Nền tảng NĐT trái phiếu cần được mở rộng với sự tham gia của quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…

Nền tảng NĐT trái phiếu cần được mở rộng với sự tham gia của quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, “bí mật” mới có lợi?

(ĐTCK) Trong khi Phó chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khuyến nghị, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam cần minh bạch nếu muốn phát triển lâu dài, thì rất nhiều thành viên trong thị trường này lại nghĩ ngược lại.

“Niềm tin là nền tảng của thị trường TPDN”, ông Jingdong Hua, Phó chủ tịch IFC toàn cầu phụ trách phát triển thị trường vốn nhấn mạnh trong buổi trao đổi với báo chí về thị trường vốn trong tuần qua. IFC vừa hoàn tất chương trình 5 năm hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam.

“TPDN là một công cụ được chuẩn hóa để một khi DN phát hành thì tất cả các NĐT đều biết là DN đó đã đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về báo cáo tài chính, kế toán, minh bạch thông tin” ông Hua nói và cho rằng, các nhà tạo lập chính sách cần tạo niềm tin cho NĐT trên thị trường TPDN.

Thực tế, mức độ minh bạch trên thị trường này hiện đang rất thấp, với hầu hết các đợt phát hành TPDN đều là phát hành riêng lẻ và thông tin được giữ bí mật ở mức cao nhất có thể.

Báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, thị trường thứ cấp TPDN Việt Nam trong năm 2013 hầu như không có giao dịch, nếu có thì thông tin không được công bố để làm cơ sở định giá cho thị trường. Trong khi đó, tổng giá trị TPDN được phát hành năm 2013 là 34.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012. Còn theo thống kê của ĐTCK, trong năm qua, có ít nhất 43.900 tỷ đồng TPDN được phát hành, chưa tính các vụ phát hành TPDN chuyển đổi, TPDN kèm chứng quyền... Các con số thống kê về thị trường TPDN, kể cả của cơ quan quản lý hay các ngân hàng lớn, thường lệch nhau đáng kể vì sự mịt mờ thông tin.

Tại Hội thảo về phát hành TPDN cuối tuần qua của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, có ý kiến cho rằng, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và hạn chế thông tin đem lại lợi ích cho DN. Bằng việc phát hành riêng lẻ, DN có thể đàm phán trực tiếp với NĐT và giảm thiểu cung cấp thông tin ra công chúng. Còn bản thân NĐT khi chấp nhận ít thông tin hơn sẽ được lợi nhuận cao hơn so với thị trường và có quyền đặt ra những yêu cầu cụ thể.

“Trong trường hợp có những kế hoạch chưa muốn công bố thông tin như tái cấu trúc DN, DN thường chọn phát hành riêng lẻ, đặc biệt là những công ty nhỏ đang trong giai đoạn khó khăn”, một diễn giả tại Hội thảo nói.

Nhiều NĐT lớn, thực tế là các ngân hàng lớn, cũng không cần DN phát hành minh bạch thông tin, bởi họ đã nắm được thông tin về tình hình hoạt động, vay nợ... của DN. Thậm chí, họ ủng hộ việc bảo mật thông tin để đơn giản hóa thủ tục phát hành cho cả hai.

Sự mịt mờ thông tin gây bất lợi cho các NĐT nhỏ trên thị trường thứ cấp. Tại hội thảo hồi cuối năm 2013 về việc phát hành TPDN, một ngân hàng than phiền: “Chúng tôi muốn mua trái phiếu thứ cấp cũng chẳng biết hỏi thông tin ai, người mua sơ cấp cũng không muốn nói ra. Ai mua, người nào nắm giữ như thế nào hầu như không có, ai lưu chuyển sau một năm không có. Chúng tôi mua TPDN dựa trên những thông tin thiếu cập nhật”.

Tình trạng không minh bạch cũng đã làm nảy sinh một vài vấn đề trong lòng thị trường TPDN, khi mà DN và ngân hàng có thể sử dụng TPDN như công cụ để thực hiện các hoạt động vay mượn lòng vòng và làm “đẹp” sổ sách. Có không ít vụ phát hành TPDN riêng lẻ quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng nhưng lãi suất hoàn toàn đi chệch khỏi thị trường. Trong đó, một DN bất động sản hồi quý III/2013 phát hành trái phiếu có lãi suất năm đầu 10%/năm, thấp hơn 2 - 3%/năm so với mặt bằng phát hành của các DN trong ngành, nhưng cuối tháng 12/2013 phát hành thêm một đợt nữa có lãi suất 11%/năm, trong khi mặt bằng chung là giảm lãi suất. Gần đây nhất, có đợt phát hành TPDN với mục tiêu đầu tư vào bất động sản có lãi suất thấp hơn 2 - 3%/năm, thậm chí biên lãi suất chỉ bằng một nửa biên thông thường.

Luồng ý kiến ủng hộ sự minh bạch nhấn mạnh, trái phiếu trên hết vẫn là một loại chứng khoán được giao dịch, vì vậy cần phát triển thị trường thứ cấp mới có thể phát triển thị trường sơ cấp. Còn thị trường thứ cấp muốn phát triển tất yếu cần minh bạch thông tin.

Theo ông Hua, quy mô của thị trường TPDN Việt Nam hiện nay mới chỉ dưới 5% GDP, quá thấp so với quy mô 60% GDP ở Malaysia, 90% ở Thổ Nhĩ Kỳ, 200% ở Brazil. Những chuyên gia trái phiếu giàu kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài cho rằng, sự minh bạch cũng như quy mô của TPDN Việt Nam sẽ được cải thiện khi nền tảng NĐT được mở rộng, nghĩa là có sự tham gia mạnh mẽ của các NĐT có tính đại chúng như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm.

“Cá nhân tôi e ngại nhiều đợt phát hành TPDN hiện nay vì sự kém minh bạch và những điều khó hiểu của những đợt phát hành đó. Tôi ủng hộ việc thúc đẩy sự minh bạch ngay từ bây giờ. Điều đó ảnh hưởng đến niềm tin của NĐT vào thị trường này”, giám đốc đầu tư trái phiếu của một tổ chức đầu tư nước ngoài nói.              

Tin bài liên quan