Mục tiêu xử lý nợ khủng
Năm 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đặt mục tiêu xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% theo quy định của ngành và tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Trước đó, kết thúc năm 2017, ngân hàng này đã xử lý các khoản nợ gần 20.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 4,59% so với mức 6,81% cuối năm 2016.
Đặt ra mục tiêu giải quyết số nợ lớn, nên từ đầu năm tới nay, Sacombank liên tục rao bán tài sản đảm bảo cho các khoản nợ. Mới đây nhất, Ngân hàng đã bán tài sản liên quan tới ông Trầm Bê, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank và cho bên mua trả góp 7 năm. Cụ thể, nhà băng này chỉ nhận về 920 tỷ đồng tiền mặt trong tổng giá trị 9.200 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3 khu đất có liên quan tới ông Trầm Bê. Số còn lại cho phép đối tác trả chậm.
Thực tế, dù đã nỗ lực xử lý nợ xấu, nhưng số nợ Sacombank bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn tiếp tục tăng trong năm qua. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của Sacombank cho thấy, tính đến cuối năm, tổng số dư trái phiếu VAMC của nhà băng này là 43.266 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong khi đó, số tiền dự phòng khoản nợ bán cho VAMC này chỉ là 1.949 tỷ đồng, nên tổng nợ xấu Sacombank đã bán cho VAMC cũng tăng tương ứng 16% lên tới 41.317 tỷ đồng.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, phải mất ít nhất 3 - 5 năm nữa, Ngân hàng mới hoàn tất được quá trình xử lý nợ xấu.
Trong khi đó, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nhà băng này đặt mục tiêu sẽ xử lý, thu hồi từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2018, so với con số 4.000 tỷ đồng đã thực hiện được năm 2017.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhận định, quá trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc bổ sung các cơ sở pháp lý quan trọng trong xử lý nợ, nhất là khi Nghị quyết 42 được ban hành và có hiệu lực từ tháng 8/2017.
Theo ông Văn, các yếu tố khiến Ngân hàng kỳ vọng quá trình xử lý các khoản nợ sẽ có diễn biến tích cực trong năm nay là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ, tỷ giá ổn định, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành vào khoảng 17 – 18%. Tình hình thị trường có nhiều thuận lợi, cùng sự giúp sức từ Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện để các nhà băng nỗ lực đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ.
Mặt khác, không chỉ các nhà băng, NHNN cũng đặt chỉ tiêu cụ thể với VAMC năm 2018 phải xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, đồng thời phải hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu, VAMC đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng, tổng giá trị mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng.
Các biện pháp xử lý
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng cuối năm 2017 vào khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Bên cạnh đó, nợ xấu của nhiều ngân hàng giảm mạnh do quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn. Các tổ chức tín dụng hạn chế chuyển nợ sang VAMC, trong khi các hình thức xử lý nợ xấu khác như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro được đẩy mạnh.
Trong bối cảnh này, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đánh giá, một trong các biện pháp giúp nhà băng xử lý nợ xấu hiệu quả là bán tài sản đảm bảo, khi nhờ Nghị quyết 42, đầu ra nợ xấu ngày một tốt hơn. Chưa kể, việc thị trường bất động sản diễn biến tích cực đã tạo trợ lực lớn cho phương pháp này.
Nếu như những năm trước đây, các ngân hàng đua nhau bán nợ cho VAMC thì tình hình hiện nay ngược lại, nhà băng đang mua lại nợ xấu từ VAMC để xử lý. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay, nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ số nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC năm nay. Ngân hàng này đặt quyết tâm xóa hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng để làm sạch nợ ngoại bảng.
Trong khi đó, từ phía VAMC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Tiến Đông cho hay, năm 2018, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, Công ty sẽ tổ chức phân tích, phân loại các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành mua đứt bán đoạn, tức là mua theo cơ chế thị trường.
Thực tế, trong 3 năm qua, tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ VAMC đã mua lại từ các tổ chức tín dụng còn hạn chế, do đó, các ngân hàng muốn mua lại nợ đã bán để chủ động xử lý. TS. Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, số nợ do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm khoản 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và các tổ chức/cá nhân khác) chiếm 42,8%.
Hầu hết khoản nợ đã mua của VAMC đều có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, nên các ngân hàng hoàn toàn có khả năng tiếp tục xử lý những khoản nợ của mình trong thời gian tới, nhờ vậy giảm được áp lực trích lập dự phòng rủi ro.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án 1058 và giám sát tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, muốn đẩy mạnh đầu ra cho các khoản nợ xấu, VAMC vẫn cần thị trường mua - bán nợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường này. Có như vậy, các ngân hàng mới có thể đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý nợ xấu, giảm dự phòng rủi ro.