Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bài toán tiêu tiền

(ĐTCK) Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2016 đề ra hồi đầu năm là 220.000 tỷ đồng. Khi đó, Bộ Tài chính đưa ra những dự báo với không ít lo lắng về khả năng hoàn thành kế hoạch này, trong bối cảnh sức hấp thụ của thị trường khá yếu. 

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 85,3% kế hoạch cả năm. Đây là lý do tổ chức này điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP lần thứ nhất, với mức phát hành tăng thêm là 30.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng khối lượng phát hành năm nay lên 250.000 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, với sức cầu của thị trường TPCP tiếp tục có diễn biến tích cực, mới đây Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm 2016 lần thứ hai, khối lượng phát hành tăng thêm là 31.000 tỷ đồng (bằng khối lượng trái phiếu sẽ phát hành trong quý IV/2016 theo kế hoạch đã điều chỉnh lần 1), nâng tổng khối lượng phát hành lên 281.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước cần có thêm nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển, TPCP đắt hàng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, bán được nhiều trái phiếu và thu được tiền về, nhưng giải ngân chậm đồng nghĩa với tăng áp lực trả nợ lên ngân sách, cũng như an toàn nợ công.

Sự chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nói chung, nguồn vốn TPCP nói riêng thể hiện rõ nét qua cập nhật của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 56,6% kế hoạch, trong đó riêng nguồn vốn TPCP giải ngân thấp khi chỉ đạt 38,8% kế hoạch.

Thực tế trên cho thấy, để đồng vốn đi vay về qua kênh TPCP không làm gia tăng áp lực trả nợ, cũng như ảnh hưởng đến an toàn nợ công, có hai việc căn bản cần tập trung giải quyết.

Đầu tiên, việc gia tăng khối lượng phát hành TPCP cần được thực hiện đồng bộ với khắc phục hiệu quả tình trạng giải ngân nguồn vốn TPCP chậm như hiện tại. Nói cách khác, tiến độ huy động vốn cần bám sát tiến độ giải ngân để giảm tình trạng vốn đọng lại mà ngân sách vẫn phải trả lãi.

Tiếp theo, việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn TPCP cần có những điều chỉnh linh hoạt theo hướng tập trung cho các dự án mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra nguồn thu mới, qua đó giúp ngân sách có thêm nguồn để thu xếp trả nợ.

Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh hiệu quả đầu tư từ khu vực nhà nước chưa được đo lường chuẩn mực thì việc tăng lượng vốn đầu tư từ khu vực này cần tính toán kỹ lưỡng, để vừa tránh gia tăng áp lực trả nợ lên ngân sách, vừa tránh “chèn ép” hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vốn thường mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn.

Dù phát hành TPCP thuận lợi, nhưng bài toán tiêu tiền cần có lời giải trước khi tính tới việc gọi thêm vốn mới qua công cụ này.

Tin bài liên quan