Nhiều ngân hàng có chiến lược bán lẻ, với khách hàng là các SME và các cá nhân có thu nhập khá, ổn định

Nhiều ngân hàng có chiến lược bán lẻ, với khách hàng là các SME và các cá nhân có thu nhập khá, ổn định

Vốn cho doanh nghiệp nhỏ: Cửa rộng nhưng khó qua!

(ĐTCK) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn than phiền về việc khó tiếp cận vốn tín dụng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết nhà băng khẳng định, luôn rộng cửa đón khách hàng, thậm chí còn hỗ trợ vốn tín chấp (không tài sản đảm bảo) cho các SME.

Ngân hàng rộng cửa mời vay

Thời gian qua, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dành 14.000 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho khách hàng SME, lãi suất từ 7,5%/năm. Đáng chú ý, với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp áp dụng cho các SME hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn TP. HCM thuộc những ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến lương thực và thực phẩm, cao su, nhựa, mức lãi suất cho vay chỉ từ 7%/năm và được duy trì ổn định trong suốt năm 2016. Ngoài ra, ACB còn ưu đãi đến 50% phí bão lãnh dành riêng cho SME ngành thương mại.

Tại Viet Capital Bank, Ngân hàng triển khai chương trình “Cho vay tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp SME”. Theo đó, ngân hàng này dành hạn mức 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các SME và siêu nhỏ thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng. Các doanh nghiệp được vay tín chấp tối đa lên đến 1,5 tỷ đồng, kèm theo đó là ưu đãi về lãi suất cho vay và miễn phí sử dụng nhiều loại dịch vụ.

HDBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng, triển khai đến hết ngày 30/6, dành cho doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, lãi suất từ 6,8%/năm, với các khoản vay có kỳ hạn dưới 3 tháng.

OCB thì cho SME vay ngắn hạn với lãi suất VND từ 6,71%/năm, lãi suất USD từ 2,68%/năm và ưu đãi 20 - 50% phí dịch vụ cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng đa năng dẫn đầu về bán lẻ và SME, các sản phẩm dành cho doanh nghiệp liên tục được Ngân hàng xây dựng cũng như cập nhật những tính năng, tiện ích nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.

Hiện tại, OCB đang triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp với hạn mức 1.000 tỷ đồng, đến hết ngày 30/6; chương trình “Gắn kết bền lâu” dành cho khách hàng doanh nghiệp vay trung và dài hạn, với hạn mức 1.500 tỷ đồng, giải ngân đến hết 31/12/2016.

Theo ông Tùng, đối tượng và phân khúc khách hàng mà OCB quan tâm để đẩy mạnh phát triển chiến lược bán lẻ vẫn là SME và các cá nhân có thu nhập khá, ổn định.

… nhưng 70% doanh nghiệp khó có thể tiếp cận

Ông Phan Hải Tùng, Chủ tịch Hiệp hội SME Việt Nam cho biết, hiện các SME chiếm tỷ lệ 97%, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Vậy nhưng, hiện mới chỉ có 30% SME vay được vốn tín dụng ngân hàng, còn 70% doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ dành cho SME để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Vì thế, việc tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho phân khúc doanh nghiệp này là hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ thương mại hóa toàn cầu khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.

Vì sao có tình trạng ngân hàng mở cửa mời vay, doanh nghiệp lại nói không được vay? Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, ngân hàng muốn đẩy mạnh phát triển tín dụng đối với phân khúc SME, nhưng xem xét hồ sơ vay vốn khá chặt chẽ, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Thực tế, các SME của Việt Nam có nhiều yếu kém, sổ sách kế toán thiếu minh bạch, thiếu tài sản thế chấp…

“Nếu sổ sách kế toán minh bạch, tình hình tài chính lành mạnh, SME sẽ không khổ sở khi tiếp cận vốn tín dụng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói và cho rằng, nếu chỉ tiếp cận SME qua báo cáo tài chính để cho vay thì rất rủi ro cho ngân hàng. Cái khó đối với ngân hàng trong việc mở rộng tín dụng phân khúc này là phải có giải pháp và sự sáng tạo trong quá trình tiếp cận doanh nghiệp. Điều quan trọng là ngân hàng phải “nhìn” được triển vọng của doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhìn nhận, các doanh nghiệp quá nhỏ sẽ khó được ngân hàng cho vay vốn. Các doanh nghiệp không tham gia vào các chuỗi giá trị, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng, sử dụng khoa học công nghệ cũng khó tiếp cận vốn tín dụng. Để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tốt, đảm bảo tính minh bạch, khả năng sử dụng hiệu quả vốn vay…, nhằm tạo được niềm tin của ngân hàng.           

Tin bài liên quan