Tín dụng cá nhân chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ACB những tháng đầu năm

Tín dụng cá nhân chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ACB những tháng đầu năm

Vốn tín dụng khó chảy vào bất động sản đầu cơ

(ĐTCK) Đà hồi phục của thị trường bất động sản thời gian qua có sự đóng góp lớn từ vốn tín dụng ngân hàng khiến không ít người lo ngại tình trạng “bong bóng” bất động sản như đã từng xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng, vốn tín dụng khó chảy vào bất động sản đầu cơ trong bối cảnh hiện tại.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến tháng tháng 4/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 2,78%, mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Đó là tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.

Các ngân hàng cho hay, tín dụng cải thiện những tháng đầu năm một phần nhờ bất động sản ấm dần lên. Trong đó, khách hàng cá nhân có nhu cấu nhà ở thực sự đã mạnh dạn vay vốn khi lãi suất giảm xuống mức hợp lý.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank, nhu cầu vốn của khách hàng vay mua nhà tăng trong 4 tháng đầu năm, góp phần đáng kể vào tăng trưởng dư nợ tín dụng. Để thu hút khách hàng vay vốn mua nhà, VietBank cũng đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất, với mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm. Thời gian cho vay kéo dài 25 năm.

Còn tại Nam A Bank, bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, chủ trương của Nam A Bank là đẩy mạnh chiến lược cho vay nhỏ, lẻ, phân tán, tiếp cận khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở. Không chỉ cho vay các gói tín dụng thương mại lãi suất ưu đãi, Nam A Bank còn tham gia giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng dành cho người có thu nhập thấp mua nhà. Chính vì thế, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Nam A Bank đã cải thiện đáng kể trong 4 tháng đầu năm, với mức tăng trên 10%.

Tuy nhiên, theo bà Tú, điều khiến khách hàng lo ngại hiện nay là sợ “bẫy” lãi suất khi nhiều đơn vị đưa ra chính sách ưu đãi và thả nổi sau đó. Nhưng với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thanh khoản ngân hàng dồi dào, khả năng lãi suất sẽ giảm thêm.

Điều này cũng được ông Ranh Wood, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ VIB khẳng định khi cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ dần ổn định và khó có thể giảm nhiều. Vì thế, mức lãi suất hiện nay được xem là phù hợp để vay mua nhà. Đó cũng chính là lý do VIB đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, với lãi suất 8,16%/năm cố định trong 30 tháng đầu và đã giải ngân hết.

Mặc dù vậy, xu hướng tín dụng bất động sản tăng nhanh cũng khiến nhiều người liên tưởng đến tình trạng “bong bóng” khi các ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào nhà đất những năm 2008 - 2009. Bởi đây là những khoản vay trung, dài hạn lãi suất cao, biên lãi thu về trong cho vay cũng cao hơn nhiều so với các loại hình tín dụng khác.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, trước tình hình ấm lên của thị trường bất động sản thời gian qua, nhiều người cho rằng, sẽ là điều kiện tốt để xử lý nợ xấu. Nhưng nếu nhìn vào thực tế bất động sản vẫn còn khó khăn, trong khi vốn tín dụng vào nhiều là điều cần phải cân nhắc.

Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, khó kỳ vọng bất động sản tan băng hoàn toàn trong 1 - 2 năm tới. Vì thế, việc đẩy vốn vào bất động sản đòi hỏi các ngân hàng phải kiểm soát được rủi ro. 

Trong khi đó, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, vốn tín dụng vào bất động sản hiện nay chủ yếu dành cho cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Còn với các chủ đầu tư và nhất là đầu cơ bất động sản đã được hạn chế, nhất là sau bài học của những năm 2008 để lại nợ xấu hiện nay.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, trong 4,5% dư nợ tín dụng tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm của ACB, khối cá nhân chiếm khoảng 40%. Theo thống kê của ACB, các khoản vay của khách hàng cá nhân đối với bất động sản chỉ từ 800 triệu đồng mua nhà ở thực, nên khó có thể chảy vào bất động sản đầu cơ. Quan điểm của ACB cũng chỉ tập trung đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân mua nhà, hạn chế việc cấp vốn tín dụng cho việc đầu cơ, kinh doanh bất động sản…

Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ cũng cho hay, tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng trong 4 tháng qua chủ yếu từ cho cá nhân vay mua nhà. Đó cũng là chủ trương của Sacombank trong quá tăng trưởng tín dụng.

Kể cả với gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng tham gia giải ngân cũng cho biết, chỉ tập trung cho cá nhân vay mua nhà. Theo lãnh đạo Vietcombank TP. HCM, mặc dù được ưu đãi lãi suất, song người vay phải chứng minh được nguồn gốc trả nợ thì ngân hàng mới cho vay. Vì thế, với DN dù thuộc diện được vay gói vốn này triển khai các dự án nhà ở xã hội cũng khó tiếp cận được. Thực tế, sau hơn 1 năm triển khai gói vốn trên, số DN vay được vốn để triển khai dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp chỉ đếm được trên đầu ngón tay.  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan