Do không có sự thống nhất, thi hành án dễ trở thành chỗ xin - cho

Do không có sự thống nhất, thi hành án dễ trở thành chỗ xin - cho

Vướng mắc nhất là xử lý tài sản bảo đảm

(ĐTCK) “Ở nhiều nước, luật pháp bảo vệ quyền của người cho vay và tất nhiên, để làm được điều này, cần sự hỗ trợ của cơ quan có liên quan mà quan trọng nhất là hệ thống pháp luật phải thay đổi để tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý nợ”. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng trong cuộc trao đổi với ĐTCK. 

Ông có nhận định gì về tình hình xử lý nợ xấu hiện nay?

Tôi sẽ không đề cập đến con số bởi Chính phủ vừa cho biết tỷ lệ nợ xấu hiện nay đã về dưới 3%. Câu chuyện xử lý nợ xấu không chỉ là con số liên quan đến tỷ lệ, tôi cho rằng, điều quan trọng là nợ xấu hiện tại đang vướng mắc rất nhiều ở khâu xử lý tài sản bảo đảm (TSBD).

Việc xử lý TSBĐ nếu không được giải quyết thông thoáng hơn, chắc chắn nợ xấu sẽ vẫn còn đọng lại trong nền kinh tế nhiều năm nữa. Nợ xấu phải được thu hồi bằng cách này hay cách khác, nhưng cách hay nhất là khách hàng tự xoay sở để trả lại tiền cho ngân hàng. Nếu khách hàng hoàn toàn mất khả năng thanh toán thì TSBĐ là kênh duy nhất còn lại để ngân hàng thu hồi tiền cho vay. Do vậy, xử lý TSBĐ là trọng tâm của vấn đề và phải được giải quyết một cách dứt điểm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
 

Ông có thể phân tích rõ hơn về những vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu?

Có thể chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, tinh thần bất hợp tác của người đi vay. Những người vướng vào nợ xấu thường không ý thức được trách nhiệm trả nợ là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù do nguyên nhân khách quan hay chủ quan tác động, cũng phải có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Vì thế, họ thường tỏ ra bất hợp tác với ngân hàng.

Thứ hai, ngân hàng tìm cách thu nợ qua việc bán nợ cho VAMC, nhưng đây cũng không phải là cách để giải quyết hoàn toàn vấn đề nợ xấu. Mặc dù ngân hàng đã thu hồi được một phần nợ qua sự cố gắng của VAMC, nhưng việc thu hồi nợ đó là do sự hợp tác của ngân hàng và con nợ. Và nếu con nợ chây ỳ, VAMC cũng khó giải quyết nợ xấu.

Thứ ba, TCTD cuối cùng cũng phải khởi kiện ra tòa án để thu hồi nợ. Đây là điểm vướng mắc lớn nhất trong quá trình tố tụng do luật pháp không phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, thì hệ thống pháp luật vẫn neo vào cơ chế cũ: quản lý tập trung mang phong cách bao cấp, mà không vận hành theo nền kinh tế thị trường, để các thành phần của thị trường tự giải quyết với nhau.

Trong khi đó, nhiều vấn đề liên quan như tòa án quá tải; nhân sự tòa án thiếu và yếu do nhiều thẩm phán không được đào tạo về thương mại, tài chính. Theo đó, không những hệ thống pháp luật không đi theo kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường, mà nhân sự cũng chưa theo kịp đòi hòi của xã hội và nền kinh tế. Điều này dẫn tới hệ thống tòa án quá tải với các vấn đề tranh tụng, quá trình tố tụng bị kéo dài, khiến tài sản vì phải khấu hao nên giảm giá trị. Vì thế, trong nhiều trường hợp, khi ngân hàng có được bản án của tòa thì giá trị tài sản đem xử lý không còn thu được bao nhiêu.

Đặc biệt, dù đã có phán quyết của tòa án thì việc thi hành án cũng là một trở ngại, do không có sự thống nhất giữa các cơ quan thi hành án, mỗi nơi hiểu theo một kiểu, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người thi hành án. Điều này khiến việc thi hành án dễ trở thành chỗ xin - cho, phát sinh nhiều tiêu cực, do đó, sẽ tạo chi phí lớn cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ.

Theo ông, kinh nghiệm nước ngoài nào có thể là giải pháp đối với việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam?

Hệ thống pháp luật phải thay đổi để tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý nợ mà không phải thông qua con đường pháp lý. Ở nước ngoài, một ngân hàng có quyền thế chấp trên một tài sản như bất động sản và có thể thực hiện quyền thế chấp trên hai cách: qua tòa án và không qua tòa án. Nếu không qua tòa án thì phương thức rất đơn giản.

Một người không còn khả năng trả nợ nữa, ngân hàng sẽ gửi giấy thông báo rằng, ngày cụ thể nào đó, ngân hàng sẽ mang tài sản ra đấu giá. Ngân hàng bán tài sản đó cho người có nhu cầu mua hoặc tự ngân hàng thâu hồi tài sản để cấn trừ nợ. Khi đó, món nợ xấu đó được đem ra ngoại bảng theo dõi.

Trong trường hợp ngân hàng thấy tài sản bảo đảm không đủ để trả khoản nợ vay và ngân hàng nghĩ rằng khách hàng còn có những tài sản khác thì ngân hàng sẽ đưa khách hàng ra tòa án, nghĩa là sử dụng kênh tố tụng theo trình tự các bước để thu hồi tài sản.

Tuy nhiên có một vấn đề là theo pháp luật hiện hành, chỉ có doanh nghiệp được phá sản, còn với cá nhân thì không có quy định này, khiến tiến trình xử lý nợ xấu đi vào bế tắc. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đúng vậy, đây là điểm mấu chốt nếu không giải quyết được sẽ không xử lý được nợ xấu. Khi cá nhân nợ ngân hàng mà không có khả năng trả, ngân hàng có thể đưa cá nhân đó ra tòa, nhưng không thể lấy hết tài sản để bù cho khoản nợ, bởi sẽ không nhận được phán quyết của tòa là cá nhân đó phá sản.

Kinh nghiệm tại nhiều nước, luật pháp cho phép cá nhân phá sản, có nghĩa khi mất khả năng thanh toán, cá nhân sẽ phải giao toàn bộ tài sản của mình cho ngân hàng, trừ giữ lại mức tài sản đủ để sống. Sau đó, tòa án sẽ tuyên bố cá nhân đó phá sản. Việc Việt Nam không cho cá nhân phá sản đưa đến việc một cá nhân dù đã chết hoặc mất tích trên thị trường, nhưng món nợ của người đó vẫn tồn đọng trên sổ sách của ngân hàng. Đây là điều phi lý.

Vậy ông có khuyến nghị gì để cải thiện tình trạng này?

Trước hết, luật pháp Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng khi ngân hàng không dùng đến biện pháp tòa án để thu hồi nợ, nghĩa là cần có sự cải cách cả hệ thống pháp luật và hành chính.

Bên cạnh đó, cần có những tòa án chuyên về phá sản bao gồm cả về nhân sự và cơ sở hạ tầng. Hiện một số văn bản luật còn có sự chồng chéo, nên cần có sự rà soát lại cho đồng bộ, để khi ngân hàng thực hiện quyền của mình có thể sử dụng những công cụ pháp lý an toàn và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, cần trao thêm quyền cho VAMC để VAMC có thể chủ động hơn trong việc thanh lý tài sản bảo đảm mà không cần sự hợp tác của con nợ và ngân hàng. Qua đó, tạo dựng được thị trường mua bán nợ quốc gia, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan