Xử lý nợ xấu: chạy càng nhanh càng dừng lại ở một chỗ!

Xử lý nợ xấu: chạy càng nhanh càng dừng lại ở một chỗ!

(ĐTCK) Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức đầu tuần này một lần nữa cho thấy, xử lý nợ xấu không thể đòi hỏi “chạy nhanh”…

Thông tin về số liệu xử lý nợ xấu được ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424.1400 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các TCTD tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao ở những năm trước đây về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Để có được những con số trên là sự quyết liệt của các NHTM. Cụ thể, tại Vietcombank, cả hệ thống Vietcombank từ HĐQT, Ban điều hành, các phòng, ban Hội sở chính và các chi nhánh đều tập trung cao và quyết liệt trong công tác xử lý nợ xấu.

Từng thành viên trong Ban lãnh đạo được phân công phụ trách, chỉ đạo công tác xử lý nợ có vấn đề đối với các chi nhánh có nợ xấu lớn, kết quả thu nợ thấp.

Chủ tịch HĐQT phụ trách các chi nhánh có nợ xấu lớn và phức tạp nhất, Ban điều hành và 2 phó tổng giám đốc phụ trách chỉ đạo các chi nhánh còn lại.

Chi nhánh có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro từ 5 tỷ đồng trở lên phải thành lập Ban xử lý nợ có vấn đề do Giám đốc chi nhánh là Trưởng Ban. Phân công trách nhiệm cụ thể bằng văn bản đối với từng thành viên Ban giám đốc và Ban xử lý nợ. Định kỳ hàng tuần/tháng, Ban xử lý nợ phải tổ chức họp rà soát, đánh giá kết quả thu hồi nợ, trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, quyết liệt. Bố trí nguồn nhân sự có kinh nghiệm, có trách nhiệm phụ trách công tác xử lý và thu hồi nợ. Đối với những cán bộ, kể cả lãnh đạo làm phát sinh nợ xấu lớn phải giao chuyên trách xử lý thu hồi nợ.

Những chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu lớn từ 10% trở lên phải xây dựng “Đề án Ngân hàng tốt, Ngân hàng xấu”; đưa ra các chỉ tiêu cụ thể và đề xuất giải pháp cho từng ngân hàng theo lộ trình đến năm 2017.

Giám đốc chi nhánh phải là giám đốc của cả 2 ngân hàng và tập trung cho vai trò Giám đốc ngân hàng xấu cho đến khi nợ xấu về dưới mức 5%. Kiên quyết xử lý bằng các biện pháp mạnh (khởi kiện, đưa ra cơ quan điều tra...) với những khách hàng chây ỳ, không thiện chí. Đồng thời, nỗ lực, đeo bám và đưa ra các biện pháp một cách linh hoạt đối với các khách hàng còn nguồn thu nợ, có thiện chí để đạt kết quả thu nợ tốt nhất.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, các số liệu trên cho thấy, hệ thống các TCTD Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn “nóng và nguy hiểm” nhất nhưng đâu đó vẫn còn những phàn nàn DN vẫn phải vay với lãi suất cao do tiến trình xử lý nợ xấu chậm.

Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Nợ xấu có thể được xử lý dứt điểm ngay trong năm 2015 hay không còn phụ thuộc vào sự phối kết hợp giữa xử lý nợ xấu với kết quả cơ cấu lại khu vực DNNN, trọng tâm là xử lý các nghĩa vụ nợ các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước trước, trong và sau quá trình đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hoá và thoái vốn ngoài ngành cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản và TTCK”.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, với điều kiện như hiện nay là chưa có khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu; chưa có thị trường mua bán nợ phát triển; sản xuất kinh doanh chưa có sự phục hồi mạnh mẽ…, VAMC chưa thể trở thành giải pháp tối ưu để có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để, bởi VAMC không thể tịch thu tài sản thế chấp của người vay để bán với giá thấp mà không có sự đồng thuận của khách hàng.

“Hơn nữa, việc hạ giá thấp giá trị tài sản thế chấp sẽ gây ảnh hưởng và tổn hại không chỉ đối với các TCTD, khách hàng vay, mà còn tổn hại đến nền kinh tế trong bối cảnh cầu về bất động sản còn yếu, giá bất động sản thấp”, ông Phước nói.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Không chỉ hệ thống ngân hàng, mà cơ quan hoạch định chính sách tạo những điều kiện thuận lợi hơn về mặt pháp lý và nguồn lực để VAMC, các NHTM giải quyết nợ xấu theo những chuẩn mực về hạch toán nợ cao hơn hoặc ít nhất bằng chuẩn mực áp dụng trong khu vực Đông Nam Á”.

“Xử lý nợ xấu chạy càng nhanh càng dừng lại ở một chỗ. Mọi việc đều cần có thời gian”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Tin bài liên quan