Thị trường trái phiếu đến “khúc cua hiểm”

Thị trường trái phiếu đến “khúc cua hiểm”

(ĐTCK) “Kể từ năm 2016, lượng vốn mới mà các ngân hàng thương mại có thể đầu tư vào trái phiếu sẽ khó tăng mạnh như 5 năm vừa qua. Đây là điểm rất khác của thị trường trái phiếu năm nay”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trao đổi với ĐTCK. 

Ông nói sẽ có nhiều điểm mới trên thị trường trái phiếu (TTTP) 2016, đó là gì?

Đầu tiên là độ mở của nền kinh tế lớn hơn, khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa hình thành, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang được triển khai.

Điều này đặt trong bối cảnh Mỹ vừa tăng lãi suất USD và sắp tới sẽ tăng thêm, châu Âu và Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc có khả năng phá giá nhân dân tệ..., sẽ khiến thị trường tài chính Việt Nam, cũng như các nước nhạy cảm hơn, phản ứng nhanh hơn với các biến động của thị trường.

Mặt khác, ở trong nước, dư địa cho giảm lãi suất không còn nhiều, nếu không muốn nói là đang chịu nhiều áp lực tăng, cộng với diễn biến tỷ giá trở nên khó đoán hơn, nên đang tác động không tích cực đến TTTP.

Thị trường trái phiếu đến “khúc cua hiểm” ảnh 1

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh
 

Thứ hai, TTTP đã có sự tích tụ, nhất là về lượng sau giai đoạn phát triển 2011 - 2015. Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, áp dụng các chính sách mới nhằm gia tăng chỉ số an toàn tài chính, thanh khoản của hệ thống NHTM.

Nhờ đó, lượng vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) của các ngân hàng - NĐT chủ lực trên TTTP, liên tục tăng. Tuy nhiên, hiện lượng TPCP được các NHTM nắm giữ đã tích tụ đến ngưỡng ổn định tương đối hợp lý trên tổng tài sản, cũng như dự trữ thanh khoản thứ cấp của các tổ chức này.

Do đó, kể từ năm 2016, lượng vốn mới mà các NHTM có thể đầu tư vào trái phiếu sẽ khó tăng mạnh như 5 năm vừa qua. Đây là điểm rất khác của TTTP năm 2016, nên việc tìm kiếm NĐT mới cho TTTP cần được xem là yêu cầu và giải pháp quan trọng trong năm nay. Vấn đề này đã được nhà quản lý, thành viên thị trường đề cập nhiều, nhưng chưa mang lại kết quả rõ nét.

Thứ ba, ngoài tích tụ về lượng, TTTP cũng đã có những bước chuyển cơ bản về chất, thể hiện toàn diện trên các mặt như chất lượng hàng hóa, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng giao dịch, lưu ký, thanh toán… Tuy nhiên, mức độ phát triển hiện nay dường như đã chạm ngưỡng trần của giai đoạn đầu phát triển thị trường.

Do đó, để đưa TTTP bước sang giai đoạn mới phát triển cả về lượng và chất, cần có các giải pháp sáng tạo, đột phá, tinh tế và quyết liệt hơn.

Theo ông, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về nhà quản lý?

Vì tính chất mới của thị trường như vậy, nên trong năm 2016 đòi hỏi nhà quản lý phải có những phản ứng chính sách mạnh mẽ, rõ ràng, quyết đoán và linh hoạt hơn, thì mới hỗ trợ TTTP vượt qua thử thách để tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả.

Kinh nghiệm của các nước đã hình thành cấu trúc thị trường tài chính hiện đại, hiệu quả cho thấy, quy mô TTTP thường tối thiểu phải ở mức từ 30 - 50% GDP, ở các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển như Mỹ và Nhật Bản, quy mô của TTTP hiện đã lên tới trên 100% GDP. Với quy mô ở mức quanh 20% GDP hiện nay của TTTP Việt Nam, chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường.

Cách nào biến những tiềm năng thành hiện thực phát triển mới của TTTP?

Trước hết, trong năm 2016, Bộ Tài chính cần rà soát, đánh giá kết quả triển khai Quyết định 261/2013/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phê duyệt Lộ trình phát triển TTTP Việt Nam đến năm 2020.

Tiếp đến, để gia tăng khả năng phản ứng linh hoạt với tính chu kỳ và biến động đa chiều của thị trường và gia tăng khả năng thu hút thêm dòng vốn mới tham gia thị trường, nhà quản lý cần nghiên cứu sớm đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu phát hành với các cấu trúc kỳ hạn, lãi suất đa dạng hơn (trái phiếu thả nổi lãi suất, trái phiếu gắn với lạm phát…).

Đồng thời, nghiên cứu đẩy nhanh việc đa dạng hóa các sản phẩm như: hợp đồng tương lai trái phiếu; giao dịch hoán đổi lãi suất, tỷ giá… để phù hợp với khẩu vị rủi ro của NĐT, khi mà họ phải ứng biến nhanh hơn với tính chất biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, sức cầu của các NHTM đang trở nên yếu đi, nên vấn đề phát triển NĐT mới như: NĐT cá nhân, các quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí…, cần triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ.

Cần khách quan đánh giá xem vì sao việc phát triển NĐT trong thời gian qua chưa hiệu quả và nhà quản lý nên lấy năm 2016 là điểm khởi đầu triển khai chiến lược bài bản về thu hút vốn ngoại cho TTTP, để có thể tận dụng dòng vốn đang rút ra khỏi nhiều thị trường mới nổi.

Muốn vậy, điều quan trọng nhất là nhà quản lý nên chủ động có các bước đánh giá cụ thể, toàn diện các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ NĐT ngoại của các thị trường lân cận, thị trường có tính cạnh tranh cao với Việt Nam trong thu hút vốn ngoại.

Từ đó, đưa ra chính sách ưu đãi, thu hút vốn ngoại khác biệt trên cơ sở cân nhắc được - mất trong từng giai đoạn để sớm áp dụng, nhằm biến Việt Nam thành điểm đến mới ưa thích của NĐT trái phiếu quốc tế.

Tin bài liên quan