Vì sao công ty tài chính ngại kiện khách ra Tòa?

Vì sao công ty tài chính ngại kiện khách ra Tòa?

(ĐTCK) Các công ty tài chính (CTTC) nên dựa vào cơ chế trọng tài để xử lý các tranh chấp, do theo trình tự tố tụng trọng tài không nhất thiết mọi trường hợp phải có yêu cầu của bị đơn. 

Trong khi về nguyên tắc, phán quyết của trọng tài được thi hành không khác gì bản án của tòa án. Đây là chia sẻ của luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO khi trao đổi với ĐTCK. 

Hiện các CTTC rất khó khăn trong việc kiện khách hàng ra tòa hay kiện ra tòa xong lại bị tạm đình chỉ. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Thứ nhất, thủ tục tố tụng tại tòa án dựa vào các quy định của Bộ luật Tố tụng thực hiện theo các giai đoạn xét xử: thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải, thẩm tra, thẩm định xét xử, sau đó mới là xét xử. Bên cạnh đó, từ khâu tòa thụ lý vụ án cho đến khi đưa ra xét xử đều phải có mặt đương sự, đó là nguyên tắc không thay đổi. Trong trường hợp không triệu tập được đương sự, về nguyên tắc tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến lúc tìm được địa chỉ, thông tin triệu tập đương sự.

Trong khi với hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, việc xác minh địa chỉ không quá khắt khe như những khoản vay thông thường tại ngân hàng với nhiều thủ tục phức tạp, dẫn đến CTTC thường gặp khó trong vấn đề liên quan đến tố tụng.

Thứ hai, trách nhiệm chứng minh trong vụ án thuộc về đương sự.

Thứ ba, không phủ nhận thực tế là phía tòa án đã không nỗ lực phối hợp cùng CTTC trong việc tìm địa chỉ của đương sự, mà nguyên nhân một phần bởi các vụ tranh chấp của CTTC có giá trị rất nhỏ. Do đó, tòa án thường đơn giản là tiến hành tạm đình chỉ cho đến khi tìm được địa chỉ mới của đương sự. Chưa kể, một trong những hướng dẫn là khi chưa lấy được lời khai của một bên đương sự thì qua thời hạn giải quyết, hết thời gian, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ. Đây là rủi ro về mặt tố tụng

Vì sao công ty tài chính ngại kiện khách ra Tòa? ảnh 1

Luật sư Trần Minh Hải  

Với các phân tích như trên, có vẻ như các CTTC đang đi vào ngõ cụt, không có lối thoát?

Không hẳn như vậy, theo tôi có thể chuyển dần sang cơ chế trọng tài thay vì tòa án để giải quyết xung đột pháp lý. Bởi về nguyên tắc, đây là những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại, tiêu dùng mà về thẩm quyền trọng tài có thể giải quyết theo luật trọng tài thương mại. Theo trình tự tố tụng trọng tài không nhất thiết mọi trường hợp phải có yêu cầu của bị đơn, vì đây là quyền và nghĩa vụ của bị đơn mà bị đơn không có mặt trọng tài cũng có thể ra được phán quyết. Về nguyên tắc, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, được thi hành không khác gì bản án của tòa án.Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các bên cần phải có thỏa thuận về cơ chế trọng tài. Lưu ý, thỏa thuận trọng tài hiện nay không đòi hỏi bắt buộc như trước đây phải ghi rõ trung tâm trọng tài nào mới được công nhận.

Vậy tại sao giải pháp trọng tài này chưa được phổ biến rộng rãi?

Có 2 lý do: yếu tố lịch sử và tâm lý.

Lịch sử là trước đây, giải quyết theo pháp lệnh của trọng tài có điểm “lố bịch” là phán quyết của trọng tài ra rồi, chỉ cần một trong các bên không đồng ý là có quyền mang ra tòa kiện lại, khiến cho vai trò của trọng tài không khác gì trò đùa. Điều đó đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nên mọi người đều nghĩ trọng tài vẫn như vậy. Thời kỳ tiếp theo, cơ chế giải quyết quá phức tạp khi yêu cầu sai một câu, một từ là thỏa thuận vô hiệu nên rất dễ đánh bại tính có hiệu lực của trọng tài.

Lãi suất các CTTC đang cho khách hàng vay luôn luôn vượt quá giới hạn của Bộ luật Dân sự.

Theo pháp lệnh cũ, mọi người cảm thấy rất khó khăn trong việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, do lo ngại phán quyết của trọng tài có thể bị tòa án xét xử lại, tuyên bác bỏ. Cùng với tâm lý như vậy và việc tuyên truyền chưa thực sự được đẩy mạnh nên các bên chưa quen với việc sử dụng trọng tài.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có thay đổi căn bản ở chỗ khi trong giao dịch, hợp đồng các bên có nhắc đến trọng tài thì tòa án không có quyền giải quyết mà phải ra trọng tài. Bên cạnh đó, trọng tài đã xử xong, có thể mang ra thi hành án và tòa án không có quyền xử lại. Chỉ có trường hợp thỏa thuận của trọng tài có dấu hiệu vi phạm tố tụng thì tòa án mới xử lại, nhưng thực tế điều này rất khó xảy ra.

Thế nhưng trở ngại hiện nay chưa vượt qua được là các bên tham gia giao dịch vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế trọng tài thương mại nên về mặt tâm lý vẫn e dè với cơ chế này.

Có những trường hợp tòa án ra quyết định tạm đình chỉ do chưa nhận được phản hồi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc đánh giá chính sách về lãi suất mà các CTTC áp dụng với khách hàng. Về vấn đề này, ông có bình luận gì?

Đây lại là câu chuyện rủi ro về pháp lý. Trên thực tế, hiện tồn tại những mâu thuẫn giữa các văn bản quy định pháp luật. Theo Bộ luật Dân sự, chương về hợp đồng vay tài sản quy định, trong mọi trường hợp, tại hợp đồng vay tài sản trong lĩnh vực dân sự, các bên có thể thỏa thuận với nhau về lãi suất nhưng mức lãi suất tối đa không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, đây là quy định tréo ngoe và hoàn toàn không phù hợp với lĩnh vực tín dụng.

Lãi suất các CTTC đang cho khách hàng vay luôn luôn vượt quá giới hạn của Bộ luật Dân sự.

Nguyên nhân do đâu? Thứ nhất, thực tế, CTTC tuân theo nguyên lý thị trường, quan hệ thỏa thuận tự do, tự nguyện giữa CTTC và khách hàng, hai bên do cung - cầu quyết định lãi suất chứ không phải là một văn bản pháp luật nào. Thứ hai, theo thông lệ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn ở mức cao mà không chịu trần giới hạn lãi suất cơ bản. Trong thanh kiểm tra, NHNN cũng hạn chế tối đa việc xem xét đây là những hành vi sai phạm. Tuy nhiên, khi tòa án xử, việc áp dụng Bộ luật Dân sự là tối thượng, sau đó mới tính đến những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, công văn…

Do vậy, nhiều tòa án sẽ mặc nhiên tuyên mức lãi suất phạm luật là vô hiệu, không cần tham vấn ý kiến NHNN hoặc áp dụng giải pháp tạm đình chỉ.

Vấn đề ở đây cho thấy, ngoài việc áp dụng luật, một số tòa án còn cân nhắc đến thực tiễn ngành ngân hàng. tòa án đã phải tham vấn ý kiến NHNN về vấn đề lãi suất và tạm đình chỉ khi quá thời hạn chuẩn bị xét xử mà chưa nhận được ý kiến của NHNN. Để giải quyết rủi ro pháp lý về lãi suất, NHNN phải chủ trì, sớm xây dựng và bổ sung ngay vào Luật Các tổ chức tín dụng những quy định cho phép lĩnh vực ngân hàng có giới hạn riêng về lãi suất. Điều mà đến bây giờ NHNN vẫn chưa thực hiện được.

Ông có cho rằng, sự im lặng của NHNN là quá lâu?

Đúng vậy, việc này xuất phát từ những bức xúc trong thực tiễn từ lâu, nên Bộ luật Dân sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2017) đã phải nới biên độ về trần lãi suất lên không quá 20%/năm, thay vì 150% lãi suất cơ bản so với hiện nay (tương đương 13,5%/năm), đồng thời đưa ra quy định, trừ trường hợp luật có quy định khác. Việc quy định như vậy vẫn là cứng nhắc, song do đây là Bộ luật Dân sự quy định nên tối thiểu phải có văn bản luật do Quốc hội ban hành mới có thể áp dụng riêng biệt được.

Vì vậy thị trường trông đợi vào Luật Các tổ chức tín dụng trong khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 hiện nay vẫn chỉ có một câu “lãi suất áp dụng theo quy định của pháp luật”, nghĩa là lại viện dẫn đến Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, ngành ngân hàng đã và đang chỉ đạo dưới luật. Muốn khắc phục tình trạng này chỉ có con đường luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng.

Về vấn đề này, NHNN đã để trôi qua quá lâu dẫn đến các sự việc của CTTC vẫn còn kéo dài và sẽ tiếp diễn. Đó là chưa kể Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực vào ngày 1/1/2017) đã quy định nếu cho vay gấp 5 lần lãi suất pháp luật quy định sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi, theo đó, nếu không sửa nhanh sẽ còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn.

Tin bài liên quan