Xử lý nợ xấu ngân hàng, chỉ mới nửa chặng đường đã qua

Xử lý nợ xấu ngân hàng, chỉ mới nửa chặng đường đã qua

(ĐTCK) Nói nôm na, việc xử lý những tồn đọng và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mới đi được 1/2 chặng đường và vấn đề 5 năm tiếp theo là làm thế nào để giải quyết hết các vấn đề căn bản của hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề xây dựng thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp là rất cấp bách.

Vấn đề nợ xấu xuất hiện và trở nên trầm trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nước ta bất ổn, kéo theo sự suy giảm mạnh của tổng cầu, sự phá sản, ngưng hoạt động của DN do đầu tư thái quá vào thị trường bất động sản từ năm 2012. Điều này trở thành một vấn đề lớn của kinh tế vĩ mô mà bản thân các công ty mua bán nợ thời điểm đó không thể xử lý được.

Thực tế, vào thời điểm đó, thị trường mua bán nợ chưa hình thành, trong khi những công ty xử lý tài sản, mua bán nợ, kể cả của Bộ Tài chính và các ngân hàng thương mại (NHTM) không đủ sức giải quyết. Do đó, Chính phủ đã đặt vấn đề thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Cho đến nay, có thể nói, những nỗ lực xử lý nợ xấu đã mang lại kết quả, trong đó có những phương thức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHTM phải làm như: trích lập dự phòng, nỗ lực bán tài sản thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC.

Cụ thể, VAMC đã mua lại gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng để kéo giảm tỷ lệ nợ xấu của ngành xuống dưới 3% vào cuối năm 2015. Đây cũng được xem là nỗ lực lớn đối với ngành ngân hàng. Sổ sách của các NHTM cũng được làm “sạch”. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nợ xấu vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, mà chỉ chuyển từ các ngân hàng sang cho VAMC.

Cần có thị trường mua bán nợ

Với Quyết định số 618/QĐ-NHNN của NHNN, VAMC đã có hành lang pháp lý để xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường. Theo đó, Quyết định 618 quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; Nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; Nguyên tắc xác định giá mua nợ; Nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; Xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Đồng thời, Quyết định quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngân hàng trung ương, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Công ty VAMC và các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC. Nghị định được thị trường đánh giá là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu năm 2015. Mục tiêu chính của Nghị định 34 là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.

Theo Nghị định số 34, tháo gỡ đầu tiên là chỉ cần hội đủ điều kiện, nếu tài sản đảm bảo có khả năng phát mại cộng với giá trị khoản nợ được đánh giá có thể thu hồi đầy đủ; hoặc khách hàng có khả năng phục hồi và khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ… sẽ được mua nợ. Nghị định 34/2015/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, cụ thể: Sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành, thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua. Thế nhưng, đến nay, tổng số nợ xấu VAMC xử lý được còn khiêm tốn, chỉ trên dưới 20% trong tổng số nợ xấu mua về từ các NHTM.

Dưới góc độ nhà tư vấn chính sách tài chính, tôi cho rằng, việc cần giải quyết hiện nay là làm sao để hình thành được thị trường mua bán nợ. Từ đó, có những giải pháp tốt hơn trong việc thanh lý tài sản đảm bảo, mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ thì mới kỳ vọng xử lý nợ xấu thành công. Cụ thể, đối với những dự án đang xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn, có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành dự án. Vấn đề còn lại là việc bán nợ của VAMC, cần gia tăng quyền cho định chế này trong xử lý hành chính thì việc xử lý nợ xấu mới có thể triệt để, thay vì chỉ có thể chuyển đổi nợ xấu như hiện nay.

Thực tế, VAMC đã được tăng vốn, nhưng để xử lý việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường không dễ, không rõ ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu. NHTM đã chấp nhận phần lỗ, 30% phần bán nợ xấu trừ đi giá trị sổ sách, VAMC đã mua 70%. Như vậy, việc bán tiếp với giá nào cần có sự chia sẻ như thế nào để có thể hài hòa được lợi ích mới là quan trọng. Theo thông lệ quốc tế, người ta mua lại 10-20% giá của khoản nợ khi khoản nợ này đưa ra thị trường. Người mua nợ luôn mua với mức mà họ nghĩ có lãi sau khi mua. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu thực hiện mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, tất yếu phải chấp nhận nhiều khoản nợ có thể còn giá bán rất nhỏ từ 10-20% so với giá trị của khoản nợ, bởi trong khoản nợ đó, có những khoản khó đòi như DN đã phá sản.

