UBCK đang dành nhiều nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách về thị trường giao dịch TPCP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế

UBCK đang dành nhiều nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách về thị trường giao dịch TPCP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Để vượt qua ngưỡng 5% vốn ngoại trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Tạ Thanh Bình cho biết, trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, thực tế nhà đầu tư nước ngoài mới chiếm 5% tỷ trọng giao dịch toàn thị trường. Làm thế nào để dòng vốn ngoại tham gia nhiều hơn là một trong những việc UBCK luôn quan tâm trong các chương trình hoạt động.

Sửa quy định pháp lý, xây dựng các sản phẩm mới như chứng chỉ lưu ký nợ toàn cầu, hợp đồng tương lai TPCP, quảng bá đến nhà đầu tư quốc tế…, là những việc UBCK sẽ làm để nâng chất thị trường, thúc các dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào trái phiếu Việt Nam. 

Được biết, dự thảo sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC theo hướng tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường TPCP, nâng cao quản trị rủi ro và chuẩn hóa quy chuẩn các tiêu chuẩn trên thị trường trái phiếu. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những nội dung này?

Để vượt qua ngưỡng 5% vốn ngoại trên thị trường trái phiếu ảnh 1

 Bà Tạ Thanh Bình

UBCK đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo đó, dự thảo bổ sung một số nội dung quan trọng như: Kho bạc Nhà nước được tham gia giao dịch trên thị trường thứ cấp thông qua việc thực hiện mua đối với giao dịch mua bán lại TPCP trên hệ thống với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa là 3 tháng; bổ sung nghiệp vụ giao dịch vay để bán là việc bán trái phiếu mà nhà đầu tư không sở hữu, nhà đầu tư đi vay trái phiếu, bán và sau đó mua lại trên thị trường để trả lại bên cho vay trái phiếu; bổ sung nghiệp vụ giao dịch bán và mua lại (sell/buy back) là việc hai bên đối tác thỏa thuận thực hiện đồng thời một giao dịch bán trái phiếu tại ngày giao dịch với mức giá giao ngay và giao dịch mua lại cùng trái phiếu đó tại một ngày xác định trong tương lai với một mức giá, khối lượng xác định trước trong hiện tại; bổ sung quy định về trái phiếu tương đương có thể chuyển giao là (các) mã trái phiếu có thể được sử dụng để thanh toán thay cho trái phiếu gốc trong giao dịch trái phiếu trong trường hợp không có đủ trái phiếu gốc để thanh toán.

Hiện UBCK đã trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư, dự kiến văn bản này sẽ được ban hành trong năm 2016. Nếu dự thảo Thông tư được thông qua thì thị trường TPCP hứa hẹn sẽ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.

Ngoài việc phục vụ nhà đầu tư trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh đa dạng, làm thế nào để dòng vốn ngoại tham gia thị trường TPCP nhiều hơn, thưa bà?

Đây là điều chúng tôi luôn quan tâm trong chương trình hoạt động của UBCK.

Hiện nay, trên thị trường TPCP, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, với các sản phẩm mới như GDN (Global Depository Notes - chứng chỉ lưu ký nợ toàn cầu) hay hợp đồng tương lai TPCP thì nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia không hạn chế.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 8/2016, khối này đã tiếp tục mua ròng 7.952 tỷ đồng, sau khi đã mua ròng trong 3 tháng trước đó với tổng giá trị mua ròng đạt 10.440 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19.800 tỷ đồng và mua ròng liên tục trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, thị phần giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tương đối thấp (trong tháng 8/2016, tỷ trọng giao dịch chỉ đạt 5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trái phiếu).

Từ năm 2015, tỷ trọng giao dịch và giá trị giao dịch outright của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPCP có xu hướng giảm so với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, điều này có thể là do tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đưa ra các quy định hạn chế nhà đầu tư ngoại đầu tư trái phiếu chính phủ. Về phía UBCK, thời gian qua, chúng tôi dành nhiều nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách về thị trường giao dịch TPCP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Cụ thể, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới để đa dạng hóa các sản phẩm, giúp thị trường TPCP Việt Nam tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế về các sản phẩm cho thị trường TPCP;  nghiên cứu hướng đến phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức trên thị trường như quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch tổ chức quảng bá, hội thảo giới thiệu thị trường TPCP Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi hy vọng, với những biện pháp trên, Việt Nam có thể thu hút thêm được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường trái phiếu hiện vẫn còn thiếu hụt các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như phương tiện kinh doanh trong xu hướng lãi suất tăng lên, trái phiếu lãi suất thả nổi, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu… Thực tế này khiến diễn biến thị trường TPCP phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng. Quan điểm của bà ra sao?

Về sản phẩm, hiện tại, UBCK đang phối hợp với HNX đưa ra một số sản phẩm mới trên thị trường như cho phép vay TPCP để bán, bổ sung nghiệp vụ bán và mua lại sell/buy back (hiện đang được quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 234/2012/TT-BTC và sẽ được ban hành trong năm nay). Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu về TPCP có lãi suất thả nổi và có thể sẽ ra mắt trong thời gian tới khi nhà đầu tư hứng thú với lãi suất dài hạn (hiện nay, giao dịch kỳ hạn trên 5 năm đã tăng trưởng khá mạnh so với cuối năm 2015).

Đặc biệt, theo kế hoạch, đến năm 2017, chúng tôi sẽ triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP. Đây là một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất rất quan trọng. Chúng tôi tin tưởng rằng với công cụ này, thị trường TPCP sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới.

Hiện nay, thị trường liên ngân hàng có một vai trò quan trọng đối với thị trường TPCP. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì thị trường TPCP và thị trường liên ngân hàng có mối quan hệ rất đặc biệt, có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển (trên thị trường TPCP khối ngân hàng thương mại thực hiện giao dịch chiếm hơn 80% tổng giá trị giao dịch).

Ngoài việc đẩy mạnh thị trường TPCP, các thành viên thị trường cũng đang chờ đợi nhà quản lý xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Làm thế nào để có thể tạo cơ chế cho doanh nghiệp gọi vốn bằng trái phiếu, thưa bà? 

Hiện nay, có 2 hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phát hành riêng lẻ theo Quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP và phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tuy vậy trên thực tế, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ, tự phát và manh mún. Cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được định hình.

Thị trường sơ cấp còn nhiều hạn chế, thị trường thứ cấp giao dịch không nhiều, thông tin không được công bố tập trung, có hệ thống và không đầy đủ. Thị trường còn thiếu vắng nhiều điều kiện căn bản như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu. Phương thức giao dịch còn chưa hợp lý.

Tính chất của các giao dịch là thỏa thuận, nhưng đối với giao dịch các trái phiếu niêm yết lại thực hiện theo khớp lệnh. Hệ thống văn bản pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hỗ trợ thị trường thứ cấp hình thành và phát triển.

Trước thực tế này, chúng tôi đang phối hợp cùng HNX xây dựng Đề án Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và Thông tư hướng dẫn riêng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là từng bước xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuẩn mực, hướng tới triển khai việc kết nối với thị trường trái phiếu khu vực ASEAN +3 vào khoảng cuối năm 2020.

Tin bài liên quan