Xử lý nợ xấu qua VAMC còn hạn chế
Lãnh đạo Công ty Mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đối với kế hoạch mua nợ năm 2017, VAMC đã đạt chỉ tiêu khi tính đến hết ngày 30/9, Công ty hoàn thành mua nợ của 14 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 25.536 tỷ đồng, giá mua nợ là 24.999 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2013 đến 30/9/2017, VAMC đã mua được 26.171 khoản nợ của 16.230 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 301.091 tỷ đồng, giá mua nợ là 270.923 tỷ đồng. Tuy nhiên, VAMC mới xử lý được 60.000 tỷ đồng và còn xấp xỉ 210.000 tỷ đồng chưa được xử lý.
Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tại Việt Nam, tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu thời gian qua còn hạn chế. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi VAMC và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cách xử lý nợ xấu qua VAMC đã bộc lộ một số giới hạn, cần tập trung vào cách xử lý truyền thống là các ngân hàng thương mại tự xử lý nợ xấu của mình, bởi họ có những hiểu biết về khách hàng, kinh nghiệm quản lý, xử lý nợ.
Các ngân hàng thương mại hiện dựa vào Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nên đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, tạo ra những bước chuyển biến lớn.
Thực hiện khảo sát với 5 ngân hàng thương mại cổ phần, ông Nghĩa cho biết, các ngân hàng đều điều chỉnh bộ máy xử lý nợ theo phương thức có quyền thu hồi tài sản đảm bảo để xử lý, gắn với kinh nghiệm quản lý xử lý nợ quốc tế để hình thành hệ thống từ công nghệ thông tin, dữ liệu về khách hàng cho đến việc xử lý nợ sớm, nợ muộn và thanh lý nợ.
“Mọi việc được thực hiện rất bài bản. Đây là điểm tích cực của Nghị quyết 42, tạo ra lòng tin trong việc tự chủ động xử lý nợ so với trước đây đợi chờ VAMC. Thời gian còn ngắn, chưa có dịp tổng kết đã xử lý nợ được bao nhiêu, nhưng đây là điểm rất tích cực”, ông Nghĩa nói.
Kỳ vọng từ Nghị quyết số 42
Ngày 20/10/2017, căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm phải đăng tin công khai trên website, LienVietPostBank đã thông báo sẽ tiến hành thu giữ ba tài sản bảo đảm là bất động sản của Công ty Tín Đạt tại Hà Nội. Lý do, khách hàng vay vốn không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay nên Ngân hàng thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ.
Ngày 8/11, SCB chi nhánh Hải Dương công bố trên website của Ngân hàng về việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ của bên được bảo đảm là bà Vũ Thị Thương do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng số 75/HĐTD-SCB-CNHD.16 ngày 24/8/2016. Được biết, đến hết ngày 31/8/2017, bà Vũ Thị Thương còn nợ SCB 907,4 triệu đồng.
Lãnh đạo SCB cho biết, tùy vào tình hình thực tế, SCB chi nhánh Hải Dương sẽ quyết định lựa chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm phù hợp theo quy định pháp luật. Tài sản thế chấp được xử lý bán đấu giá công khai thông qua pháp nhân có chức năng bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thương được quyền nhận lại tài sản khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và phí liên quan đến xử lý tài sản trước thời điểm đăng ký tham gia bán đấu giá, hoặc trước thời điểm nhận tiền đặt cọc bán tài sản bảo đảm.
“Các ngân hàng công bố rộng rãi thông tin xử lý tài sản bảo đảm trên website và họ đã làm rất thành công. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình này ra cho các ngân hàng khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin, quy chế.
Một trong những ngân hàng tôi được biết là VPBank đã chấn chỉnh lại toàn bộ trung tâm công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng, hình thành bộ máy, quy chế xử lý nợ rất bài bản. Tóm lại, các ngân hàng đang thể hiện sự chủ động, không ỷ lại”, TS. Nghĩa nhận xét.
… nhưng vẫn cần thêm chính sách
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết 42 của Quốc hội mới chỉ là tiền đề pháp lý để xử lý nợ xấu, chưa phải là chìa khóa giải quyết nợ xấu. Vấn đề cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản, hai bên tiếp tục tranh cãi thì tòa sẽ áp dụng thủ tục tại tòa án; hay như việc cho phép thành lập thị trường mua bán nợ với tất cả mọi thành phần có thể tham gia thị trường; cho phép các ngân hàng bán nợ dưới giá sổ sách… là những biện pháp cần thiết.
TS. Hiếu cho biết, thị trường đang nhìn xem Sài Gòn One Centrer được giải quyết ra sao, bởi hiện tại mới chỉ có động thái VAMC được chủ đầu tư sẵn sàng trao trả tòa nhà. Vẫn còn nhiều việc như thực hiện đấu giá tài sản này như thế nào? Câu chuyện còn liên quan đến người mua những căn hộ trong tòa nhà, bây giờ chủ đầu tư trao trả cả tòa nhà cho VAMC, tranh chấp có thể xảy ra.
“Năm nay, chưa thể trông đợi xử lý nợ xấu có kết quả khả quan, ít nhất là sang năm sau mới nhìn thấy được Nghị quyết 42 sẽ được thực hiện như thế nào”, TS. Hiếu nói.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhìn nhận, Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu chỉ áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 15/8/2017. Trên thực tế, nợ xấu luôn là một hiện tượng đồng hành cùng với quá trình phát triển, vận hành nền kinh tế và việc điều chỉnh cũng như kiểm soát xử lý nợ xấu là một trong những chức năng của Luật Các tổ chức tín dụng.
“Kỳ vọng sẽ có khuôn khổ pháp lý ổn định để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2017, một cơ sở pháp lý vững chắc, ổn định, tránh phải sửa đổi một cách manh mún”, bà Mai nói.