Chính sách lãi suất đối với đồng USD tồn tại gần 10 năm nay tiếp tục được FED duy trì

Chính sách lãi suất đối với đồng USD tồn tại gần 10 năm nay tiếp tục được FED duy trì

Xin đừng quá phóng đại chuyện Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất zero tồn tại gần 10 năm nay, bất chấp những kỳ vọng của các nhà kinh tế và thị trường trước đó về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 này. Như vậy, mọi người sẽ tiếp tục chờ đợi Fed tăng lãi suất trong tháng 10, tháng 12 sắp tới hoặc có thể sang năm 2016 và xa hơn nữa.

So với những giải thích trước đây liên quan đến vấn đề công ăn việc làm và giá cả, giải thích mới đây của Fed tuy vẫn đề cập các vấn đề này, nhưng có 2 điều mới và đáng suy nghĩ.

Trước hết, Fed đã cho thấy những lo lắng của mình về triển vọng tăng trưởng toàn cầu bằng việc nêu đích danh Trung Quốc và ở các nền kinh tế mới nổi khác. Điều này có thể dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính và dẫn đến sức ép làm cho lạm phát vẫn còn thấp hơn kỳ vọng của Fed là 2% trong ngắn hạn.

Trong thông cáo báo chí, Fed muốn hàm ý cho mọi người hiểu thêm về quyết định của mình khi dùng đến khái niệm phần bù lạm phát (là phần lợi suất tăng thêm để các nhà đầu tư chịu nắm giữ các trái phiếu dài hạn - inflation compensation). Điều đáng ngại đối với Fed là khi quan sát thấy gần đây trên thị trường tài chính, phần bù lạm phát có xu hướng sụt giảm. Chính vì vậy, nhiều nhà kinh tế đã đặt câu hỏi: điều gì thực sự đang xảy ra với lạm phát ở Mỹ? Phải chăng, vấn đề đối với kinh tế Mỹ không phải là mức lạm phát hiện tại quá thấp, chính xác phải nói là mức lạm phát đang trên đường thẳng tiến tới mức thấp hơn nữa?

Ngoài nhân tố kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những bất ổn thì giá cả hàng hóa từ dầu cho tới mọi thứ khác như đồng, thép và ngũ cốc đều đang trong chu kỳ gãy đổ, khiến cho những quan ngại về một mức lạm phát thấp hơn ngày càng có khả năng tăng cao. Các yếu tố kể trên, cộng với những đánh giá của Fed trong phiên họp tháng 7/2015 về việc USD mạnh lên, giá cổ phiếu sụt giảm, rủi ro ngày càng có xu hướng mở rộng tăng thêm. Tất cả điều này có khả năng làm sụt giảm các hoạt động kinh tế thực và do đó, kéo lạm phát giảm thấp hơn nữa. Một số nhà kinh tế thậm chí còn cho rằng, may cho Fed vì đã có Trung Quốc làm cái cớ để che giấu những dấu hiệu yếu kém nội tại của nền kinh tế Mỹ.

Thứ hai, trong thông báo của mình, Fed đã rất khéo léo khi dùng từ ngữ. Đọc toàn bộ thông báo của Fed, không thấy có bất kỳ từ nào nói đến sắp tới Fed sẽ thắt chặt tiền tệ. Vấn đề mà Fed đang đặt ra là có nên “remove policy accommodation”, tức thoát khỏi chính sách nới lỏng, thay cho từ thắt chặt tiền tệ.

Để thị trường hiểu rõ thông điệp của mình, Fed thông báo rất rõ mọi người không nên quá phóng đại lần tăng lãi suất đầu tiên nếu chúng xảy ra. Điều quan trọng là dáng đi của lãi suất trong tương lai, chứ không phải thời điểm tăng lãi suất.

Các dự đoán của Fed về dáng đi của lãi suất khoảng 1,5% năm 2016, khoảng 2,5% năm 2017 và 3,5% năm 2018. Fed đã có câu trả lời trước nhiều thắc mắc về các dự báo này chính xác đến đâu. Theo đó, Fed cho rằng, các lập trường chính sách của mình không phải xuất phát từ những sự kiện riêng lẻ,hay từ những thay đổi mỗi ngày trên thị trường tài chính, mà đó phải là một chuỗi tích lũy các diễn biến. Vì vậy, nếu không có những sự kiện bất ngờ như vụ Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vừa rồi, thì thị trường có thể an tâm định giá tất cả những thay đổi kỳ vọng này.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Fed vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ sau khi tăng lãi suất. Trong thông cáo báo chí, Fed diễn giải, thậm chí nêu rõ “lập trường chính sách tiền tệ có khả năng vẫn tiếp tục nới lỏng cao một thời gian sau lần tăng lãi suất đầu tiên để hỗ trợ cho mục tiêu lạm phát 2% và toàn dụng lao động”.

Chủ tịch Fed hiện nay, bà Yanet Yellen, người được cho là vẫn tiếp tục kế thừa một trong những công cụ chính sách tiền tệ hiệu quả mà người tiền nhiệm Ben Bernake để lại trước đây: đó là chính sách truyền thông tiền tệ. Trong toàn bộ thông cáo báo chí của mình và trả lời trước báo giới, Chủ tịch Fed luôn công bố khá cụ thể các dự báo về khuynh hướng trung tâm của lạm phát, về tỷ lệ thất nghiệp và nhất là dáng đi của lãi suất trong tương lai.

Mặc dù Fed có đưa ra một khả năng để ngỏ rằng nếu sức ép lạm phát tăng vượt kỳ vọng thì lãi suất có khả năng sẽ dốc lên cao hơn, nhưng các sự kiện mang tính hệ thống và tích lũy lại, chứ không phải những sự kiện riêng lẽ mới làm thay đổi các quyết định của Fed. Chính diễn giải và truyền thông rõ như thế, nên chỉ khi nào có những cú sốc xảy ra và kéo dài trong một thời gian dài, mới có khả năng làm Fed thay đổi dáng đi của lãi suất trong một vài thời điểm nào đó.

Các nhà hoạch định chính sách và các thị trường trên thế giới dường như khá bình thản và đã có những kịch bản để đối phó với động thái của Fed. Dường như các bất ổn chỉ đến là do chúng ta làm cho nó quá lên với những thông tin giật gân đại loại như “cả thế giới nín thở chờ Fed tăng lãi suất”. Ở Việt Nam, truyền thông rõ ràng và chính xác có lẽ còn quan trọng hơn cả những động thái của Fed trong tương lai.

Tin bài liên quan