6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 26.615 tỷ đồng

6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 26.615 tỷ đồng

“Bật sáng” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) CTCP Đầu tư hạ tầng TP. HCM (CII) vừa công bố thông tin về buổi làm việc với tổ chức đầu tư đến từ Mỹ, bao gồm cả các tổ chức đã vào thị trường Việt Nam từ lâu, đang nắm giữ cổ phiếu cơ bản và sở hữu CII, cũng như những tổ chức đầu tư đang nghiên cứu, rất thích thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ đầu tư trong vòng một năm tới.

Nhắc lại câu chuyện cũ

CTCP Đầu tư hạ tầng TP. HCM (CII) vừa công bố thông tin về buổi làm việc với tổ chức đầu tư đến từ Mỹ, bao gồm cả các tổ chức đã vào thị trường Việt Nam từ lâu, đang nắm giữ cổ phiếu cơ bản và sở hữu CII, cũng như những tổ chức đầu tư đang nghiên cứu, rất thích thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ đầu tư trong vòng một năm tới.

Trong bản công bố thông tin về nội dung làm việc với các quỹ, có điểm ghi nhận liên quan đến bình luận của tổ chức đầu tư này về “vấn đề Goldman Sachs”. Báo cáo của CII viết: “Việc họ (tức đại diện các quỹ) biểu lộ sự thất vọng, không thích hay bực mình là thương vụ Goldman Sachs làm với CII là quá có lợi cho Goldman Sachs, mặc dù CII đã giải thích rằng, thời điểm tổ chức đấu thầu huy động vốn cực kỳ khó khăn và số vốn của Goldman Sachs đã tạo nền tảng phát triển vững mạnh cho CII ngày hôm nay”.

Trong chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII với giới truyền thông mới đây có bình luận: “Là người nắm giữ tài chính của CII từ ngày thành lập đến nay, tôi dám khẳng định là, nếu không có khoản đầu tư 40 triệu USD của Goldman Sachs vào năm 2011 (năm bắt đầu của chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất bắt đầu tăng cao ngất ngưởng) thì không có CII ngày hôm nay, nặng nề hơn, là không biết hôm nay CII đã đi về đâu, không chừng là ‘đi về nơi xa lắm’”.

 Câu chuyện trái phiếu CII phát hành cho Goldman Sachs đưa chúng ta nhìn lại thời điểm 2011, khi chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu được thực hiện và lãi suất cho vay được đẩy lên cao sau đó, tới 20%/năm với những công ty bất động sản. Vào thời điểm lãi suất cao, TTCK sụt giảm, không ít doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chuyển đổi để thu hút vốn trung hạn. Trái phiếu chuyển đổi vừa đem lại mức lợi tức khá cho NĐT, vừa mở ra cơ hội chuyển đổi, tức đem lại lợi nhuận lớn hơn cho NĐT nếu TTCK khởi sắc.

Trong quá khứ, thị trường đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu như một cứu cánh trong thời điểm lãi suất tăng cao, ngân hàng siết tín dụng. Có những thương vụ thành công như Goldman Sachs, nhưng cũng có trái chủ không thành công, ví dụ như đầu tư trái phiếu chuyển đổi SSI năm 2010, nhưng sau đó không thực hiện chuyển đổi vì giá cổ phiếu quá thấp. Tuy nhiên, dù trái chủ có thành công hay không thì doanh nghiệp phát hành được trái phiếu đều được hưởng lợi nhất định khi huy động được vốn.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng phát hành được trái phiếu, bởi thành công trong phát hành trái phiếu gắn liền với độ minh bạch, định mức tín nhiệm và hiệu quả của dự án sử dụng vốn trái phiếu phát hành. Dù vậy, trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp muốn huy động vốn trung và dài hạn để vượt qua những “vũ môn” mà dòng vốn tín dụng đôi khi không thể giúp doanh nghiệp. 

Cơ hội mới

Hiện tại, thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (năm 2014, chiếm 85,4% quy mô toàn thị trường, tương đương 18,1% GDP), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ (tương đương 2,5% GDP) và thanh khoản kém. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau một thời gian trầm lắng đã có sự tăng trưởng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng vọt do nhu cầu phát hành mới để làm giảm chi phí lãi vay và tài trợ dự án mới. Theo thống kê của VFM, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nửa đầu năm 2015 đã lên tới 26.615 tỷ đồng. Môi trường cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là tương đối thuận lợi do đã có các quy định rõ ràng về điều kiện phát hành và cách thức phát hành.

Trước mắt, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc huy động nguồn vốn qua trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư dự án hạ tầng, khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo đó, việc hình thành Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho các nước có khả năng huy động vốn trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ từ các nước khác trong khu vực, bên cạnh việc phát triển hạ tầng chung cho thị trường trái phiếu.

ABMI là cơ hội mới để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhằm thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.      

Tin bài liên quan