp bớt cảnh “chợ chiều” như hiện tại, giới đầu tư cho rằng, Bộ Tài chính cần khẩn trương đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù việc này đã được khởi động trong thời gian qua. Việc làm mới văn bản này cần theo hướng gia tăng tính minh bạch trên thị trường, đặc biệt là tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát hành. Theo đó, hãy để cho thị trường định giá rủi ro của tổ chức phát hành, hơn là việc nhà quản lý quy định cứng tại văn bản pháp lý dẫn đến làm khó cho doanh nghiệp phát hành như hiện tại.

Liên quan đến cải thiện tính minh bạch cho thị trường, các thành viên của VBMA cho rằng, trong quá trình cải cách hệ thống quy định pháp lý, trong đó có sửa đổi Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính cần sớm chốt phương án thành lập Trung tâm Thông tin trái phiếu doanh nghiệp. Dù tổ chức này đặt ở VBMA hay Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hoặc Sở GDCK, thì đều cần phải làm rõ 3 yếu tố quan trọng: trách nhiệm của trung tâm này là gì; cơ chế báo cáo, cập nhật thông tin; cách thức chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia thị trường…, thì mới mong cải thiện tính minh bạch cho thị trường.

Giới chuyên gia còn cho rằng, Bộ Tài chính cần thúc đẩy sớm thành lập công ty định mức tín nhiệm, việc đã nói đến nhiều năm nay mà chưa thành...

Tin bài liên quan