Khó “tiêu thụ” trái phiếu dài hạn, Bộ Tài chính... lo

Khó “tiêu thụ” trái phiếu dài hạn, Bộ Tài chính... lo

(ĐTCK) Theo đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính, việc chỉ phát hành ra thị trường các loại trái phiếu có kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên) bắt đầu bộc lộ khó khăn đối với hoạt động huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Huy động trái phiếu quý I/2015 bằng 62,7% cùng kỳ

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2015 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 7/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong quý I/2015 đã huy động được hơn 55.992 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đạt 22,4% kế hoạch năm và bằng 62,7% cùng kỳ năm 2014. Trong đó, loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm huy động được hơn 36.913 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 6.030 tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm là 13.049 tỷ đồng.

Về nguyên nhân huy động vốn qua kênh trái phiếu giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, bà Mai cho biết, có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân theo yêu cầu của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2015 chỉ phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Đây là chủ trương nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của ngân sách theo hướng ngày càng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội về phát hành trái phiếu dài hạn gây ra “phản ứng phụ” trên thị trường trái phiếu, khi thị trường phát đi những tín hiệu về khả năng hạn chế trong hấp thụ các loại trái phiếu có kỳ hạn dài.

Theo nhìn nhận của các thành viên thị trường, trong bối cảnh hiện nay, việc thiếu hụt phân khúc trái phiếu kỳ hạn ngắn (2, 3 năm…) để hình thành một đường cong lãi suất tham chiếu đầy đủ, tin cậy đã ảnh hưởng đến thị trường, đến kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu chính phủ trong năm nay. Hiện tại, các ngân hàng thương mại là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu, nắm giữ trên 80% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành, với khẩu vị rủi ro tập trung vào các kỳ hạn ngắn, dưới 5 năm. Kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ đang lưu hành khá thấp, xoay quanh 2,9 năm.

Nếu nguồn cung trái phiếu trên thị trường sơ cấp thời gian tới vẫn chỉ là các loại trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên như trong quý I vừa qua, thì có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thanh khoản đối với nhóm nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại, do sự mất cân đối về kỳ hạn giữa nguồn vốn đầu tư (thường là kỳ hạn ngắn) và tài sản đầu tư (kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sức cầu trên thị trường, nhất là trong bối cảnh được dự báo thời gian tới nhà phát hành sẽ tăng cung để bù đắp cho phần vốn huy động giảm trong quý I/2015. 

Sẽ phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn?

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của ĐTCK, trong bối cảnh huy động vốn đang bộc lộ khó khăn, liệu Bộ Tài chính có kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sắp tới cho phép phát hành một lượng vừa phải các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, bà Mai cho hay, Bộ Tài chính đang theo dõi sát diễn biến của thị trường để có báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp phù hợp, nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đề ra cho năm nay.

Tuy lãnh đạo Bộ Tài chính để ngỏ khả năng thời gian tới có thể điều chỉnh kỳ hạn phát hành các loại trái phiếu cho phù hợp với khẩu vị rủi ro, cũng như sức cầu của thị trường, nhưng giới đầu tư cho rằng, nếu kết quả huy động vốn trái phiếu trong tháng 4 cũng như quý II/2015 tiếp tục thấp, đe dọa mục tiêu hoàn thành kế hoạch huy động vốn đề ra cho năm nay, thì việc điều chỉnh kỳ hạn phát hành trái phiếu theo hướng bổ sung các kỳ hạn ngắn là cần thiết. Theo đó, trong khi tiếp tục ưu tiên huy động các loại trái phiếu có kỳ hạn dài trên 5 năm, thì Quốc hội nên cho phép Chính phủ điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế thị trường về cấu trúc kỳ hạn phát hành để hài hòa giữa mục tiêu huy động được vốn hiệu quả cho ngân sách và hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển.

Tin bài liên quan