Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

Phát triển thị trường trái phiếu, cần lập Ủy ban liên bộ

(ĐTCK) “Từ thực tế triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu (TTTP) thời gian qua, đồng thời quan sát kinh nghiệm các nước cho thấy, Chính phủ có thể xem xét thành lập một Ủy ban liên bộ để điều phối triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TTTP…”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chia sẻ khi trao đổi với ĐTCK.

Sau 5 năm hoạt động, sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt trong con mắt NĐT đã được cải thiện ra sao, thưa ông?

Sự phát triển của TTTP là điểm sáng nổi bật trong hoạt động của thị trường tài chính 5 năm qua. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, đúng hướng của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể tham gia thị trường, thị trường TPCP đã đạt được những bước phát triển toàn diện từ quy mô, tính thanh khoản, chất lượng sản phẩm đến cơ sở NĐT, cơ sở pháp lý và hạ tầng công nghệ giao dịch.

Sức hấp dẫn của TTTP trong 5 năm qua được thể hiện qua các con số như: quy mô thị trường tăng mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm, dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi tại khu vực ASEAN+3 cũng như Đông Á.

Hoạt động giao dịch diễn ra sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cuối năm 2013, tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 600.000 tỷ đồng, tăng gấp 477 lần so với năm 2000 và tương đương 16,4% GDP năm 2013. Trên thị trường sơ cấp, tỷ lệ trúng thầu rất cao, trung bình khoảng 71%/phiên, huy động thành công 496.000 tỷ đồng TPCP.

Thanh khoản của thị trường thứ cấp TPCP được cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 8 lần trong vòng 5 năm, từ 175 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên trên 1.322 tỷ đồng/phiên năm 2013. Tỷ lệ doanh số giao dịch thứ cấp so với giá trị TPCP lưu hành tăng gấp 2,6 lần, đạt 0,55 lần trong năm 2013.

Theo ông, đâu là những khó khăn mà NĐT đang gặp phải khi tham gia đầu tư, kinh doanh trên TTTP?

Tuy công tác phát hành đã có nhiều cải tiến về phương thức, lịch biểu, kỳ hạn, truyền thông cũng như việc hoán đổi trái phiếu bước đầu được thực hiện hiệu quả..., nhưng sản phẩm TPCP phát hành vẫn còn khá đơn điệu, chưa đa dạng về loại hình trái phiếu nói chung và cấu trúc lãi suất phát hành nói riêng.

Kỳ hạn chủ yếu đến 5 năm, số lượng mã trái phiếu lưu hành vẫn còn lớn, manh mún (trên 100 mã vào cuối năm 2013). Các sản phẩm giao dịch để phòng ngừa rủi ro về lãi suất, tỷ giá trong hoạt động đầu tư trái phiếu cho các NĐT trong và nước ngoài, hầu như chưa có khung pháp lý để thực hiện.

Vì vậy, thị trường thường có xu hướng một chiều và tiềm ẩn rủi ro thanh khoản khi lãi suất biến động đảo chiều.

Thanh khoản của thị trường đã được cải thiện hơn, nhưng kỳ hạn giao dịch phổ biến chỉ dưới 5 năm. Nền tảng NĐT chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại, chiếm trên 80%, tạo ra xu hướng giao dịch cùng chiều.

Tiêu chí và cơ chế hoạt động của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường sơ cấp và thứ cấp chậm được hoàn thiện, chưa thúc đẩy sự tham gia hiệu quả, có chiều sâu của các thành viên. Thị trường còn thiếu các thông tin định kỳ, đầy đủ, rõ ràng đánh giá về nhu cầu huy động vốn, cũng như hiệu quả sử dụng vốn từ phát hành TPCP để tạo niềm tin ổn định cho các NĐT.

Để thúc đẩy TTTP phát triển sôi động hơn, những giải pháp trọng tâm nào cần ưu tiên triển khai sớm, thưa ông?

Ngày 1/2/2013, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 261/QĐ-BTC phê duyệt lộ trình phát triển TTTP Việt Nam đến năm 2020. Văn bản này đặc biệt quan trọng, bởi đã nêu rõ định hướng, mục tiêu, bước đi và phân công cụ thể đến các chủ thể tham gia để cùng hợp tác phát triển TTTP. Vì vậy, về cơ bản, trong những năm tới, các giải pháp phát triển thị trường TPCP cần bám sát lộ trình này.

Đóng góp quan trọng vào tạo dựng lòng tin cho các NĐT trong những năm gần đây là kết quả thành công bước đầu của chính sách tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục kiên định với chiến lược này và truyền thông kịp thời về các thành quả đạt được, để không ngừng củng cố niềm tin của NĐT trong và ngoài nước.

Các cấp quản lý cũng cần sớm nghiên cứu để cho phép triển khai thí điểm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm cho thị trường TPCP, từ loại hình, cấu trúc sản phẩm phát hành đến các sản phẩm giao dịch trên thị trường thứ cấp. Qua đó, giúp NĐT có công cụ để giao dịch đa chiều và phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, sớm nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích, phát triển đa dạng cơ sở NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài và các tổ chức đầu tư phi ngân hàng.

Đi liền với việc hoàn thiện cơ chế để khích lệ sự hình thành và sự tham gia hiệu quả của các nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cần tăng cường minh bạch thông tin về kế hoạch huy động và sử dụng vốn TPCP của cơ quan quản lý; đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP.

Tin bài liên quan