Sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang trên đà được cải thiện, nhưng cần xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển trong dài hạn

Sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang trên đà được cải thiện, nhưng cần xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển trong dài hạn

VBF 2016: Tạo nền móng phát triển của hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) Thay đổi lớn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 là kiến nghị mang tính kỹ thuật đã dừng lại và nhường chỗ cho các chủ đề lớn. Đặc biệt, đó là những đề mục nếu giải quyết được sẽ góp phần tạo nền móng phát triển cho hệ thống ngân hàng.

BWG: Xây dựng nền tảng bền vững từ ngày hôm nay

Một thành viên của Nhóm công tác ngân hàng (BWG) thuộc cho biết, chương trình năm nay, VBF tập trung theo chủ đề lớn, chứ không đi theo sự vụ của từng nhóm công tác.

Với BWG, những nội dung mà nhóm chuyển tải tại VBF 2016 là kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài như thế nào; làm thế nào giúp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng với doanh nghiệp nước ngoài; làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hội nhập tốt hơn như nắm bắt thông tin về kinh tế vĩ mô hay thị trường các nước, hoặc mô hình quản trị rủi ro doanh nghiệp...

BWG cũng đưa ra một số vấn đề, không phải là sự vụ, nhưng nếu giải quyết được sẽ góp phần tạo nền móng phát triển vững mạnh hơn cho hệ thống ngân hàng.

Chẳng hạn, chuẩn lãi suất đường cong ngắn hạn, đây là vấn đề nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được. Hay hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm trên thị trường tiền tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động trên cơ sở tận dụng những nguồn tiền thừa/thiếu ở từng đơn vị thành viên, thay vì doanh nghiệp thành viên thừa/thiếu tiền đi gửi/vay ngân hàng sẽ không hiệu quả.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là vấn đề cần được đẩy mạnh. Thực tế cho thấy, riêng các giao dịch về ngoại hối, chứng từ khách hàng nộp lên cho ngân hàng có số lượng rất lớn, có khi lên đến 10 thùng giấy. Chi phí doanh nghiệp tập trung giấy tờ, rồi ngân hàng phải kiểm tra rõ ràng đã tạo ra chi phí lớn cho nền kinh tế. Việc tận dụng kênh có sẵn như hải quan với thông tin cơ bản về hóa đơn thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí lớn cho doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế.

“Ngoài xử lý những vấn đề cấp bách trước mắt như nợ xấu, tôi tin là tất cả các thành viên trong hệ thống mong muốn Ngân hàng Nhà nước xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển trong dài hạn của ngành ngân hàng và phải bắt đầu từ ngày hôm nay”, thành viên của BWG nói. 

Korcham: Đề xuất ngân hàng được cho vay đảo nợ

Liên quan đến vấn đề cho vay trong hệ thống ngân hàng, ông Han Dong-Hee, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, Điều 10, Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất - kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thỏa thuận về thời hạn cho vay.

Mặc dù vậy, không có điều khoản cụ thể nào trong Quy chế quy định về việc gia hạn và trả nợ khoản vay. Trong khi đó, trên thực tế có những doanh nghiệp thực hiện vay thêm để trả khoản nợ trước đó, gọi là đảo nợ.

Về vấn đề này, Điều 9.2, Quy chế quy định, các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp quy của cơ quan này không có có quy định riêng và cụ thể về đảo nợ, mà chỉ được quy định mang tính nguyên tắc trong các công văn hay chỉ thị. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức tín dụng cho vay để đảo nợ.

“Chúng tôi cho rằng, việc cấm cho vay để đảo nợ là nhằm mục đích ngăn chặn hiện tượng gọi là “cướp Peter để trả Paul”. Các doanh nghiệp vay tiền một cách liều lĩnh và mạo hiểm có thể dẫn đến phá sản, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng việc cấm đảo nợ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Han Dong-Hee nói.

Đại diện Korcham đề xuất, các quy định về đảo nợ nên được áp dụng với đối tượng là ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, đề nghị cho phép sử dụng 50% khoản vay để thanh toán nợ.

Quy định về đảo nợ không cần thiếp áp dụng với ngân hàng nước ngoài vì các ngân hàng này có các công cụ an toàn khi gia hạn khoản vay, trên cơ sở xem xét tổng mức tín dụng của công ty mẹ bên Hàn Quốc và công ty con ở Việt Nam, xem xét các yếu tố như xếp hạng tín dụng, khả năng trả nợ, kế hoạch kinh doanh tại thời điểm đánh giá khoản vay.

Tin bài liên quan