Sau nhiều năm trình kế hoạch tăng vốn, vốn điều lệ của VietABank vẫn dừng ở con số trên 3.000 tỷ đồng

Sau nhiều năm trình kế hoạch tăng vốn, vốn điều lệ của VietABank vẫn dừng ở con số trên 3.000 tỷ đồng

Vì sao kế hoạch tăng vốn một số ngân hàng bất thành nhiều năm?

(ĐTCK) Cùng với sự sụt giảm của chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết không chỉ giảm mà còn đứng trước áp lực tái cơ cấu. Vì thế, kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng dù đã được ĐHCĐ thông qua nhiều năm nhưng vẫn khó được triển khai, kể cả với tăng vốn từ nguồn thặng dư để chia cổ phiếu thưởng và trả cổ tức cho các cổ đông.

Sau nhiều năm trình ĐHCĐ thông qua, đến nay, VietABank vẫn chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng thông qua việc chi trả cổ tức. Tại ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, HĐQT VietABank có giải trình về vấn đề này, nhưng vẫn trình phương án tăng thêm vốn.

Kế hoạch VietABank đưa ra năm qua là sẽ tăng vốn từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 - 4.000 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành và chào bán ra công chúng 90,2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, do thị trường khó khăn nên Ngân hàng quyết định mức tăng vốn điều lệ chỉ ở mức 402 tỷ đồng, từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, thay vì lên 4.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, HĐQT VietA Bank cho biết, Ngân hàng cũng chỉ mới trình hồ sơ tăng vốn lên NHNN vào đầu tháng 4/2015. Nếu được NHNN và UBCK chấp thuận, VietABank dự kiến sẽ thực hiện tăng vốn vào cuối quý II/2015, nhưng còn phụ thuộc vào tình hình thị trường.

Chưa biết có triển khai được kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng, nhưng HĐQT VietABank tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ đợt 2/2015 và định hướng tăng vốn điều lệ đến năm 2016. Cụ thể, VietABank sẽ tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2015. Đến năm 2016, vốn điều lệ của VietABank dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng. HĐQT VietABank cho rằng, việc tăng vốn điều lệ nhằm nâng quy mô và chất lượng tài sản, tăng cường khả năng đầu tư, tạo điều kiện để Ngân hàng phát triển mạng lưới hoạt động.

Hiện cả thị trường chỉ còn khoảng 5 ngân hàng có mức vốn điều lệ chỉ bằng vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, trong đó có VietABank, nên mặc dù đã được chấp thuận đề án tự tái cấu trúc, song thách thức vẫn còn ở phía trước.

Giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm, trong khi nhu cầu tăng vốn của nhà băng lại gia tăng những năm gần đây, nhất là trước làn sóng M&A và đẩy mạnh tái cấu trúc ngành. Vì thế, không ít kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng đã phải trì hoãn trong nhiều năm liền.

DongA Bank là một điển hình. Mặc dù vốn điều lệ đã được tăng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012, nhưng với kỳ vọng nâng cao tiềm lực tài chính, sức cạnh tranh, nhà băng này tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngay sau ĐHCĐ 2012, HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và được NHNN, UBCK chấp thuận. Song đến cuối năm 2013 (ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực), tổng số tiền cổ đông đã nộp và cam kết sẽ nộp vẫn chưa đủ, nên cổ đông đã đề nghị HĐQT DongA Bank cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu, với tổng số tiền nộp đạt khoảng 700 tỷ đồng.

Theo lý giải HĐQT DongA Bank, năm 2013, nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nên việc mời gọi cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần gặp nhiều khó khăn, kế hoạch tăng vốn vì thế chưa thể hoàn thành. 

Tuy nhiên, DongA Bank đã phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư vào cuối năm 2014 theo công văn yêu cầu của UBCK khi thời hạn tăng vốn hết hiệu lực và đến nay, Ngân hàng vẫn chưa tái triển khai kế hoạch trên. Kế hoạch thu hút vốn ngoại của DongA Bank cũng chưa thể thực hiện trong nhiều năm qua với lý do chưa tìm được đối tác phù hợp.

Tăng vốn để tăng năng lực tài chính là cần thiết đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, nhưng để triển khai được kế hoạch này trước diễn biến thị trường khó khăn, áp lực tái cấu trúc và M&A là không dễ.

Trên thị trường, không chỉ VietA Bank, DongA Bank thất bại trong việc tăng vốn điều lệ, nhiều ngân hàng khác cũng ở trong tình cảnh này như SaigonBank, Navibank… Trong đó, SaigonBank đang đối mặt với nguy cơ sáp nhập.

Theo nhiều đốn đoán gần đây, SaigonBank có thể sẽ về chung một nhà với Vietcombank. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên SaigonBank cuối tháng 4/2015, HĐQT nhà băng này vẫn chưa trình kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác. Điều này đã khiến không ít cổ đông của nhà băng bức xúc vì cho rằng, với quy mô hiện nay và năng lực cạnh tranh trên thị trường còn yếu, SaigonBank khó có thể phát triển mạnh. 

Tin bài liên quan