Nhà đầu tư trái phiếu chờ Thống đốc “phát hiệu lệnh” 2016

Nhà đầu tư trái phiếu chờ Thống đốc “phát hiệu lệnh” 2016

(ĐTCK) Giới đầu tư trái phiếu đang thận trọng chờ thông điệp chính sách của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Nghịch lý vốn ế, lãi suất cao

Bối cảnh, môi trường kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ đang có không ít yếu tố tác động không thuận đối với hoạt động đầu tư trái phiếu.

“Hiện đang tồn tại một nghịch lý trên thị trường tiền tệ, khi với không ít ngân hàng, tín dụng đang tăng trưởng âm, nghĩa là tiền thừa, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn tăng”, lãnh đạo một ngân hàng cũng là tổ chức đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu nói và chia sẻ thêm, tuy khó cho vay vốn, nhưng để giữ chân và phát triển thêm khách hàng, các ngân hàng vẫn phải huy động vốn với chi phí tăng.

"Sự nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ là rất quan trọng để tạo niềm tin cho thị trường. Vì vậy, một thông điệp sắc nét của tân Thống đốc NHNN vào lúc này nhằm khẳng định rõ các đường hướng chính sách, biện pháp điều hành thị trường tiền tệ, sẽ giúp giới đầu tư trên thị trường trái phiếu sớm ổn định tâm lý, cân bằng trở lại…"

Vị lãnh đạo phân tích, tín dụng tăng trưởng âm vì không ít ngành trong nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thép…, nên không có nhu cầu vay vốn. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng ít có nhu cầu vay vốn.

Sự khó khăn của nền kinh tế còn thể hiện qua GDP quý I/2016 tăng trưởng chậm lại khi đạt khoảng 5,46%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 6,03%. Có những ý kiến cảnh báo rằng, nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; giá dầu vẫn thấp, thì tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay khó có thể đạt 6,7% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Sau kết quả tăng trưởng kinh tế kém khả quan trong quý I/2016, đặc biệt là sau khi nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa được kiện toàn, một số ý kiến cho rằng, cùng với tiếp tục theo đuổi ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần phát đi những thông điệp sắc nét hơn trong thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để tránh “hụt” so với chỉ tiêu GDP đã được Quốc hội chốt cho năm nay.

Biện pháp khả thi hơn cả để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, theo các chuyên gia, là phải giảm mặt bằng lãi suất, kích thích DN vay vốn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Áp dụng lời giải này vừa giải quyết được bài toán thừa tiền của hệ thống tín dụng, vừa giúp nền kinh tế dần phục hồi đà tăng trưởng lành mạnh. Tuy nhiên, thực thi liệu pháp này cần kiểm soát chặt hai “phản ứng phụ”.

Đầu tiên, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do hạn mặn tại đồng băng sông Cửu Long, làm dấy lên quan ngại sẽ khiến lạm phát tăng, cần cân nhắc tỷ lệ giảm lãi suất ở mức hợp lý để sao cho hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa tránh tác động đáng kể làm tăng lạm phát.

Thứ nữa, đi liền với giảm lãi suất cần kiểm soát chặt dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản. Một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng nhìn nhận, thực ra, trong bối cảnh hiện tại, sẽ không khó “kích” GDP tăng trưởng cao trở lại nếu bơm vốn mạnh cho bất động sản.

Tuy nhiên, trong khi hệ quả của dòng tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực này những năm trước gây nợ xấu tăng mạnh mà đến nay các ngân hàng vẫn đang trầy trật xử lý, thì việc kiểm soát dòng vốn chảy dồn vào bất động sản cần được coi trọng để tránh tái xuất hiện bong bóng thị trường, khiến nền kinh tế sẽ phải trả cái giá đắt hơn nhiều so với kết quả nhận được nếu chọn liệu pháp kích thích tăng trưởng kinh tế qua “cửa” bất động sản. 

Chờ thông điệp điều hành từ Tân Thống đốc

“NĐT trên thị trường trái phiếu đang bối rối giữa ngã ba đường, chưa biết chọn hướng hành động nào. Tâm lý thị trường hiện ở trạng thái phòng thủ, vì NĐT đang đề phòng có những thay đổi về chính sách tiền tệ”, đại diện một tổ chức đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu chia sẻ, đồng thời dự báo, có thể lãi suất trong ngắn hạn sẽ tăng trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng rất chậm và ngân hàng trung ương nhiều nước đều phải áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giới đầu tư kỳ vọng, NHNN sẽ có động thái tương tự để giảm lãi suất, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế, khắc phục đà suy giảm tăng trưởng GDP trong quý I.

Giới đầu tư trái phiếu đang nóng lòng chờ đợi thông điệp từ tân Thống đốc NHNN, hoặc tái khẳng định thông điệp chính sách tiền tệ như đã đề ra hồi đầu năm nay, hoặc nếu có “triết lý” mới thì cần sớm minh bạch, để NĐT dự liệu được diễn biến của thị trường. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư hoạch định được chiến lược đầu tư chủ động, thay vì bị động, phần nhiều ở thế phòng thủ như hiện tại.

“Sự nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ là rất quan trọng để tạo niềm tin cho thị trường. Vì vậy, một thông điệp sắc nét của tân Thống đốc NHNN vào lúc này nhằm khẳng định rõ các đường hướng chính sách, biện pháp điều hành thị trường tiền tệ, sẽ giúp giới đầu tư trên thị trường trái phiếu sớm ổn định tâm lý, cân bằng trở lại…”, một thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nêu quan điểm. 

Tin bài liên quan