Xử lý nợ xấu ngân hàng, chỉ mới nửa chặng đường đã qua ảnh 1

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia 

Giải quyết khối tài sản khổng lồ đang nằm bất động

Đã thực hiện mua bán nợ theo cơ chế thị trường, tức chấp nhận sẽ có khoản mất và chắc chắn đã là nợ xấu, không thể bán bằng giá gốc. Phần lỗ này được chia sẻ là ngân hàng chịu mất và DN vay khi bán tài sản cũng mất. Chẳng hạn, trước đây định giá tài sản 100 đồng, ngân hàng cho vay 70 đồng, nhưng hiện bán nợ xấu chỉ 50 đồng, như vậy bản thân DN đã mất phần giá của họ và ngân hàng cũng phải chịu mất.

Đổi lại, việc mua bán nợ này có lợi thế tốt là xử lý một cách dứt khoát, làm sạch bảng cân đối kế toán. Trong khi, đối với Việt Nam, hiện sau khi mua nợ xấu từ các NHTM, VAMC muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường cũng là điều hết sức khó khăn, vì sợ thất thoát vốn. Thêm vào đó, vấn đề xử lý nợ xấu bằng cách phát mãi tài sản không dễ.

Để giải quyết được nợ xấu và mua bán nợ theo cơ chế thị trường, cần phải có sự quyết liệt và mạnh mẽ, hy sinh và giảm thủ tục phát mãi. Đồng thời, để có thể giải quyết được nợ xấu, cần phải có nguồn lực thật cho VAMC hoặc phía các ngân hàng cũng phải chịu lỗ. VAMC có quyền mua xong có thể bán lại với giá thị trường, mà không ràng buộc vào một mức giá nào khác.

Nhưng hiện nay, có một vấn đề đang vướng mắc là muốn bán tài sản, chủ nợ phải thỏa thuận với con nợ, trong trường hợp không thỏa thuận được giá sẽ không bán được. Vấn đề này cần phải tháo gỡ, xử lý, vì tài sản đã đưa ra thế chấp phải chấp nhận theo cơ chế thị trường, cần giảm bớt thủ tục hành chính để có thể xử lý được phát mãi tài sản. Hiện việc phát mãi tài sản của các ngân hàng đang gặp phải rất nhiều khó khăn khiến nợ xấu khó xử lý; ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro cao.

Thực tế, vấn đề khó khăn nhất trong xử lý nợ xấu mà thời gian qua các NHTM không thể có hướng ra là phát mãi tài sản. Việc này đã được Chính phủ ra Nghị quyết 01, theo đó phải sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính phát mãi tài sản đảm bảo, nhằm tăng quyền của chủ nợ để có thể giải quyết nhanh hơn so với sự trì trệ trong phát mãi, do thủ tục hiện quá nhiêu khê.

Quan trọng hiện nay là tập trung xử lý vấn đề này để tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản. Bất động sản ấm lên từ đó việc xử lý tài sản đảm bảo cũng sẽ được nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình giải quyết bài toán nợ xấu. Bởi nếu tài sản thế chấp trước đây có giá cao, nhưng bất động sản xuống giá buộc phải bán với giá thấp hơn thì không chỉ chủ nợ, mà ngay cả con nợ cũng phải tính toán để bán thu hồi nợ. Do vậy, việc cần giải quyết hiện nay là làm sao để hình thành được thị trường mua bán nợ. Một khi nợ xấu kéo dài sẽ rất nguy hiểm, bởi gây tác động dây chuyền. Dây chuyền đó nếu không gỡ sẽ ngày càng “di căn”, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Việc xử lý nợ xấu 2016 có tiến triển hay không vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khối tài sản đảm bảo khổng lồ bằng bất động sản mà hiện nay đang nằm bất động, trong đó, phần quan trọng nhất là nằm ở các khoản nợ mà ngân hàng đã bán cho VAMC trong 2 năm vừa qua.

Việc giải quyết, sắp xếp lại hệ thống NHTM trong thời gian qua chỉ chống được sự đổ vỡ, nhưng làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị và làm sạch dứt điểm nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng mới là vấn đề quan trọng, trong khi giải quyết nợ xấu còn gian nan. Bên cạnh đó, một số NHTM nhà nước cổ phần hóa, nhưng thực chất vẫn không thay đổi nhiều, Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn trong các NHTM này. Sở hữu chéo trong ngành ngân hàng cũng từng bước được giải quyết, song vẫn còn phức tạp.

Nói nôm na, việc xử lý những tồn đọng và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mới đi được 1/2 chặng đường và 5 năm tiếp theo là làm thế nào để giải quyết hết các vấn đề căn bản của hệ thống ngân hàng, kể cả với khung pháp lý để xây dựng thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Bởi khi thị trường mua bán nợ chưa được hình thành, muốn giải quyết được nợ xấu rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu DN để giảm áp lực nguồn vốn vay trung, dài hạn trong hệ thống NHTM. Chỉ có đi bằng “hai chân” như vậy, nền kinh tế mới được cung ứng đủ vốn một cách lành mạnh và bền vững.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia
Tin bài liên quan