Hạn mức vốn cấp cho mỗi khách hàng cá nhân mua nhà tại VietBank lên đến 500 triệu đồng

Hạn mức vốn cấp cho mỗi khách hàng cá nhân mua nhà tại VietBank lên đến 500 triệu đồng

Vốn đổ mạnh vào bất động sản

(ĐTCK) Trong 2 tháng đầu năm 2017, cùng với hàng loạt dự án bất động sản được mở bán để đón mùa mua nhà, các ngân hàng cũng tranh thủ tung nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho người mua nhà. Theo đánh giá của giới chuyên môn, năm 2017 được xem là một năm bứt phá đối với hoạt động cho cá nhân vay mua nhà để ở.

Nhu cầu về nhà ở vẫn lớn

Lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng khá ổn định trong năm 2016, các hoạt động xây dựng diễn ra sôi động và tâm lý của khách hàng dần cải thiện. Năm 2017, nguồn cung thị trường căn hộ được dự báo tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, theo Savills Việt Nam, trong năm 2017, thị trường Hà Nội có khoảng 77 dự án căn hộ, cung cấp hơn 50.000 căn hộ cho thị trường, còn tại TP.HCM ướ tính có hơn 60.000 căn hộ gia nhập thị trường từ quý I/2017 đến năm 2018.

Những con số trên khiến nhiều người lo ngại thị trường sẽ dẫn tới tình trạng bội cung. Tuy nhiên, ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam lại cho rằng, cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt lực cầu.

Theo ông Sabbir Ahmed, hiện tại, thu nhập của nhóm người trẻ thuộc thế hệ Y của Việt Nam ngày càng tăng và ngày càng có nhiều người trong số họ chọn sống độc lập. Bên cạnh đó, một nguồn cung tốt và đa dạng các phân khúc nhà ở sẽ tạo ra nhiều cơ hội đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Lực cầu về nhà ở tăng sẽ làm tăng nhu cầu vay mua nhà, vì các ngân hàng hiện vẫn là một trong những nguồn trợ giúp tài chính quan trọng trên thị trường bất động sản.

Tại HSBC, ông Sabbir Ahmed cho biết, khách hàng vay mua nhà sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, quy trình minh bạch, kỳ hạn vay lên đến 25 năm.

“Chúng tôi áp dụng lãi suất cạnh tranh thay đổi tùy theo phân khúc khách hàng, mục đích vay và số tiền vay. Khi tiếp cận với HSBC, khách hàng sẽ được tư vấn đầy đủ về các lợi thế của từng khung lãi suất, các chương trình khuyến mãi và các giải pháp tài chính giúp khách hàng đạt được ước mơ sở hữu nhà căn cứ trên nhu cầu và tình trạng tài chính của khách”, ông Sabbir Ahmed nói và cho rằng, vay mua nhà là một nhu cầu có thực và đang gia tăng do sự thay đổi về nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Cụ thể, hiện những người trong độ tuổi 25-45 chiếm gần 1/3 dân số và hơn phân nửa trong số đó thuộc thế hệ Y.

Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 35% trong năm 2016 và ước đạt 40% vào năm 2020, đồng nghĩa với việc dân số tại các trung tâm kinh tế như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng sẽ lên tới khoảng 36 triệu dân trong vòng 4 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu về nhà ở cũng được kích thích bởi sự chuyển biến mang tính xã hội, có thể nhận thấy qua sự phổ biến của mô hình gia đình hạt nhân và lối sống tự lập ngày càng tăng trong giới trẻ.

Theo đánh giá của ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), với hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ kết hôn mỗi năm (theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - HoREA), thì nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2017, đặc biệt là phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ. Đây là một phân khúc tín dụng tiềm năng không chỉ OCB, mà các ngân hàng đều định hướng khai thác năm 2017.

Chiến lược phát triển tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm 2016-2017 là tập trung cho vào thị trường nhà, đất, nhất là cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà. Thực tế, sản phẩm tín dụng tiêu dùng vẫn tập trung chủ yếu là khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà. Chẳng hạn tại VietBank, với sản phẩm cho vay sinh hoạt tiêu dùng, trong đó có cho cá nhân vay mua, sửa chửa nhà cuối năm, hạn mức vốn cấp cho mỗi khách hàng cá nhân lên đến 500 triệu đồng.

VietBank cho biết, với chiến lược và định hướng bán lẻ, đa năng, năng động, phục vụ tốt nhất cho phân khúc khách hàng cá nhân, nhất là sản phẩm cho vay mua nhà, Ngân hàng đã, đang tiếp tục đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực này, dư nợ tín dụng cũng tăng cao.

