Nhiều giải pháp đã được các thành viên thị trường đề xuất lên Bộ Tài chính, UBCK để tiếp sức cho TTTP trong năm 2015

Nhiều giải pháp đã được các thành viên thị trường đề xuất lên Bộ Tài chính, UBCK để tiếp sức cho TTTP trong năm 2015

Dòng tiền sẽ vẫn đổ vào thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Giới chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu dự báo, với diễn biến kinh tế vĩ mô có thêm tín hiệu tích cực, cùng với mặt bằng lãi suất có khả năng giảm thêm, dòng tiền sẽ vẫn đổ vào thị trường trái phiếu trong năm 2015.

Trái phiếu vẫn hút tiền

Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị thường niên 2014 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường trái phiếu (TTTP) trong năm 2015.

Theo Tổng thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh, việc Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, để chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển tích cực của TTTP không chỉ trong năm 2015, mà cả giai đoạn tới. Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 chưa dễ mạnh lên, sẽ mang lại dư địa tăng trưởng cho TTTP trong năm 2015, nhưng khó mạnh như năm 2014, ngoại trừ Chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ...

“Lạm phát năm 2014 khoảng 4%, tạo ra cơ hội tốt để giảm lãi suất. Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế, cũng như khả năng hấp thụ vốn của các DN vẫn chưa sớm được cải thiện, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 vẫn thấp. Do đó, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào TTTP trong năm tới…”, ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, dự báo, đồng thời nhận định, từ nay đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới, mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm.

Trong bối cảnh trái phiếu tiếp tục được các NĐT lớn nhất trên thị trường (các ngân hàng thương mại) nhìn nhận sẽ vẫn là kênh hút tiền khá mạnh trong năm tới, có ý kiến quan ngại, các ngân hàng tiếp tục đổ nhiều tiền vào trái phiếu, nên không dành nguồn vốn thỏa đáng cho DN vay. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến “đầu kéo” tăng trưởng của nền kinh tế là khu vực DN.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng, quan ngại trên không có cơ sở, bởi trong cơ cấu vốn kinh doanh của các ngân hàng, luôn đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu vay của DN. Hiện tổng giá trị danh mục trái phiếu chính phủ (TPCP) do các ngân hàng thương mại nắm giữ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của các ngân hàng (vẫn thấp hơn tỷ lệ hợp lý để đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh), nên sắp tới họ sẽ còn tăng đầu tư vào TPCP.

Cũng không cho rằng việc các ngân hàng dành nhiều tiền đầu tư vào trái phiếu sẽ dẫn đến hụt nguồn cho DN vay, ông Triệu chia sẻ, qua dữ liệu thống kê của Eastspring Investments, trong số 10 DN trong một ngành, có khoảng 2 - 3 công ty lớn làm ăn tốt, vươn lên, nhưng họ không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các DN nhỏ còn lại khá ốm yếu, nên bơm tiền cho các đối tượng này chẳng khác nào đưa thuốc cho ‘con nghiện’, làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Do đó, tăng trưởng tín dụng sẽ còn thấp trong năm tới, nên dòng tiền tiếp tục tìm đến kênh trái phiếu, với tư cách là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời khá hấp dẫn. 

Tiếp sức cho thị trường

Để tiếp sức cho TTTP trong năm 2015, cũng như giai đoạn tới, các thành viên thị trường đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất lên Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Theo ông Đỗ Việt Dũng, Trưởng phòng Thị trường vốn, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, năm 2015 tổng lượng phát hành TPCP ít nhất tương đương như năm nay. Trong trường hợp tín dụng chưa dễ tăng trưởng trở lại, sức cầu của thị trường sẽ vẫn lớn, nên hỗ trợ tích cực cho nhà phát hành, cũng như sự sôi động của TTTP trong năm tới.

Liên quan đến đề xuất của các thành viên VBMA về mức phí giao dịch trái phiếu hiện tại khá cao, chưa hợp lý, nên cần giảm để hỗ trợ thị trường giao dịch sôi động hơn, ông Dũng cho hay, Vụ Tài chính ngân hàng đang nghiên cứu phương án đề xuất sửa đổi toàn bộ chính sách phí, lệ phí đối với lĩnh vực chứng khoán, bao gồm cả phí giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, trên cơ sở này đề nghị Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính trình Bộ phương án sửa đổi cụ thể. Trong đó, chính sách mới sẽ tạo sự linh hoạt cho các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (VSD) trong thực hiện thu phí giao dịch trái phiếu thông qua cơ chế áp mức phí trần, nhằm tạo cơ chế khuyến khích các giao dịch cần thúc đẩy trong từng thời kỳ khác nhau.

“Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo quyền lợi lớn hơn trong độc quyền tham gia các phiên đấu thầu TPCP cho các thành viên đấu thầu TPCP…”, ông Dũng nói.

