Bộ Tài chính không muốn “ăn đong” trái phiếu quốc tế

Bộ Tài chính không muốn “ăn đong” trái phiếu quốc tế

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa đề xuất lên Chính phủ chủ trương xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, để tránh tình trạng “ăn đong”.

Câu chuyện trước mắt

Liên quan đến hiện trạng vay vốn qua kênh trái phiếu chính phủ (TPCP), đang có những quan ngại về khả năng trả nợ, nhất là trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước gặp khó do giá dầu thô giảm mạnh. Một câu hỏi thẳng thắn vừa được báo chí đặt ra với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: được biết, hiện nay, thu ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn, thiếu hụt nguồn bảo đảm cân đối ngân sách năm 2015, nên cần huy động thêm TPCP, vay nước ngoài để trả nợ. Có ý kiến cho rằng, việc đi vay để trả nợ thể hiện thiếu năng lực trả nợ có đúng không?

Ông Nên cho biết, vay để trả nợ là biện pháp nghiệp vụ thông thường, phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn, không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định và thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay hiện nay bằng các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn.

“Thực tế vừa qua tuy chịu ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước đến nay đạt khá. Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm nay đạt 34,5% dự toán, tăng khá so với cùng kỳ một số năm gần đây, bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện”, Người phát ngôn Chính phủ nói. 

Tính kế dài hạn

Việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế trong những năm gần đây thường được thực hiện theo kiểu “ăn đong”, chứ chưa theo một chiến lược bài bản, dài hạn. Theo đó, mỗi khi định mức tín nhiệm quốc gia cải thiện, Bộ Tài chính thường chớp thời cơ phát hành. Cụ thể, trong đợt phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế gần đây nhất là vào tháng 11/2014, tận dụng cơ hội Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody’s nâng từ bậc B2 lên B1, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD TPCP kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế. Đợt chào bán trái phiếu này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai loại TPCP đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó, với hạn thanh toán vào năm 2016 và 2020.

Sau đợt phát hành thành công này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu và báo cáo Chính phủ khả năng triển khai đợt phát hành mới trong thời gian tới để tiếp tục chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công hiện hành. Dẫu sao đây vẫn là việc làm mang tính ngắn hạn.

Liên quan đến hướng khắc phục tình trạng “ăn đong” trong phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: ngày 25/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ cho chủ trương xây dựng đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016 - 2020.

“Mục tiêu quan trọng khi xây dựng đề án này là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Qua đó, dần thay các khoản vay với thời gian ngắn, lãi suất cao bằng các khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước…”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, khi đề án được Chính phủ phê duyệt, việc huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế sẽ đảm bảo hợp lý hơn, thời gian sử dụng vốn kéo dài, phù hợp trong sử dụng cho các dự án trọng điểm quốc gia, chuẩn bị cho mục tiêu  thay dần các nguồn vay ưu đãi ODA, vì khi Việt Nam bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, thì phải tính đến thay nguồn vốn ODA bằng các nguồn vốn phù hợp hơn.

Trước quan ngại việc vay nợ tăng trong khi sử dụng vốn kém hiệu quả sẽ gia tăng sức ép lên nợ công, cũng như khả năng thanh toán các khoản đã vay, ông Tuấn khẳng định: vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm.

“Sắp tới, dự thảo đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020 sẽ được công bố lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Sau đó, đề án sẽ được hoàn thiện, trên cơ sở đó Chính phủ trình Quốc hội thông qua để có căn cứ pháp lý thực hiện”, ông Tuấn nói.     

Tin bài liên quan