Thông tin Nam A Bank - Eximbank sẽ về chung nhà đã được đồn đoán từ giữa năm 2014 nhưng không thành

Thông tin Nam A Bank - Eximbank sẽ về chung nhà đã được đồn đoán từ giữa năm 2014 nhưng không thành

Vì sao một số thương vụ M&A ngân hàng bất thành?

(ĐTCK) Sau một loạt cặp đôi ngân hàng hoàn tất hợp nhất, sáp nhập (M&A) trong thời gian qua, nhiều thương vụ khác của các ngân hàng tưởng chừng sớm được thông qua và triển khai năm nay. Thế nhưng, trước những thông tin đưa ra gần đây, nhiều thương vụ M&A có thể khó thành.

Khó thành đôi

Hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc. Một loạt các thương vụ sáp nhập đã và đang trong quá trình thực hiện như các cặp đôi DaiABank - HDBank; Habubank - SHB; Westernbank - PVFC và mới đây nhất có MDB - MaritimeBank, MHB - BIDV, PGBank -VietinBank, Southern Bank - Sacombank. Ngoài ra, còn có các trường hợp bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng như VNCB, OceanBank hay GP.Bank. DongABank bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt…

Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít cặp đôi bất thành, dù trước đó các thông tin đưa ra đều gần như chắc chắn rằng cả hai ngân hàng sẽ về chung nhà. Chẳng hạn như thương vụ M&A của DongA Bank - ABBank.

Trước khi DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trên thị trường xuất hiện thông tin hai ngân hàng này sẽ sớm thực hiện M&A. Bởi DongA Bank có thương hiệu trên thị trường, song thời gian qua nợ xấu tăng cao, trong khi ABBank có tiềm lực tài chính, nợ xấu được kiểm soát, nhưng vị thế trên thị trường chưa được như DongA Bank.

Đó cũng là lý do để ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank đưa ra lời đề nghị sáp nhập sẽ giữ lại thương hiệu DongA Bank. Nhưng ông Trần Phương Bình, CEO DongA Bank đã gắn bó với Ngân hàng lâu năm, lại không muốn bị mất quyền kiểm soát mà hướng đến kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược trong hoặc ngoài nước. Tuy nhiên, khi kế hoạch trên chưa kịp thực hiện thì DongA Bank đã rơi vào kiểm soát đặc biệt và thông tin Tập đoàn Kinh Đô rót thêm 1.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Thương vụ sáp nhập Saigonbank - Vietcombank tưởng chừng nhanh chóng hoàn tất khi một lãnh đạo cấp cao trong ngành cho biết, phía Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về mặt chủ trương, phần còn lại thuộc về việc đàm phán giữa 2 nhà băng. Thế nhưng, cặp đôi này đã nhanh chóng chia tay khi cổ đông lớn của Saigonbank là UBND TP. HCM không đồng ý sáp nhập, cho dù lãnh đạo Saigonbank hiện nay đều đến từ Vietcombank.

Thông tin Nam A Bank - Eximbank sẽ về chung nhà đã được đồn đoán từ giữa năm 2014, nhất là khi 2 ứng viên ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới giai đoạn 2015 - 2020 lại đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ - nguyên Tổng giám đốc, và ông Trần Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc. Hai ứng viên này cùng thôi nhiệm tại Nam A Bank để ứng cử vào HĐQT Eximbank, đại diện cho hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank.

Giới kinh doanh, đầu tư, ngân hàng đã chờ đợi ĐHCĐ thường niên của Eximbank trong ngày 21/7 vừa qua để biết được thực hư. Thế nhưng, sau 3 tháng trì hoãn vì chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt vấn đề nhân sự, cổ đông của Eximbank vẫn chưa được bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, mặc dù nhiệm kỳ cũ đã hết. Việc này phải chờ một ĐHCĐ bất thường trong tháng 8, theo lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Theo nguồn tin đáng tin cậy từ Nam A Bank, ngân hàng này sẽ đi tiếp con đường tự tái cơ cấu theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt từ năm ngoái. Đồng thời, Nam A Bank cũng không có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác, bao gồm cả với Eximbank như đồn đoán trên thị trường lâu nay.

Liên quan đến đại diện ở Nam A Bank ứng cử vào HĐQT Eximbank, đầu tháng 7/2015 xuất hiện thông tin Vietcombank đã dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank (8,2% vốn) cho một cá nhân đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ. Tuy nhiên, trước ngày ĐHCĐ thường niên Eximbank, tại buổi Hội nghị nhà đầu tư tại Sở GDCK TP. HCM (17/7), đại diện Vietcombank đã phủ nhận thông tin này.

Đồng thời, trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, kết quả thanh tra Eximbank đã hoàn tất, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua số cổ phần Vietcombank nắm giữ ở Eximbank để có thể đưa nhân sự của cơ quan này vào điều hành, quản lý Eximbank. 

Tự tái cấu trúc?

Điều đó cũng có thể khiến dư luận hiểu rằng, thương vụ M&A đầy sóng gió giữa Nam A Bank - Eximbank sẽ không có hồi kết. Nam A Bank cho biết, sẽ tiếp tục tự tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt từ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank 6 tháng đầu năm nay đạt 188 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, với quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn khiêm tốn và trong đợt tăng vốn mới đây, Nam A Bank cũng chỉ mới huy động được hơn 2% vốn từ cổ đông, thì việc thực hiện đề án tự tái cấu trúc bằng chính nội lực đòi hỏi có sự nỗ lực lớn từ HĐQT, Ban điều hành.

Thực tế cho thấy, dù đã được chấp thuận đề án tự tái cấu trúc bằng nội lực, song những ngân hàng quy mô nhỏ khó tăng vốn điều lệ nhiều năm qua, nên khả năng tránh làn sóng M&A vẫn không dễ, nhất là khi toàn ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu.

Chẳng hạn, với Saigonbank, dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, song với khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank không dễ tăng vốn. Với mức vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 3.000 tỷ đồng, nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn của Saigonbank và việc tái cơ cấu cũng là bài toán khó giải.

Kế hoạch đưa ra cho năm 2015, Saigonbank tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, (tăng 920 tỷ đồng so với năm 2013) theo phương án đã trình ĐHCĐ thông qua. Kế hoạch này đã được Saigonbank đưa ra cho năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Vì thế, việc Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank như thông tin đưa ra được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này.

Hệ thống ngân hàng đang dần được sàng lọc bởi chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đã có không ít nhà băng yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất như: Ficombank, TinNghiaBank, DaiABank, Habubank, Mekongbank; SouthernBank và cả với MHB. Thậm chí, những nhà băng hoạt động thua lỗ, ăn thâm vào vốn đã phải bán lại 0 đồng như VNCB, OceanBank, GPBank.

Con số này đã dừng lại hay chưa thật khó có thể đoán định. Nhưng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngành trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, giảm số lượng xuống còn 20 ngân hàng trong hệ thống.

Do đó, theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính - ngân hàng, Đại học Mở TP. HCM, các ngân hàng nhỏ tốt nhất nên sớm tìm đối tác phù hợp để M&A nhằm tồn tại và phát triển. Bởi nhiều ngân hàng dù đã được phê duyệt đề án tự tái cấu trúc, nhưng sau khi hết thời hạn cho phép, nếu vẫn chưa hoàn tất được việc tự tái cơ cấu cũng phải tiến hành sáp nhập, hợp nhất.

Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang giai đoạn thực hiện đề án tự tái cấu trúc được kể đến đó là VietABank, Kienlongbank, NamA Bank, Bac A Bank, NCB, ABBank… Các nhà băng này đã và đang ra sức đẩy mạnh tái cấu trúc bộ máy hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường.

Thế nhưng, để thực hiện được mục tiêu tự tái cơ cấu bằng nội lực không hoàn toàn dễ như kỳ vọng ban đầu. Trong đó, vấn đề được quan tâm chính là tăng vốn điều lệ để nâng cao tiềm lực cạnh tranh, nhưng nhiều ngân hàng đã thất bại. VietABank, 3 năm liền chưa tăng được vốn từ mức hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Kienlongbank vốn chỉ mới đạt 3.000 tỷ đồng, dù đã có Tập đoàn Đồng Tâm tham gia vào ghế “nóng”.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kienlongbank cho biết, sẽ sớm tính đến việc thu hút vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh của Kienlongbank trên thị trường. Song từ thực tế cho thấy, nhà băng này đã không dễ đạt được mục tiêu, bởi hoạt động có những khó khăn nhất định, giá cổ phiếu ngân hàng sa sút khiến cổ đông không còn mặn mà góp vốn.

Trong khi đó, lợi nhuận của các nhà băng nhỏ đạt được các năm gần đây khá khiêm tốn, khó đủ trích dự phòng rủi ro khi nợ xấu tăng cao. Năm 2014, VietA Bank chỉ đạt 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 39% chỉ tiêu đưa ra. Nợ xấu VietA Bank cuối năm 2014 được kiểm soát ở mức 2,33%, nhưng vẫn tăng đến 81% so với năm 2013 đã khiến lợi nhuận thu hẹp dần. Saigonbank nợ xấu đến cuối năm 2014 là dưới 5%. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm 2015 giảm đến 78% so với năm trước.

Do đó, việc các ngân hàng nhỏ có hoàn thành được kế hoạch tăng vốn và tự tái cấu trúc bằng chính nội lực hay không vẫn là dấu hỏi lớn.

Tin bài liên quan