Pù Luông: Lặng lẽ chốn bình yên

Pù Luông: Lặng lẽ chốn bình yên

(ĐTCK) Pù Luông hoang sơ, với nắng, gió và mây ngàn, rất thích hợp với những người muốn trốn tránh sự ồn ào của cuộc sống đời thường.

Một ngày không smartphone

Pù Luông (huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa) trong tiếng Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất. Đúng như tên gọi cổ nhân đã đặt, Pù Luông sở hữu đỉnh cao 1.700 m so với mực nước biển, là nơi trekking hấp dẫn của nhiều bạn trẻ.

Phần lớn diện tích đất Pù Luông hiện nay là khu bảo tồn rừng nguyên sinh tự nhiên với nhiều suối thác, hang động tuyệt đẹp. Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, những khung cảnh hoang sơ, Pù Luông còn có các khu ruộng bậc thang, bản làng tựa vào núi đồi, các món ăn đặc sắc chẳng đâu có…, tạo thành điểm nhấn hấp dẫn khách đường xa.

Có nhiều con đường dẫn đến Pù Luông, nhưng tôi đã chọn hướng đi qua hồ Ba Khan, Hòa Bình, cốt để được chiêm ngưỡng vùng mây nước xanh lục thủy, quyện hòa dưới chân đèo Thung Khe như một vịnh Hạ Long trên cạn. Đường này lúc về thì ngang qua Thác Mây, Thanh Hóa nổi tiếng với truyền thuyết 9 bậc tình yêu. Nghe nói, những đôi nam nữ muốn nên duyên chỉ cần dắt tay nhau đi hết 9 bậc thác nước sẽ được toại ý nguyện lòng.

Mất khoảng 4 giờ lái xe, tôi đến được bản Đôn nằm trong Quần thể du lịch Pù Luông. Việc lưu trú ở vùng đất thượng nguồn sông Mã bây giờ không còn là vấn đề lớn. Gần đây, địa phương đã quy hoạch, kêu gọi nguồn vốn đầu tư gây dựng nhiều khu lưu trú đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với những du khách hạn hẹp, hay những phượt thủ, có thể chọn các khu homestay, khu nhà sàn để nghỉ tập thể, giá cả phải chăng. Với những du khách có tài chính dư giả, có thể thuê Deluxe Bungalow và Suite Bungalow sang hơn, tùy theo nhu cầu.

Còn tôi, tôi chọn Puluong Retreat, một địa điểm nghỉ dưỡng mới lạ đang nổi như cồn trên mạng xã hội. Puluong Retreat khi tôi đến đang khoác trên mình tấm áo tươi mới, xanh rì và lấp lánh trong nắng như một nàng tiên giáng trần. Những con đường nở đầy hoa dâm bụt như hóa thành từng nấc thang bắc lên mây.

Trước khi vào bữa trưa, tôi quyết định làm một vòng khám phá Puluong Retreat. Ở đây có 8 bungalow xinh xắn nằm sát mép ruộng bậc thang. Từ khung cửa sổ, tôi dễ dàng nhìn ra thung lũng phía dưới, nơi những cánh đồng, dòng suối, cây cầu đang trải dài vút tầm mắt đến hư vô. Khuôn viên xung quanh cũng siêu đẹp và mát mẻ với các loại xích đu, nhà sàn gỗ lợp lá cọ, cây xanh nguyên sơ….

Đặc biệt, nơi đây có bể bơi vô cực nhìn ra khung cảnh đẹp tới nín thở của núi rừng và thung lũng. Có lẽ, cảm giác bơi ở bể bơi vô cực tại Khách sạn Marina Bay Sands nổi tiếng thế giới của Singapore cũng chỉ đẹp đến vậy mà thôi. Mấy cô bạn của tôi mà đến đây, thì kiểu gì cũng “check in” rồi “selfie” cả ngày không chán.

Tôi cũng rất ấn tượng với quan điểm xây dựng của khu nghỉ dưỡng này, đó là tôn trọng các tiêu chí bảo vệ môi trường, đưa con người đạt đến cảnh giới hoà hợp và trở về với mẹ thiên nhiên. Ở đây, mọi thứ đều làm bằng vật liệu địa phương sẵn có như gỗ, tre, nứa, cọ... Họ sử dụng rất ít túi nilông. Đèn phòng hơi tối để tiết kiệm năng lượng. Nhân viên phục vụ rất hoà nhã, thân thiện và nhiệt tình.

Tuy gần gũi với thiên nhiên, nhưng Puluong Retreat vẫn mang dáng vẻ tinh tế, tao nhã của một khu nghỉ dưỡng sinh thái. Nó gợi tôi nhớ đến Topas Ecolodge nằm trên đỉnh đồi tuyệt đẹp, ẩn sâu trong Khu bảo tồn quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa (Lào Cai). Cả hai đều xứng đáng với tên gọi thiên đường giữa đại ngàn xanh thẳm.

Mải mê ngắm cảnh, quay trở lại phòng ăn thì bữa trưa đã sẵn sàng. Măng chua, rau ngót rừng, lợn rừng quay, gà đồi, rượu cần…, toàn các cao lương mỹ vị địa phương. Ngoài ra, còn một món trứ danh nữa là vịt Cổ Lũng. Thịt vịt nướng trên than hoa, thơm, mềm và ngọt. Theo người dân ở đây, vịt Cổ Lũng hấp dẫn do được nuôi thả tự nhiên trên các khe suối, nên thịt nạc, chắc, xương lại nhỏ. Không chỉ thơm ngon, mà giống vịt lạ này còn giúp nhiều người dân bản địa thoát khỏi cái nghèo.

Những trải nghiệm mộc mạc

Ăn uống no nê, buổi chiều chính là thời gian thư thả để tôi khám phá Pù Luông. Lướt qua một loạt ghi chép lại trên mạng, tôi biết chốn này không hề hiếm trò giải trí, nghỉ ngơi đặc trưng miền núi, như trekking xuyên 4 bản Pù Luông khám phá cuộc sống, văn hoá và phong tục của dân bản địa. Lội suối, trôi bè mảng (70.000 đồng/người). Tối đến xem nhảy sạp và múa Khạp người Thái. Rảnh rỗi có thể đi chợ phiên Phố Đòn, nơi bà con quanh vùng trao đổi sản vật nuôi trồng được. Họ đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa, mà còn là nhu cầu thỏa mãn tinh thần.

Ban đầu tôi quyết định lang thang quanh bản Đôn, vì gần Puluong Retreat. Nghe nói nơi đây khi vào vụ mùa sẽ có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Tiếc quá, lúc tôi đi cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ.

Dù vậy, nhờ có “duyên” mà tôi gặp được một em gái nhiệt tình dẫn đi trekking tiếp dòng suối Hiệu. Suối khá rộng, có nhiều đoạn nước chảy xiết nguy hiểm, nhưng mát và rất thích. Cuối cùng là Kho Mường, đường sá khó đi hơn, nhưng cảnh ở đó đẹp, địa thế hùng vĩ, nhiều hang động còn
hoang sơ.

Buổi tối ở đây thì hơi nghèo nàn hoạt động vui chơi, nên tôi rút lui về phòng ngủ. Vừa nằm xuống đã nghe thấy những khớp xương và cơ chân mình giãn ra sau một chiều leo trèo đủ loại. Nhưng giờ tôi mới để ý, Puluong Retreat không có nhiều tiện nghi cho lắm. Không tủ lạnh, điều hòa, ti vi, mạng wifi chập chờn. Tuy có gây chút phiền phức trong việc liên lạc, nhưng lại là cơ hội tuyệt vời để tôi hòa nhập với cuộc sống tự nhiên. Tôi sẽ coi đây như một cuộc chạy trốn ngắn ngày tuyệt vời, đầy ắp sự yên bình hiếm hoi.

Pù Luông thức giấc từ sớm bằng tiếng gà gáy, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng quét sân, tiếng bát đĩa leng keng ở khu bếp. Mở hé rèm đã thấy sương mờ mây phủ ngay cửa phòng trong lúc chờ ánh bình minh rạng rỡ ở dãy núi phía sau. Tôi ôm chăn ra cửa tựa ngồi, thích thú với cảm giác được một mình “nhấm nháp” sự nghỉ ngơi thanh thản hiếm có khó tìm này.

Hành trình được yêu thích nhất ngày thứ 2 là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn để tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm chảy giữa thung lũng. Ở đây, khí hậu mát mẻ quanh năm, ngày nắng thì ít, ngày mây thì nhiều. Có khi chớm chiều mây đã dày đặc bao quanh núi. Trời trông hơi buồn chút thôi, nhưng vẫn đẹp đến mê hoặc.

Thỉnh thoảng trên đường xuất hiện vài bản làng dựa sát sườn núi với cây cối um tùm xen giữa những dòng suối chảy thành thác như hoa quả sơn. Vài con suối lớn với những chiếc guồng tre dẫn nước vào ruộng kẽo kẹt làm thành một điệu nhạc êm đềm. Rồi lắng tai nghe tiếng củi liu riu cháy giữa nhà sàn ai đó, tiếng côn trùng rả rích xa xa khiến thời gian như ngừng lại. Khói chiều lơ lửng hòa với màu xanh của núi rừng, tĩnh lặng và nên thơ.

Tôi vươn vai hít một hơi căng tràn lồng ngực như vừa hút hết những chân thật và gần gũi, trong trẻo và hoang sơ.

Xét trên một phương diện nào đó, tuy cuộc sống có phần hiện đại hơn, nhưng Pù Luông dường như vẫn còn nhiều tách biệt với thế giới bên ngoài. Ở đó, ban ngày người dân vẫn lên rẫy và ban đêm trở về quây quần bên bữa cơm gia đình.

Hai ngày một đêm ở đây, tôi đã gặp được rất nhiều người dân địa phương. Đó có thể là những người cùng ăn với tôi một bữa cơm, dẫn tôi đi qua một con đường, mời tôi chén rượu trong một quán hàng ăn xa vắng, nép mình góc chợ phiên… Tất cả đều để lại những ấn tượng tốt đến nỗi tôi đã tin rằng, người dân Pù Luông sẽ đóng vai trò “hướng dẫn viên” trong hành trình phát triển du lịch.

Từ khi bản quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với tìm hiểu văn hóa Pù Luông hình thành đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân quanh vùng. Chắc chắn, đây là điều đồng bào nơi đây mong chờ, nhưng cũng tiềm ẩn nỗi lo giữa bảo tồn và phát triển.

Làm sao để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân bản địa mà vẫn giữ được nguyên trạng tài nguyên nước, rừng, cùng các giá trị văn hóa đặc sắc nơi thượng nguồn sông Mã là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng chưa chắc đã khó để tìm lời giải đáp đâu.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan