Cơ hội phát hành trái phiếu quốc tế

(ĐTCK) Standard & Poor’s vừa công bố xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B (triển vọng ổn định) - không thay đổi so với mức xếp hạng cũng do tổ chức này công bố vào tháng 3/2015.
Cơ hội phát hành trái phiếu quốc tế

Theo Bộ Tài chính, mức xếp hạng trên phản ánh tăng trưởng kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được Standard & Poor’s, cũng như cộng đồng NĐT đánh giá tốt và có triển vọng cải thiện. 

Giới chuyên gia trái phiếu cho rằng, mức xếp hạng tín nhiệm trên là cơ hội để Việt Nam bắt đầu triển khai phát hành trái phiếu quốc tế trong tổng hạn mức mà Quốc hội cho phép là 3 tỷ USD. Mức tín nhiệm này có triển vọng cho phép Việt Nam tiết giảm chi phí phát hành trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa tăng thêm lãi suất, đồng thời ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vốn đang yếu và thiếu ổn định.

Với bối cảnh trên, nhà phát hành có triển vọng để cắt giảm mức lãi suất phát hành nếu chọn kênh trái phiếu quốc tế, trong khi ở chiều ngược lại, nhà phát hành đang phải chịu sức ép tăng lãi suất để đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ thành công.

Nếu tìm vốn bằng phát hành trái phiếu quốc tế, có hai phương án để lựa chọn: hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc cho chính nhà đầu tư trong nước, như cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế cho Vietcombank trong năm qua với lãi suất 4,8%/năm.

Diễn biến trên thị trường trái phiếu lẫn thị trường tiền tệ cho thấy, một số yếu tố đang ủng hộ phương án phát hành trái phiếu quốc tế cho NĐT trong nước. Đó là sau khi lãi suất gửi USD được đưa về 0%/năm, gần đây hàng tỷ USD mà các tổ chức tín dụng huy động được trong dân đã được gửi ra nước ngoài để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Đây là hoạt động kinh doanh bình thường của các ngân hàng, nhưng nó cũng nói lên thực tế do không tìm được kênh đầu tư trong nước phù hợp, nên “cực chẳng đã”, người có tiền đã chuyển ngoại tệ ra nước ngoài với không ít rủi ro.  

Bởi vậy, việc “khớp nối” giữa nhu cầu đầu tư của các tổ chức tín dụng hiện tại với nhu cầu phát hành trái phiếu quốc tế của Bộ Tài chính có cơ hội mang lại đa lợi ích cho nền kinh tế: nhà phát hành có triển vọng phải trả lãi suất cho NĐT trong nước thấp hơn so với NĐT quốc tế, nhưng vẫn mang lại lãi suất hấp dẫn cho các ngân hàng thương mại so với mức họ gửi USD ra thị trường quốc tế; hạn chế “chảy máu” ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá hiện hành.

Tìm được vốn đã khó, nhưng làm thế nào để sử dụng đồng vốn huy động được hiệu quả hơn, luôn là câu hỏi lớn mà những người có trách nhiệm đặt ra cho Chính phủ khi quyết định việc nên hay không nên phát hành trái phiếu quốc tế. Chỉ khi đồng vốn được sử dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước lớn hơn chi phí vay vốn và đầu tư thì khi đó, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ mới không tạo gánh nặng nợ chồng lên nợ cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Tin bài liên quan