Cần rộng cửa cho doanh nghiệp tìm vốn bằng trái phiếu

(ĐTCK) “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện chưa phát triển như kỳ vọng do tồn tại nhiều bất cập. Các thành viên thị trường mong đợi tình trạng này sẽ sớm được khắc phục khi Nghị định 90/2011 về phát hành TPDN đang được xúc tiến sửa đổi...”, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV CTCK Kỹ thương trao đổi với ĐTCK.
Ông Nguyễn Xuân Minh

Ông Nguyễn Xuân Minh

Thị trường TPDN hiện èo uột, kém phát triển, theo ông vì sao?

Thị trường TPDN hiện nay chưa phát triển như kỳ vọng của DN và các NĐT. Phát hành TPDN chưa được sử dụng như một cách thức huy động vốn dài hạn hữu hiệu của các DN, mặc dù đây là kênh huy động vốn có nhiều lợi thế.

Chẳng hạn, DN không phải chịu sức ép chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản trả lãi trái phiếu, các khoản trả trái tức ít phải tuân thủ các điều kiện khắt khe như một khoản vay từ ngân hàng thương mại…

Sự phát triển chưa xứng tầm của thị trường TPDN xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: tâm lý của NĐT còn e ngại lãi suất TPDN chưa thực sự hấp dẫn; quy trình công bố thông tin của DN phát hành chưa minh bạch…

Thêm vào đó, Nghị định 90/2011 (NĐ90) về phát hành TPDN sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ những hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính vừa đề xuất hướng sửa đổi NĐ90. 

Cần phải tháo gỡ những bất cập hiện hành như thế nào, thưa ông?

Qua kinh nghiệm tư vấn và thu xếp vốn trái phiếu cho các DN, chúng tôi nhận thấy quy định như Điều 3 NĐ90 về việc phát hành TPDN nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN; tăng quy mô vốn hoạt động của DN; cơ cấu lại các khoản nợ của DN…, cần được làm rõ hơn.

NĐT, nhất là các tổ chức tín dụng, vốn là các tổ chức bị kiểm soát chặt về mục đích cấp tín dụng, nên họ đặc biệt quan tâm đến mục đích phát hành TPDN. Trong khi đó, khái niệm “tăng quy mô vốn hoạt động của DN” không được giải thích cụ thể trong NĐ90. Điều này gây khó khăn cho các DN, tổ chức tín dụng trong việc tìm tiếng nói chung về phạm vi và cách hiểu về “quy mô vốn hoạt động”.

Kết quả là NĐT có xu hướng e ngại với những DN phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, cho dù trên thực tế, mục tiêu phát hành này hoàn toàn khả quan và hợp pháp. Không ngạc nhiên khi số lượng các DN phát hành trái phiếu với mục đích này thực tế khá ít trên thị trường.

Chúng tôi cũng đề xuất mục đích phát hành trái phiếu nên được mở rộng thêm. Ví dụ, nhiều DN là công ty mẹ thường có uy tín hơn, có khả năng phát hành trái phiếu thành công cao hơn so với công ty con (thường là DN có dự án). Công ty mẹ có nhu cầu phát hành vốn để chuyển cho công ty con thực hiện dự án. Tuy nhiên, mục đích phát hành trái phiếu như vậy không nằm trong số các mục đích được phép. Kết quả là công ty mẹ không thể phát hành trái phiếu và phải tìm cách huy động vốn theo hình thức khác.

Một quy định khác tại Điều 4 NĐ90 có thể gây khó khăn cho mục tiêu cơ cấu lại các khoản nợ của DN, là yêu cầu phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư khi phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình, dự án. Quy định này chỉ nên áp dụng với DNNN, còn áp dụng với các DN khác là can thiệp vào quyền tự chủ của DN.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc phát hành trái phiếu là nhằm bổ sung vốn lưu động hoặc công ty mẹ huy động vốn nhằm thực hiện dự án của công ty con. NĐ90 không đề cập tới các trường hợp này và không rõ là tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ áp dụng như thế nào. 

Như phân tích của ông, do các quy định hiện hành về bảo vệ quyền lợi của NĐT chưa minh bạch, nên khiến họ e ngại tham gia thị trường TPDN?

Do các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi của NĐT chưa được rõ ràng, nên khiến họ tham gia thị trường TPDN khá hạn chế, trong khi đó, nhu cầu về một phương thức đầu tư dài hạn, ổn định, ít rủi ro là rất lớn.

Rõ ràng các NĐT chưa an tâm khi đầu tư vào thị trường này khi quy định về công bố thông tin phát hành trái phiếu, một trong các nguồn thông tin tham khảo quan trọng của NĐT, vẫn còn khá mù mờ. Trách nhiệm của DN và các tổ chức tham gia phát hành đối với các NĐT còn chưa được làm rõ. Hạn chế này cần được khắc phục khi sửa đổi NĐ90. 

Ông nhìn nhận gì về phản ánh của các DN rằng, NĐ90 cho phép họ phát hành trái phiếu chia làm nhiều đợt, nhưng hồ sơ phát hành chỉ xem xét trong năm, nên gây khó cho DN?

Bất cập trên dẫn đến nghịch lý là nếu DN lựa chọn các đợt phát hành vào các năm khác nhau, thì mỗi lần phát hành DN lại phải xây dựng toàn bộ hồ sơ và phương án phát hành. Điều này vừa gây khó khăn về thời gian, công sức cho DN, vừa phát sinh nhiều chi phí cho các bên liên quan (ví dụ như tổ chức tư vấn và phát hành) trong một đợt phát hành, trong khi không tạo ra bất kỳ giá trị đặc biệt nào về mặt minh bạch và hiệu quả hoạt động.

Với kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng có thị trường trái phiếu phát triển như Singapore hay Malaysia, chúng tôi cho rằng, quy định pháp lý nên tạo điều kiện để các DN chủ động trong xây dựng phương án phát hành và đăng ký chương trình phát hành trái phiếu, ví dụ như trong khoảng thời gian là 5 năm.

Tùy tình hình thị trường mà DN lựa chọn thời điểm và khối lượng phát hành. Những lần phát hành sau, DN chỉ cần bổ sung thông tin với các báo cáo cập nhật, đặc biệt là những thông tin và số liệu ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT, thay vì phải làm lại từ đầu toàn bộ hồ sơ.

Tin bài liên quan