Nghĩa vụ bàn giao tài sản dường như bằng không khi bên thế chấp thích thì bàn giao, ký giấy tờ

Nghĩa vụ bàn giao tài sản dường như bằng không khi bên thế chấp thích thì bàn giao, ký giấy tờ

Xử lý nợ xấu, ngân hàng bị “trói chân” vì luật

(ĐTCK) Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2015, các lãnh đạo ngành ngân hàng một lần nữa nhấn mạnh, mấu chốt trong xử lý nợ xấu vẫn là gỡ bỏ những rào cản về mặt pháp lý.

Ngân hàng khó xử lý tài sản thế chấp

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, việc xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho VAMC không được các TCTD mặn mà cho lắm. Vị này phân tích, sau khi bán nợ cho VAMC, TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu và về cơ bản, vẫn phải quản lý, xử lý nợ và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ. Nhưng khi TCTD muốn xử lý nợ bằng khởi kiện ra toà thì lại gặp vướng mắc, vì toà án không thụ lý vụ kiện hoặc không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của các TCTD trong trường hợp này.

TCTD đã bán chuyển tài sản thuộc sở hữu của mình cho pháp nhân khác thì không còn quyền khởi kiện đòi nợ. Nếu VAMC uỷ quyền cho TCTD khởi kiện và tham gia tố tụng, thì phải là VAMC, chứ không sử dụng tư cách của TCTD. Đó là chưa tính đến việc hệ thống toà án còn căn cứ vào quy định không rõ ràng của Bộ luật Dân sự 2005, pháp nhân này không được phép uỷ quyền cho pháp nhân khác.

“Luật này cởi, thì luật khác trói. Luật này cho, lệ kia rút. Luật này bắt, luật khác lại cấm. TCTD chỉ còn biết trân mình chịu trận”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC nói.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng, vụ việc VPBank tiến hành thu giữ tài sản thế chấp (nhà ở) tại Hà Nội gây xôn xao dư luận vào tháng 3 vừa qua được các ngân hàng nhắc đến như một trong những ví dụ điển hình về sự bất lực của ngân hàng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 cũng như Nghị định số 163/2006, thì bên nhận thế chấp được quyền thu giữ tài sản thế chấp để xử lý thu hồi nợ, quyền của bên này chính là nghĩa vụ của bên kia. Tuy nhiên, trên thực tế, nghĩa vụ bàn giao tài sản dường như bằng không khi bên thế chấp thích thì bàn giao, ký giấy tờ, không thích thì vô hiệu hoá quyền của bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp không được phép làm điều gì khác ngoài việc khởi kiện, chờ đợi mòn mỏi và quyền thu giữ càng trở nên xa vời…

“Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thời hạn giải quyết một vụ án tại toà án là từ 2 - 4 tháng, nhưng trên thực tế thì thường gấp 5 - 10 thời gian này và có không ít trường hợp, thời gian tố tụng được kéo dài không biết đến khi nào”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết. 

70% rào cản là do vướng mắc pháp lý?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, được cụ thể hóa trong Nghị định số 163/2006; Nghị định 83/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 5/2012) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực vào 1/7/2006, chỉ có giao dịch thế chấp, không còn giao dịch bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất như Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Đất đai năm 2003.

Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng, hệ thống toà án hiện đang diễn giải rằng, quyền sử dụng đất của người thứ ba đưa vào thế chấp cho các khoản tín dụng thì vẫn phải gọi là bảo lãnh. Vì vậy, toà đã tuyên một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba là vô hiệu và vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm này.

Phó tổng giám đốc phụ trách mảng xử lý nợ của một ngân hàng cho biết, một số toà án không công nhận hợp đồng thế chấp ký ba bên, giữa ngân hàng với bên vay và bên thế chấp, nếu như người đại diện bên vay vốn là doanh nghiệp đồng thời là chủ sở hữu tài sản thế chấp.

Toà cho rằng, trường hợp người đại diện của DN dùng tài sản cá nhân để bảo đảm nghĩa vụ cho DN do mình đại diện để vay vốn là trái pháp luật và do đó tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Như vậy là chỉ căn cứ vào bề mặt câu chữ giản đơn, hiểu ngược tinh thần của điều luật, trái hẳn với bản chất của vấn đề.

Còn theo luật sư Đức, nếu như thật sự có sự xung đột lợi ích theo quy định của khoản 5, Điều 144 về “Phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự năm 2005 rằng:  “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, thì hợp đồng cũng chưa chắc đã bị vô hiệu, vì khi đó Luật DN đã cho phép hoá giải đối với các trường hợp giao dịch giữa công ty với người có liên quan tại các điều: Điều 59 về “Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận”, Điều 75 về “Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan”, Điều 120 về “Hợp đồng, giao dịch phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận”.

“Ước tính, không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý. Luật thì chỉ quy định khung, các nghị định, thông tư trực tiếp điều chỉnh việc xử lý nợ xấu vướng với các nghị định, thông tư liên quan…”, luật sư Đức nhận xét.

Tin bài liên quan