20 tháng “phiêu bạt” hơn 60 chi nhánh
Năm 2011, Trần Thị Liên, cô sinh viên năm cuối Trường đại học Ngoại thương gia nhập VPBank lúc còn 3 tháng nữa mới tốt nghiệp. Cô được đảm nhiệm vị trí chuyên viên 1 quản lý chất lượng dịch vụ cùng dự án Service 100 +. Tinh thần ham học hỏi, sự xông xáo và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp Liên trở thành một trong những cán bộ tiềm năng trong đánh giá của chị Nguyễn Thị Quyên, Trưởng phòng Quản lý cải tiến quy trình và chất lượng dịch vụ VPBank khi đó.
Dự án Service 100+ chiếm trọn các tháng đầu tiên ở VPBank của Liên. Cũng thời gian này, cô “phiêu bạt” qua hơn 60 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, Liên miệt mài đi thực hiện dự án tại chi nhánh, chỉ có thứ Bảy được ngồi ở nhà để làm báo cáo và đào tạo. Nhưng bù lại, mối quan hệ với các giám đốc chi nhánh, các trưởng phòng dịch vụ khách hàng đã bắt đầu được xây dựng, giúp cô học hỏi nhiều điều. Đây cũng chính là nền móng vững chắc cho những công việc sau này của Liên.
Sau thành công từ dự án Service 100+, chỉ sau 8 tháng gia nhập VPBank, Liên trở thành chuyên viên 2 và bắt đầu chuyển hướng sang công việc kiểm soát và cải tiến quy trình.
Nghề ngân hàng không nhàn hạ, ăn trắng mặc trơn như nhiều người lầm tưởng
Tham gia dự án rà soát hơn 2.000 văn bản trong toàn hệ thống VPBank chính là thử thách tiếp theo dành cho cô gái trẻ. Theo đó, quy trình, vận hành, hệ thống của tất cả các đơn vị đều được Liên “động tới”. Cách làm đúng, chủ động và không ngại va chạm giúp cô hoàn toàn tự tin trước những vấn đề tìm ra. “Kho từ điển quy trình” chính là biệt danh mà nhiều người gọi Liên sau khoảng 20 tháng đảm nhiệm công việc này.
Hiểu được khách hàng
Một nhân sự khác tại VPBank là Phương Thị Minh Yến chia sẻ về những ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào Ngân hàng. Nhóm của Yến được giao xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng - sản phẩm từng được nhiều ngân hàng triển khai trước đó, nhưng hoàn toàn mới với VPBank. Xây sản phẩm, viết quy trình và đem đi tiếp thị, ba tháng sau, chuỗi cung ứng đầu tiên dành cho khách hàng Hyundai đi vào hoạt động trong niềm vui và sự xúc động của nữ nhân viên mới và các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế không hề đơn giản và hoành tráng như những con số nằm trong bản báo cáo mỗi cuối kỳ. Đặc thù của tài trợ chuỗi cung ứng là phải thiết kế những sản phẩm dành riêng cho mỗi khách hàng. Bởi vậy, ngoài tài năng, sự nhanh nhạy của các cán bộ bán sản phẩm, bản thân những người làm sản phẩm phải hiểu được thị trường, hiểu được bản chất khách hàng và tìm ra những điểm cộng lớn để có được cái gật đầu của họ.
“Không chỉ thuyết phục khách hàng, chúng tôi đồng thời phải thuyết phục trong nội bộ, là các phòng ban từ các đơn vị kinh doanh như khối RB, SME, CommCredit, CIB, CMB đến các bộ phận vận hành, quản trị rủi ro...; từ việc phân bổ lợi nhuận giữa các bên đến việc đưa ra một quy trình tối ưu nhất”, chị Nguyễn Thị Minh Chi (Phòng Phát triển sản phẩm FITB), người trực tiếp thiết kế sản phẩm tài trợ chuỗi nói.
Đời không như là mơ
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Thương mại năm 2002, thất nghiệp 1 năm, đến năm 2003, Mai Văn Quý được tuyển dụng vào Agribank làm cán bộ tín dụng. “Mừng hết sức” là cảm xúc của Quý khi đó, nhưng ngày đầu đến nơi làm việc đã được thay thế bằng từ “nản”.
Ngày đầu đến Vĩnh Long (Long An), Quý mới biết nơi đó như cách nhà vạn dặm vì đường khó đi. Thỉnh thoảng, Quý lại hỏi bác lái xe: “Tới Vĩnh Hưng chưa?”, khiến bác tài cáu: “Hỏi gì mà hỏi miết vậy. Xứ xa mút chỉ chứ có chơi”. Quý chỉ còn biết kêu trời…
Sau này, đi rồi về, về rồi đi trên con đường đầy ổ gà, Quý đã thấy con đường không còn dài hun hút. Quý thuộc nằm lòng từng khúc cua, từng đồng lúa chín rộ, vuông tràm vàng bông hay cánh đồng sen nửa hồng nửa đỏ ngay chân mấy huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa dọc Quốc lộ 62 trước khi đến “bến” cuối cùng là thị trấn Vĩnh Hưng.
“Tôi nhớ lại lời ba tôi động viên rằng, những cây mạnh mẽ nhất do mọc ở miền đất khắc nghiệt và chịu đựng những cơn gió ngược. Về Vĩnh Hưng, tôi thấm thía điều đó. Về những nơi xa xôi, hẻo lánh mới có nhiều kinh nghiệm, vốn sống, học được nhiều bài học vô giá”, Quý nói.