Xu hướng tăng ngắn hạn của vàng đã trở lại, nhưng vẫn còn yếu

Xu hướng tăng ngắn hạn của vàng đã trở lại, nhưng vẫn còn yếu

Vàng có cơ hội khi Fed giữ nguyên lãi suất

(ĐTCK) Sau hai ngày “cắm chốt” chờ kết quả cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), rạng sáng ngày 22/9, giá vàng thế giới đã bật tăng mạnh trước quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng đô-la Mỹ của Fed.

Thực tế, giá vàng đã tăng phiên thứ 2 liên tiếp trong khi chờ đợi kết quả phiên họp, bởi kỳ vọng lãi suất sẽ được giữ nguyên. Và mọi việc đúng như dự đoán, phản ứng từ thị trường cũng không quá mạnh mẽ sau quyết định không điều chỉnh lãi suất đồng USD trong tháng 9 này của Fed.

Theo đó, mức lãi suất cơ bản vẫn là 0,5%/năm. Tuy nhiên, Fed cho biết, vào thời điểm cuối năm, họ có thể sẽ tăng lên 0,6%/năm. Trước đó, Fed dự kiến con số này là 0,9%/năm. Vì vậy, giá vàng phản ứng nhẹ với thông tin này, mức giá dao động quanh mốc 1.330 – 1.334 usd/ounce.

Phiên giao dịch châu Á hôm 21/9 chứng kiến giá vàng ở mức thấp hơn khá nhiều so với hiện nay. Rõ ràng, một khi lãi suất đồng USD tăng thì vàng sẽ bớt hấp dẫn, ngược lại, các nhà đầu tư sẽ tăng găm giữ vàng khi lãi suất không tăng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, lãi suất cơ bản đồng USD và vàng luôn diễn biến trái chiều nhau. Một khi Fed giữ nguyên lãi suất, vàng sẽ có cơ hội tăng, bởi kim loại quý này luôn được xem là “tài sản trú ẩn” an toàn khi thị trường tài chính biến động.

Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) – ông Trần Thanh Hải cho rằng, thực tế, giá vàng đã chịu tác động bởi các thông tin của đến Fed từ trước đó, chứ không đợi đến khi có kết quả cuộc họp. Do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn nắm giữ vàng, bởi dư địa vàng tăng giá vẫn còn, dù không kỳ vọng có “sóng lớn” khi áp lực tăng lãi suất của Fed vào cuối năm vẫn cao.

Được biết, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 1,1%/năm trong năm 2017, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,6%/năm được dự báo trong tháng 6 vừa qua. Một thông tin quan trọng khác được Chủ tịch Fed – bà Janet Yellen đưa ra trong buổi họp báo, đó là điểm lãi suất cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử Mỹ. Trong khi trước đó, báo chí đều cho rằng, nếu ông Trump thắng cử Tổng thống, ông sẽ đưa ra kế hoạch kinh tế của riêng mình, trong đó hứa hẹn nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 2% lên 3,5%, tạo thêm 25 triệu việc làm…

Vì vậy, khi Fed loại bỏ ảnh hưởng của kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ bớt chú ý đến cuộc bỏ phiếu chính trị quan trọng bậc nhất thế giới này, mà sẽ tập trung hơn vào hướng điều hành của Fed về lãi suất đồng USD và tình hình tài chính của nền kinh tế Mỹ.

Một khi Fed tăng lãi suất, đồng bạc xanh sẽ được hỗ trợ tích cực, khiến vàng chịu áp lực lớn. Đồng thời, khi USD tăng giá, không chỉ có vàng, mà các hàng hóa khác cũng sẽ giảm, do nhà đầu tư sẽ “buông” dần các công cụ đầu tư khác để trở lại với USD. Việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo và nhiều chuyên gia cho rằng, tác động từ động thái này nếu có xảy ra cũng đã được phản ánh vào biến động giá vàng giảm thời gian qua.

Thực tế cho thấy, vàng đã chịu tác động mạnh kể từ khi Fed đưa ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất. Giá vàng liên tục đi xuống trong thời gian khá dài và khiến nhiều người bất ngờ bởi mức giảm quá mạnh. Nhưng theo quy luật, một khi đồng USD tăng giá và giá dầu giảm, vàng sẽ chịu sức ép đi xuống.

Tuy nhiên, giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, ngay cả khi giá vàng vