Tính đến 14/8, ổng khối lượng phát hành TPCP đạt 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015

Tính đến 14/8, ổng khối lượng phát hành TPCP đạt 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015

Gỡ “ế” trái phiếu kỳ hạn dài, chờ Quốc hội

(ĐTCK) Để gỡ nút thắt lớn cho thị trường trái phiếu hiện tại là nhà phát hành không bán ra các loại trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn dưới 5 năm, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang báo cáo Chính phủ để đề xuất phương án tháo gỡ cụ thể lên Quốc hội.

Cung - cầu vẫn vênh nhau

Tình cảnh khó bán TPCP diễn ra từ đầu năm nay, hiện vẫn chưa được cải thiện. Trong tuần phát hành gần đây nhất là từ ngày 10 - 14/8, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 1.565 tỷ đồng TPCP trên thị trường sơ cấp, tỷ lệ trúng thầu đạt thấp, chỉ là 31%.

“Tính đến ngày 14/8, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015…”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về thị trường trái phiếu do bộ này tổ chức ngày 20/8.

Lý giải nguyên nhân phát hành TPCP ế ẩm, theo bà Hiền, có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân là thực hiện Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội với nội dung từ năm 2015, không phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, khiến cho cung – cầu trên thị trường khó gặp nhau.

Cập nhật của Bộ Tài chính đến ngày 14/8/2015 cho thấy, các ngân hàng thương mại vẫn là NĐT chủ lực trên thị trường TPCP khi đang nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Do nguồn vốn có khả năng đầu tư vào thị trường TPCP của các ngân hàng thương mại đa phần là vốn ngắn hạn, nên sức hấp thụ của họ đối với các loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên khá hạn chế. 

Cách nào giải ế?

Đến thời điểm này, 2/3 quỹ thời gian của năm 2015 đã trôi qua, nhưng khối lượng TPCP phát hành vẫn chưa đạt 50% kế hoạch. Câu hỏi đặt ra là: Với tình cảnh phát hành TPCP tiếp tục ế như hiện tại, liệu năm nay, Bộ Tài chính có thực hiện được kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng? Bà Hiền cho biết, Bộ đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện được kế hoạch này.

Để giải tỏa nút thắt lớn cho thị trường hiện tại, theo bà Hiền, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ, để tháng 10 tới kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung của Nghị quyết 78/2015 theo hướng đa dạng hơn các kỳ hạn TPCP phát hành; trong đó, xem xét cho phép phát hành các loại trái phiếu có các kỳ hạn dưới 5 năm, khắc phục tình trạng cung – cầu vênh nhau như hiện tại. Phương án này nếu đưo Quốc hội thông qua không chỉ cải thiện khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn còn hỗ trợ cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh hơn.

Trong khi chờ Quốc hội “bấm nút” thông qua phương án cho phép phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, bà Hiền cho biết, Bộ Tài chính đang nỗ lực phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên nhắm tới đối tượng mua là các công ty bảo hiểm. Sau khi lần đầu tiên phát hành thành công TPCP kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, với khối lượng phát hành trong tháng 7/2015 là 3.450 tỷ đồng, trong tháng 10 tới, 1.600 tỷ đồng TPCP có kỳ hạn tương tự cũng sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục phát hành cho đối tượng NĐT này.

Liên quan đến kế hoạch triển khai hai sản phẩm mới là trái phiếu không trả lãi định kỳ và trái phiếu lãi suất thả nổi, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT, bà Trần Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Huy động vốn, Kho bạc Nhà nước cho biết, đề án phát hành trái phiếu không trả lãi định kỳ đã hoàn tất và đang chờ lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt. Dự kiến, sản phẩm này sẽ được triển khai vào tháng 12/2015.

Về lộ trình triển khai trái phiếu lãi suất thả nổi, bà Hiền cho biết, phải căn cứ vào lãi suất chuẩn của tín phiếu Kho bạc Nhà nước được phát hành định kỳ 6 tháng/lần. Để mở ra cơ chế cho triển khai nội dung này, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để đề xuất Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10 sắp tới.

Nhằm đa dạng hóa NĐT cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, không quá phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại như hiện tại, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc đến nay Bộ Tài chính đã vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng chưa, thực hiện bằng hình thức nào, bà Hiền cho biết, đề xuất này dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các bước đánh giá, chuẩn bị chi tiết để triển khai sao cho hiệu quả nhất. Theo quy định, khoản nợ này phải được hoàn trả trong cùng năm.

Tin bài liên quan