Một khía cạnh pháp lý khác cũng được các thành viên VBMA quan tâm, là tiến độ hình thành khung pháp lý cho triển khai TTCK phái sinh đang được tiến hành ra sao? Việc sớm triển khai TTCK phái sinh vào năm 2016 sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp hơn của TTTP theo thông lệ quốc tế. Bà Tạ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, hiện dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh đã được UBCK trình Bộ Tài chính. Dự thảo đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. UBCK cũng đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn nghị định này, cũng như chỉ đạo, phối hợp với Sở GDCK Hà Nội (HNX), VSD chuẩn bị hạ tầng, phục vụ cho triển khai TTCK phái sinh.           

Nhìn lại 5 năm hoạt động và phát triển của VBMA, Tổng thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, với tư cách là một hiệp hội chuyên nghiệp, VBMA đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTTP trong những năm qua. Trong năm 2015, ngoài tập trung xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp theo Đề án được Bộ Tài chính phê duyệt, VBMA còn xây dựng hợp đồng khung repo chuẩn và thúc đẩy phát triển thị trường repo. VBMA cũng tập trung xây dựng và công bố lãi suất vay liên ngân hàng chuẩn VNIBOR, để làm cơ sở cho các ngân hàng tham chiếu khi thực hiện các giao dịch vay liên ngân hàng.

“Dự kiến quý I/2015, sẽ chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP về NHNN”

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 

Hiện đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về NHNN, đã được lãnh đạo NHNN và Bộ Tài chính thống nhất thúc đẩy hoàn tất, để sớm triển khai. Cần khẳng định rằng cơ chế thanh toán qua BIDV đang diễn ra tốt. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, để tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng quản lý, giám sát dòng tiền ra vào thị trường, thì nên sớm chuyển chức năng thanh toán qua ngân hàng thương mại như hiện tại về NHNN.

Sở giao dịch NHNN đang phối hợp chặt chẽ với VSD triển khai các công việc liên quan, để khi đề án được phê duyệt, sẽ khẩn trương tổ chức triển khai. Dự kiến quý I/2015, có thể hoàn tất việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ BIDV về NHNN. Khi đó, các hoạt động giao dịch cũng như thanh toán sẽ diễn ra nhanh hơn, thuận tiện hơn. 

“Chính sách phí giao dịch trái phiếu cần hợp lý hơn”

Dòng tiền sẽ vẫn đổ vào thị trường trái phiếu ảnh 1

 Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX

Ngay khi xây dựng Đề án phát triển thị trường TPCP chuyên biệt, một trong những giải pháp quan trọng mà HNX đề xuất để góp phần thúc đẩy thị trường phát triển là giảm phí giao dịch trái phiếu cho các thành viên trên thị trường. Thực tế thời gian qua, mức phí đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu rà soát kỹ lưỡng, có thể còn dư địa để giảm thêm. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Thực ra, mức phí giao dịch đối với các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn của Việt Nam tương đương như các nước trong khu vực đang áp dụng. Riêng mức phí giao dịch repo kỳ hạn ngắn đang cao hơn một số nước. Do đó, để tiếp tục góp phần thúc đẩy TTTP phát triển sôi động hơn trong giai đoạn tới, các thành viên thị trường kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK xem xét để có quy định mới về phí giao dịch trái phiếu cho phù hợp hơn theo hướng với những loại kỳ hạn nào cần khuyến khích giao dịch, thì phí cần được phát huy vai trò như là một trong những công cụ khuyến khích.

“Sức cầu trái phiếu chính phủ còn tăng”

Dòng tiền sẽ vẫn đổ vào thị trường trái phiếu ảnh 2

 Ông Trịnh Hoài Giang,Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)

Không có cơ sở cho những quan ngại việc các ngân hàng thương mại tăng đầu tư vào trái phiếu sẽ dẫn đến không còn vốn cho các DN vay. Vấn đề là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, cộng với sức hấp thụ vốn của DN còn kém, nên dự báo tín dụng sẽ vẫn khó tăng trưởng trong năm 2015. Điều này có nghĩa hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục ở trong trạng thái “thừa” vốn, trong khi tổng mức phát hành TPCP trong năm nay như dự kiến của Bộ Tài chính là khá lớn, nên các ngân hàng tiếp tục tăng vốn đầu tư vào trái phiếu, để không chỉ giảm thiểu rủi ro, mà còn mang lại tỷ lệ sinh lời khá hấp dẫn.

Trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế vĩ mô sẽ có thêm triển vọng khả quan trong năm 2015, mặt bằng lãi suất chưa dễ tăng, nếu có thì khoảng cuối năm 2015 mới xuất hiện, nên sức cầu trên TTTP sẽ còn tăng trong năm tới. Do đó, trái phiếu sẽ tiếp tục là kênh thu hút vốn đầu tư của các NĐT trong và ngoài nước trong năm 2015.

Tin bài liên quan