Lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng

Lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng

(ĐTCK) Thị trường ngoại hối vẫn chưa tạm dịu đi sau tuyên bố tăng tỷ giá của NHNN, cộng với tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến hết ngày 8/5 đạt 3,69% là những nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu tăng trong tuần qua.

Khối lượng trái phiếu trúng thầu ở thị trường sơ cấp đã được cải thiện hơn, nhưng vẫn là ngưỡng thấp. Dự báo tuần này, lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng nhẹ do tâm lý thận trọng của NĐT và nguồn cung được cải thiện.

Thị trường sơ cấp

Tuần từ 11 - 15/5, thị trường trái phiếu sơ cấp có hai phiên chào thầu từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) với tổng khối lượng 4.500 tỷ đồng trái phiếu 5, 10 và 15 năm. Cụ thể, trong phiên gọi thầu ngày 13/5, KBNN chào 2.000 tỷ đồng các kỳ hạn 5 và 10 năm, nhưng không thành công. Ngày 15/5, KBNN huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu tại các kỳ hạn 5 và 15 năm, nhưng chỉ có 1.207 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm trúng thầu ở mức lợi suất 7,6%/năm, tăng nhẹ 8 điểm cơ bản, tỷ lệ trúng thầu đạt 27%.

Nguyên nhân trái phiếu 5 và 10 năm không được đấu thầu thành công là do mức lợi suất thấp nhất các NĐT đặt thầu cao hơn từ 30 đến 60 điểm cơ bản so với mức lợi suất danh nghĩa mà KBNN sẵn sàng chi trả.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/5, 80.622 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công. Trong đó có 66.673 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 4.949 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN).

Trong tuần, trên thị trường sơ cấp không đấu thầu tín phiếu chính phủ.

Tuần này, nguồn cung trái phiếu tăng đáng kể với sự quay lại của Ngân hàng Chính sách xã hội. KBNN gọi thầu 4.000 tỷ đồng thông qua hai phiên đấu thầu ở cả ba kỳ hạn trái phiếu. NHCSXH chào thầu 1.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 3 và 5 năm được chào với khối lượng 300 tỷ đồng mỗi loại, kỳ hạn 10 và 15 năm chào 200 tỷ đồng mỗi loại.   

Thị trường thứ cấp

Thị trường trái phiếu thứ cấp trong tuần ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 20.706 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch trung bình ngày 4.141 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch thông thường (outright) đạt 12.551 tỷ đồng, chiếm 61% tổng giá trị giao dịch; khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 8.155 tỷ đồng, chiếm 39%.

Khối lượng giao dịch của trái phiếu kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm 63% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường; kỳ hạn từ 3 đến 5 năm chiếm 15%; kỳ hạn từ 5 đến 7 năm và trên 7 năm chiếm lần lượt 8% và 12%. Chiếm tỷ trọng không đáng kể (2%) là khối lượng giao dịch của trái phiếu kỳ hạn nhỏ hơn 1 năm.

Tuần qua, NĐT nước ngoài tiếp tục mua hơn 1.369 tỷ đồng trái phiếu thông qua các giao dịch outright và repo, tăng 13% so với tuần trước.

Lợi suất tăng đều ở các kỳ hạn. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng mạnh nhất, khoảng 12 điểm cơ bản so với tuần trước (xem bảng).

Thị trường mở

Tuần từ 11 - 15/5, thị trường mở ghi nhận 153 tỷ đồng giao dịch reverse repo được thực hiện và 12.389 tỷ đồng giao dịch reverse repo đáo hạn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành được 3.291 tỷ đồng tín phiếu, giảm mạnh 69% so với khối lượng tín phiếu phát hành của tuần trước. Trong đó, tín phiếu 28 ngày chiếm 61% tổng khối lượng phát hành, đạt 2.000 tỷ đồng. Tín phiếu 56 ngày đóng góp 30% tỷ trọng với 994 tỷ đồng. Tín phiếu 91 ngày phát hành được 297 tỷ đồng, chiếm 9%. Lợi suất của ba kỳ hạn tín phiếu phát hành trong tuần không thay đổi.  

Trong tuần có 1.044 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN đã hút ròng 14.483 tỷ đồng trên thị trường mở.

Thị trường liên ngân hàng           

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần từ 11 - 15/5 giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cung cầu VND vẫn ổn định. Theo Bloomberg, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm (3,0%/năm, -50 điểm), 1 tuần (3,4%/năm, -20 điểm), 2 tuần (3,6%/năm, -30 điểm), 1 tuần (4,0%/năm, -20 điểm).

Tin bài liên quan