Vốn chảy vào bất động sản

Không ít ý kiến lo ngại Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% và nâng hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200% kể từ đầu năm 2017 sẽ tác động nhất định đến cho vay bất động sản, nhưng thực tế dòng vốn vào thị trường này vẫn ổn định và tăng trưởng.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc ban hành Thông tư 06/2016, sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước đã ảnh hưởng tích cực lên thị trường bất động sản, bởi Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình cho các ngân hàng điều chỉnh.

Tại Sacombank, đại diện ngân hàng này cho biết, dư nợ tín dụng cá nhân vay mua nhà tính đến cuối năm 2016 chiếm khoảng 15% trên tổng dư nợ cá nhân của Ngân hàng và tiếp tục tăng trong 2 tháng đầu năm nay khi nhu cầu tín dụng mua nhà gia tăng và ngân hàng không ngừng đẩy mạnh cho vay với tỷ lệ nợ quá hạn luôn được kiểm soát tốt.

Trong khi đó, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, nhu cầu về vốn cho vay mua nhà không tăng mạnh trong năm 2016, với dư nợ cho vay mua nhà tại ACB đạt khoảng 30% trong tổng dư nợ của Khối khách hàng cá nhân, chiếm khoảng 55% trong tổng dư nợ của ACB và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tích cực trong năm nay.

Đó cũng chính là lý do vì sao dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc tín dụng mua nhà tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm 2017.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố tăng lên, trong đó cho vay tiêu dùng bao gồm cho cá nhân vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà... tăng mạnh. Tính đến hết tháng 2/2017, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 19,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, doanh số giải ngân lũy kế của các ngân hàng đến cuối tháng 1/2017 đạt 7.375 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.396 tỷ đồng; 10.762 khách hàng còn dư nợ 5.980 tỷ đồng, trong đó 8 dự án còn dư nợ 877 tỷ đồng, phần dư nợ còn lại của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.

Trước đó, thông tin đưa ra từ lãnh đạo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 2016 là tương đối tốt và việc phân bổ vốn đã thực chất hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn và cần lưu ý để tránh nguy cơ “bong bóng” bất động sản. Tín dụng bất động sản năm 2016 tính dù chỉ tăng 12% (cùng kỳ 2015 tăng 28%), nhưng có dấu hỏi lớn ở mảng cho vay tiêu dùng. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng 2016 tăng gần 40%, một nửa trong đó liên quan đến việc mua nhà ở.

Điều này cho thấy, nhu cầu vốn của khách hàng vay mua, sửa chữa nhà rất lớn và luôn gia tăng theo thời gian. Nhưng cùng với chiều hướng tăng nhẹ lãi suất đầu vào khiến không ít khách hàng lo ngại lãi suất cho vay mua nhà cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, xu hướng lãi suất trong năm 2017 khó có thể thay đổi nhiều so với năm 2016.

Ông Sabbir Ahmed cho rằng, về lãi suất tùy vào chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng mục tiêu và mức độ chấp nhận rủi ro của tổ chức, mỗi ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất khác nhau.

“Để thích ứng với nhu cầu vay mua nhà đang tăng dần và diễn biến cung-cầu trên thị trường, các ngân hàng sẽ thường xuyên điều chỉnh lãi suất sao cho vừa tăng cường sức cạnh tranh, vừa phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi ngân hàng nhằm hướng đến đảm bảo hệ số rủi ro và kết quả kinh doanh bền vững”, ông Sabbir Ahmed nói.

Tuy nhiên, ông Sabbir Ahmed khuyên người có nhu cầu vốn mua nhà nên lên kế hoạch thật sớm, vì càng sớm lên kế hoạch, giấc mơ mua nhà càng sớm thành hiện thực. Kế hoạch này phải bao gồm việc tiết kiệm cho khoản thanh toán đầu tiên khi mua nhà. Khách hàng nên tìm hiểu gói sản phẩm cho vay mua nhà cạnh tranh giúp họ có thể thanh toán phần chi phí còn lại.

Ngoài ra, khách hàng nên lập ngân sách cao hơn giá ngôi nhà cần mua. Cần phải tính toán đến những chi phí và đảm bảo không bỏ sót những chi phí này trong kế hoạch tài chính của mình.

Bên cạnh đó, khách hàng nên xem xét cắt giảm chi tiêu mỗi ngày cho mục tiêu mua nhà và nên suy nghĩ linh hoạt về cách làm sao có thể giúp họ mua được một ngôi nhà.

Cuối cùng, cần có cái nhìn bao quát về tình trạng tài chính của bản thân, vì vay mua nhà là một phần của kế hoạch tài chính dài hạn, chứ không phải là giao dịch một lần. Mỗi khoản vay mua nhà khác nhau sẽ phù hợp với tình trạng và nhu cầu tài chính khác nhau.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan