VAMC đang tỏ ra bị “quá sức” đối với việc xử lý nợ xấu

VAMC đang tỏ ra bị “quá sức” đối với việc xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu: Ba “điểm nghẽn” chưa được giải tỏa

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nợ xấu dù đã giảm xuống còn khoảng 2,6% trong tổng số nợ chưa được xử lý, nhưng đa phần trong đó là nhờ các khoản nợ đã được chuyển tới Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhận định, VAMC đang tỏ ra bị “quá sức” đối với việc xử lý nợ xấu. Lượng nợ xấu được xử lý thời gian qua, chủ yếu do các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý (khoảng 55% số nợ xấu) bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong khi VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 20% số nợ xấu mua về.

Trong tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu vừa công bố mới đây, NHNN đưa ra số liệu ước tính về tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể lên đến 8,86%.

“Quá trình xử lý nợ xấu chủ yếu mắc ở 3 khâu: tài sản bảo đảm, thị trường mua-bán nợ xấu và năng lực của VAMC. Tôi hy vọng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ giải quyết được 3 vướng mắc chính này”, TS. Lực chỉ rõ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, một trong những điểm mấu chốt để xử lý nợ xấu chính là phải xử lý được tài sản bảo đảm.

Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ giúp xử lý tài sản bảo đảm được nhanh, thuận lợi hơn. Muốn vậy, phải để bên cho vay (TCTD) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi bên vay vi phạm cam kết không trả được nợ.

VAMC đang đóng vai trò như một ‘nhà kho’ cho nợ xấu, nhưng nếu thiếu đi bộ khung pháp luật đầy đủ cho việc phá sản và phát mãi tài sản, quá trình giải quyết nợ xấu sẽ bị hạn chế

- Ông Aaron Batten

Sau khi thu giữ, TCTD được bán tài sản bảo đảm theo giá thị trường, có thể thấp hơn giá trị sổ sách; TCTD được chuyển nhượng, sang tên tài sản cho người mua, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ; khi có tranh chấp khởi kiện ra tòa thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn để rút ngắn quy trình, thủ tục tố tụng tại tòa án, giúp TCTD xử lý nhanh tài sản bảo đảm.

“Đây là những tiền đề cần thiết để hình thành thị trường mua-bán nợ theo thông lệ quốc tế và giúp các tổ chức quản lý tài sản, các công ty xử lý nợ, bao gồm cả VAMC, có thể giải quyết nhanh chóng khối lượng nợ xấu đã mua từ các TCTD”, ông Thắng nói.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, quyền xử lý tài sản đảm bảo chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn, dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD/ngân hàng cần được nhận thức một cách xuyên suốt và nhất quán rằng, không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay, mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay, cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế.

Theo VAMC, ngoài rào cản về nguồn lực tài chính để mua và xử lý nợ xấu, những quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn cũng khiến cho VAMC lúng túng, không thể đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đã mua.

Chính vì vậy, theo TS. Ánh, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng, cụ thể là sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN phù hợp với Nghị định 34/2015/NĐ-CP qui định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC.

Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp liên quan đến những khoản nợ xấu mà TCTD đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

“VAMC đang đóng vai trò như một ‘nhà kho’ cho nợ xấu, nhưng nếu thiếu đi bộ khung pháp luật đầy đủ cho việc phá sản và phát mãi tài sản, quá trình giải quyết nợ xấu sẽ bị hạn chế”, ông Aaron Batten nói.

Thực tế cho thấy, nợ xấu và xử lý nợ xấu không phải là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế, có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Chính những vướng mắc về quy định pháp luật đã dẫn đến việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp, gây chậm trễ, khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo.

Tuy vậy, ông Thắng cho rằng: “Khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, các cấp chính quyền, tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt hơn, giúp thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được nhanh hơn, triệt để hơn, đạt được yêu cầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra”.

Tin bài liên quan