Vietcombank muốn thoái vốn khỏi Eximbank

Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 3 TCTD có tỷ lệ sở hữu vượt quá mức quy định 5% của NHNN. Với Eximbank, Vietcombank có thể lãi trên 700 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Trao đổi về kế hoạch thoái vốn tại các tổ chức tín dụng, chia sẻ với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 TCTD trong đó có 3 TCTD có tỷ lệ sở hữu vượt quá mức quy định 5% của NHNN.

Trong đó, cơ bản phần lớn là tại MBBank và Eximbank. Theo đánh giá của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, MBBank là đơn vị kinh doanh tương đối hiệu quả và hàng năm Vietcombank đều nhận được cổ tức từ hoạt động đầu tư.

Còn với Eximbank, trong thời gian tới Vietcombank sẽ tiếp tục đề xuất Ngân hàng Nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng này, nếu thành công có thể đem lại lợi nhuận trên 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với ba tổ chức còn lại là: Ngân hàng Phương Đông, Saigonbank, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng, tổng số tiền vốn mà Vietcombank đầu tư không quá lớn, khoảng 300 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Vietcombank cũng có kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị này nhưng do mức giá chưa hợp lý nên chưa thực hiện được.

Vietcombank muốn thoái vốn khỏi Eximbank ảnh 1

 Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 3 TCTD có tỷ lệ sở hữu vượt quá mức quy định 5% của NHNN.

Đối với kế hoạch tăng vốn,Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 10% so với mức hiện tại, thông qua phát hành chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ cho tổ chức nước ngoài với tối đa 10 nhà đầu tư. Trong đó, phương án chào bán cho tổ chức nước ngoài là trọng tâm được Vietcombank hướng tới. Năm 2017, Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 3.600 tỷ đồng bằng phát hành cổ phần ra công chúng, chào bán riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư.

"Hiện có nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có cả những đối tác có tiềm năng tài chính thể hiện quan tâm và tìm hiểu về phương án phát hành riêng lẻ của Vietcombank. Các đối tác đang tiến hành đàm phán, cũng đưa ra mức giá thiện chí hơn", Chủ tịch Vietcombank chia sẻ.

Trước đó, năm 2016, Vietcombank đã thương thảo bán gần 8% cổ phần cho Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (Government of Singapore - GIC), nhưng do vẫn còn những vướng mắc về giá phát hành nên thương vụ này đến nay vẫn đang chờ ý kiến từ cơ quan quản lý.

"Vietcombank được sự quan tâm của GIC là một điểm tích cực tuy nhiên theo định hướng của Chính phủ, việc thoái vốn của các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước phải thoả mãn một số điều kiện. Trong đó, giá mua phải không thấp hơn mệnh giá và giá thị trường tại thời điểm mua.

Trong đó, giá đưa ra của GIC chưa đáp ứng được những yêu cầu trên. Tuy nhiên, với kế hoạch kinh doanh trong năm 2017 đã có một số đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có cả GIC. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ đưa ra nhóm yêu cầu cụ thể đối với đối tác để có thể thu hút hơn các nhà đầu tư khác", ông Thành cho biết thêm.

Đề cập tới nội dung tài liệu họp có nói tăng vốn để chuẩn bị quá trình mua bán, sáp nhập (M&A), một cổ đông hỏi, Vietcombank đã có đối tác nào chưa? Về câu hỏi này, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho hay: Hiện tại, Vietcombank vẫn chưa lựa chọn được ngân hàng phù hợp với tiêu chí là vừa mở rộng mạng lưới, vừa có thế mạnh trong mảng mà Vietcombank chưa có như bán lẻ.

Tin bài liên quan