Thanh khoản chững lại, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ

Thanh khoản chững lại, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ

(ĐTCK) Sau khi tăng mạnh vào cuối tháng 2, giá trái phiếu chính phủ bắt đầu suy giảm, với thanh khoản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đều giảm trong tuần từ 29/2 tới 4/3 so với tuần trước đó.

Lợi suất trái phiếu thay đổi trái chiều, bật tăng tại các kỳ hạn ngắn sau khi giảm khá nhiều và tiếp tục giảm tại các kỳ hạn dài. Nhu cầu vốn ngắn hạn trong tuần qua cũng tăng mạnh sau khi các ngân hàng thực hiện thanh toán với khối lượng lớn giao dịch reverse repo đáo hạn và thu mua trái phiếu. Lãi suất liên ngân hàng do vậy đã bật tăng trở lại. Trong tuần này, lợi suất trái phiếu nhiều khả năng sẽ đi ngang.  

Thị trường sơ cấp

Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3, thị trường sơ cấp huy động thành công 8.800 tỷ đồng trái phiếu trên tổng số 11.000 tỷ đồng trái phiếu chào thầu, tương đương với tỷ lệ trúng thầu 80%, giảm so với mức 100% của tuần trước.

Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) lần đầu tiên chào thầu trái phiếu 10 năm và đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng tại mức lợi suất 6,93%/năm, giảm 2 điểm cơ bản so với đợt phát hành năm ngoái. KBNN cũng phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm và 5.800 tỷ đồng trái phiếu 5 năm. Sau khi giảm khá mạnh vào tuần trước đó, lợi suất trái phiếu 5 năm tuần qua tăng nhẹ chỉ 1 điểm cơ bản, lên 6,30%, trong khi lợi suất 15 năm tiếp tục ổn định so với tuần trước đó.

Thanh khoản chững lại, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ ảnh 1

Tính đến ngày 4/3, 61.519 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và chính phủ bảo lãnh đã được phát hành. Trong đó gồm có 47.869 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 13.050 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, và 600 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Tuần này, KBNN sẽ tiếp tục gọi thầu 10.500 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, 6.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, 1.000 tỷ đồng trái phiếu 20 năm và 1.500 tỷ đồng trái phiếu 30 năm.

Thị trường thứ cấp

Thanh khoản thị trường thứ cấp giảm trong tuần vừa qua. Tổng khối lượng giao dịch trong tuần đạt 35.623 tỷ đồng, tương đương với mức trung bình 7.125 tỷ đồng, giảm 13,83% so với tuần trước đó.

Giao dịch thông thường (outright) chiếm 66% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong khi giao dịch reverse repos chỉ chiếm 34%.

Giao dịch outright tuần vừa qua tiếp tục tập trung chủ yếu tại các trái phiếu trung hạn. Trái phiếu từ 3 đến 5 năm chiếm 52% tổng khối lượng outright, trong khi trái phiếu trên 5 năm chiếm 24%. Trái phiếu ngắn hạn dưới 3 năm cũng chỉ chiếm 24%.

Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ bán ròng nhẹ 530 tỷ đồng trái phiếu sau gần hai tháng mua ròng.

Lợi suất trái phiếu tuần vừa qua tăng nhẹ tại các kỳ hạn ngắn trong khi tiếp tục giảm tại các kỳ hạn dài. Lợi suất dài hạn giảm vì nhu cầu gia tăng tại trái phiếu dài hạn. Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường sụt giảm khá mạnh, khiến lợi suất ngắn hạn bật tăng trong tuần này.

Nghiệp vụ thị trường mở

Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3, 817 tỷ đồng giao dịch kỳ hạn đã được thực hiện và 37.139 tỷ đồng giao dịch kỳ hạn đáo hạn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không phát hành thêm tín phiếu và cũng không có giao dịch tín phiếu nào đáo hạn. Với lượng lớn giao dịch kỳ hạn đáo hạn, NHNN tiếp tục hút ròng 36.322 tỷ đồng.

Thị trường liên ngân hàng

Sau khi giảm mạnh trong hai tuần trước đó nhờ thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết, lãi suất liên ngân hàng tuần qua bật tăng mạnh mẽ do nhu cầu vốn ngắn hạn gia tăng. Vào đầu tháng, nhu cầu vốn vốn ngắn hạn thường tăng vì các ngân hàng cần phải đảm bảo dự trữ bắt buộc.

Bên cạnh đó, trong tuần vừa qua, các ngân hàng tiếp tục phải thực hiện thanh toán một lượng lớn giao dịch kỳ hạn đến hạn và thanh toán tiền mua trái phiếu chính phủ. Kết thúc tuần qua, lãi suất các kỳ hạn tham khảo như sau: qua đêm (3,6%, +2,1% so với tuần trước), 1 tuần (4%, +2,0% so với tuần trước), 2 tuần (4,2%, +1,7% so với tuần trước), và 1 tháng (3,6%, +0,8% so với tuần trước).

Tin bài liên quan