Cải thiện sự minh bạch trên thị trường trái phiếu

Cải thiện sự minh bạch trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) “Nhiều năm qua, chúng tôi đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ, nhưng không biết rõ đồng vốn bỏ vào đó được sử dụng như thế nào”, Giám đốc một công ty quản lý quỹ có quy mô đầu tư lớn nhất nhì TTCK Việt Nam nói.

Hiện trạng này sẽ được cải thiện khi Thông tư 99, Thông tư 100 và Thông tư 111/2015/TT-BTC đã hướng các tổ chức phát hành TPCP đến quy chuẩn minh bạch.

Quy định mới cũng giảm bớt các ràng buộc của thành viên trái phiếu và cải thiện kỹ thuật phát hành, giao dịch để tăng tính thanh khoản trên thị trường.

Sẽ minh bạch hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu

Lần đầu tiên, quy chuẩn về minh bạch với chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, dự án sử dụng vốn từ nguồn vốn đặc biệt này chính thức được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 99/2015/TT-BTC và Thông tư 100/2015/TT-BTC.

Theo đó, kể từ 1/8/2015, các chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin định kỳ về “sức khỏe” tài chính của mình trên website DN và website Sở GDCK Hà Nội.

Các DN phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh sẽ phải công bố thông tin về dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu, thông tin về báo cáo tài chính, cập nhật tình hình sử dụng nguồn vốn trái phiếu…

Với các ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), trách nhiệm công bố thông tin dự án sử dụng vốn có “nhẹ” hơn, nhưng hai tổ chức này sẽ phải công bố định kỳ, trước ngày 10/1 hàng năm tóm tắt về tình hình hoạt động, sức khỏe tài chính 2 năm liền kề, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu…

Các chính quyền địa phương muốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng phải minh bạch “sức khỏe” tài chính. Cụ thể, theo Thông tư 100, chính quyền địa phương phải công bố thông tin trước và sau khi phát hành, đáng chú ý là phải công bố danh mục sử dụng vốn trái phiếu; số lượng thu chi ngân sách địa phương 3 năm gần nhất; tình hình dư nợ, tình hình trả nợ gốc, lãi…

Lãnh đạo Vụ Tài chính - ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, quy định mới nhằm cải thiện sự quan tâm của nhà đầu tư đến trái phiếu chính quyền địa phương, một loại hàng hóa mà đến nay mới chỉ có 4 địa phương là Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng huy động được vốn.

Thông tư 100 có thêm điểm mới về việc hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương, với hy vọng từ Bộ Tài chính là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương thực hiên gọi vốn qua kênh này. 

Giảm nghĩa vụ thành viên, cam kết áp dụng T+2

Đối với TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, Thông tư 111 có hiệu lực từ 15/9  bổ sung thêm 2 loại kỳ hạn là 7 năm và 20 năm, đồng thời bổ sung tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vào danh sách thành viên đấu thầu đặc biệt (cùng với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Với các thành viên đấu thầu khác, một điểm mới đáng quan tâm là sẽ được đăng ký mua thêm trái phiếu ngay sau phiên đấu thầu (sáng thứ Tư hàng tuần), nếu trúng thầu trong phiên buổi sáng.

Cùng với đó, thành viên sẽ không còn phải bắt buộc tham dự tất cả các phiên đấu thầu như quy định cũ, mà chỉ cần “tham gia dự thầu tại các phiên đấu thầu với tần suất và mức lãi suất hợp lý”.

Bà Trần Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Huy động vốn, Kho bạc Nhà nước cho biết, điểm mới này xuất phát từ thực tế thời gian qua, có những thành viên không thu xếp được tài chính để tham dự tất cả các phiên đấu thầu, nên họ đã đặt ra mức lãi suất không hợp lý, tạo nên những hệ lụy không cần thiết.

Thành viên cũng đồng thời được bỏ nghĩa vụ báo cáo hàng tháng với Bộ Tài chính, thay vào đó sẽ báo cáo hàng quý về tình hình tham gia thị trường TPCP và dự báo nhu cầu đầu tư trái phiếu trong quý tiếp theo…

Liên quan đến thời gian đưa TPCP lên sàn, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã cùng ký cam kết rút ngắn thời gian từ khi phát hành đến khi TPCP được giao dịch trên HNX chỉ còn T+2.

“Trước đây, quãng thời gian này là T+15, rồi được giảm dần về T+4, T+3 và nay là T+2. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghĩ đến những mục tiêu cao hơn, như rút xuống còn T+1, thậm chí T+0 để tăng tính hiệu quả của thị trường TPCP”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX nói. Ông cho biết thêm, HNX đang nỗ lực xây dựng sản phẩm trái phiếu zezo coupon, với hy vọng cuối năm nay hoặc đầu năm tới sẽ giới thiệu đến thị trường.

Với việc 3 văn bản pháp quy cùng có hiệu lực, thị trường TPCP được Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ đón thêm dòng vốn mới, với mục tiêu trước mắt là cải thiện hiện trạng phát hành (8 tháng mới đạt 56% kế hoạch) và giao dịch chưa sôi động hiện nay. Về dài hạn, cải thiện tính thanh khoản và sự minh bạch trên thị trường trái phiếu sẽ cải thiện niềm tin, đặc biệt là của các nhà đầu tư lớn với kênh đầu tư đặc thù này. 

Tin bài liên quan