Tín dụng toàn ngành ngân hàng giảm trên 1% tính đến ngày 13/3

Tín dụng toàn ngành ngân hàng giảm trên 1% tính đến ngày 13/3

Vốn huy động lãi suất cao vẫn chưa tiêu hết

(ĐTCK) Cho dù lãi suất huy động đã được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm, song điều đó không có nghĩa, lãi suất cho vay sẽ giảm ngay. Các ngân hàng còn phải tiêu vốn cũ được huy động với lãi suất cao.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động thêm 1%/năm, BIDV đã đưa ra thông báo điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào và cả đầu ra.

Trên thực tế, sau khi lãi suất đầu vào giảm, các ngân hàng sẽ điều chỉnh dần lãi suất cho vay, nhưng điều đó chỉ có thể sớm thực hiện được với các ngân hàng lớn. Còn  các ngân hàng quy mô nhỏ, vẫn phải cạnh tranh cả huy động lẫn cho vay, thì phải mất ít nhất 1 tháng để cơ cấu lại nguồn vốn...

Ông Trần Ngô Phúc Vũ,  Tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, ngoài việc áp dụng mức trần lãi suất cho vay 8%/năm dành riêng cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định, để lãi suất cho vay giảm cũng cần có thời gian, có thể là trong quý II/2014, NamA Bank sẽ bắt đầu giảm lãi suất đầu ra.

Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho rằng, việc hạ trần lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt cho ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu ra, song phải mất ít nhất 1-2 tháng mới có thể cơ cấu được nguồn vốn. Đáng chú ý là, tính đến ngày 13/3, tín dụng toàn ngành ngân hàng vẫn giảm trên 1%, trong khi nguồn vốn huy động trước đây có lãi suất khá cao đến thời điểm này chưa “tiêu” hết, nhưng ngân hàng cũng phải trả lãi suất cho người gửi tiền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã làm việc với các ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn để xem xét hạ lãi suất trong những ngày tới. “Với điều kiện hiện nay, khi thanh khoản dôi dư, chi phí đầu vào được cắt giảm, khả năng lãi suất cho vay ra sẽ sớm được điều chỉnh giảm thêm. Đồng thời, NHNN cũng đẩy mạnh chương trình kết nối cung - cầu vốn, ưu đãi lãi suất cho vay”, ông Minh nói.

Mức lãi suất cho vay thông qua chương trình kết nối cung - cầu trên địa bàn TP.HCM cũng tối đa chỉ 8%/năm, với quy mô vốn đưa ra giải ngân trong năm nay là khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp (DN) phải nằm trong danh sách được Sở Công thương TP.HCM chọn.

Thực tế, thời gian qua và ngay cả sau khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động về 6%/năm, đã có một số ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất. LienVietPostBank đưa ra gói 2.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho DN và cả cá nhân có nhu cầu về vốn, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Đại diện TPBank cho biết, từ nay đến cuối năm 2014, TPBank sẽ triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, giúp DN chủ động nguồn vốn. Lãi suất cho vay chỉ từ 8%/năm đối với tiền đồng hoặc 3,8%/năm đối với USD, nhưng cũng chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu tiên.

Qua tiếp cận với các DN, phần lớn DN được hỏi đều cho biết, do không nằm trong diện ưu tiên, nên mức lãi suất ưu tiên trên không thuộc về họ. Có rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Bà Hồng Liên, lãnh đạo một DN chuyên sản xuất da giày tại Bình Dương cho biết, cho dù các ngân hàng quảng bá lãi suất giảm còn 7 - 8%/năm, nhưng khi tiếp cận thực tế mới biết, không ai có thể vay được vốn, với mức lãi suất này, mà phải 12 -13%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng nhận định: “Lãi suất có thể giảm thêm trong thời gian tới, ít nhất thêm 1 - 1,2%, sau khi các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động và đã giải ngân được vốn tiết kiệm giá cao trước đó”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan