Áp lực lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng là khó tránh khỏi trong bối cảnh Fed nâng lãi suất USD

Áp lực lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng là khó tránh khỏi trong bối cảnh Fed nâng lãi suất USD

Vượt chỉ tiêu, ngân hàng vẫn thận trọng kế hoạch 2017!

(ĐTCK) Năm 2016 hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận, song nhiều nhà băng vẫn thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2017.

Theo lãnh đạo một số nhà băng, hoạt động kinh doanh ngân hàng trong năm 2017 đối mặt không ít thách thức từ bên ngoài. Trong đó, lãi suất, tỷ giá là vấn đề cần chú ý nhất.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có thông điệp tiến hành nâng lãi suất cơ bản USD ba lần trong năm nay, vì vậy, áp lực lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng là khó tránh khỏi. Chi phí đầu vào chưa thể mạnh tay cắt giảm thì lãi suất cho vay ra cũng sẽ khó kỳ vọng giảm thêm. Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là rào cản đối với dòng chảy tín dụng và đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô nhỏ cho biết, với kết quả đạt được trong năm qua, ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường tài chính với cơ hội và thách thức đan xen, vị tổng giám đốc trên cho biết, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2017 sẽ được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới và có thể chỉ cao hơn 10 - 15% so với năm qua.

Lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng OCB cũng cho hay, năm qua, Ngân hàng vượt hơn 10% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà OCB đưa ra cho năm 2016 ở mức 450 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, khi đề cập đến chỉ tiêu kinh doanh năm 2017, vị lãnh đạo trên của OCB cho hay, Ngân hàng cũng phải cân nhắc và khả năng mục tiêu lợi nhuận chỉ vượt 10 - 15% so với năm rồi. Tỷ lệ cổ tức sẽ ngang bằng năm 2016.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 15% so với năm 2016. Với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2016 ở mức 1.503 tỷ đồng, ACB đã vượt chỉ tiêu khoảng 10 - 15%. ACB đang quyết tâm thu hồi khoản nợ liên quan đến 6 công ty của “bầu” Kiên và đã thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng trong năm 2016, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh làm sạch nợ xấu ở năm 2017, nhằm giảm dự phòng rủi ro.

Năm qua, BIDV ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng cho biết, khó kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong năm nay, bởi xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh. BIDV đã phải trích lập gần 7.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong 3 quý đầu năm 2016, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước và khả năng con số dự phòng trong năm 2017 cũng chưa thể giảm nhanh hoặc hoàn nhập.

Thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu vẫn là bài toán khó đối với các nhà băng do vướng khâu giải chấp tài sản. Trong kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng 2016-2020, ngoài xử lý ngân hàng yếu kém, trọng tâm vẫn là giải quyết nợ xấu. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,46%, giảm nhẹ so với cuối năm trước đó. Tuy nhiên, điều đáng lo là, hầu hết khối nợ mà VAMC mua về 3 năm qua, khoảng 230.000 tỷ đồng vẫn hầu như đứng im.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của xử lý nợ xấu hiện vẫn là vấn đề pháp lý. Thủ tục xử lý tài sản đảm bảo quá phức tạp khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng của ngân hàng phải phơi sương. Đáng lo hơn, Bộ luật Dân sự năm 2015 vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 lại gạt nội dung về tài sản đảm bảo ra ngoài, khiến xử lý tài sản đảm bảo vốn kẹt lại càng kẹt thêm.

Tín dụng của ngành ngân hàng đã được cải thiện theo hướng tích cực và khả năng sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi lên trong năm 2017. Tuy nhiên, đánh giá được đưa ra từ chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng ồ ạt đẩy vốn ra thị trường mà ngược lại, cần kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng mới mong hạn chế nợ xấu, giảm dự phòng rủi ro.

Trong năm qua, lợi nhuận thuần trên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn ở mức khá cao, song do phải trích dự phòng rủi ro nhiều nên bị bào mòn đáng kể, đặc biệt là ở những ngân hàng phải nhận sáp nhập nhà băng yếu kém. Chính các rào cản trên khiến nhà băng cân nhắc kế hoạch lợi nhuận năm 2017.

Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay dự kiến sẽ diễn ra sớm hơn so với các năm trước, do nhiều nhà băng chuẩn bị đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc niêm yết. Chỉ tiêu kinh doanh của nhiều nhà băng đang được cân nhắc để trình cổ đông tại đại hội.

Tin bài liên quan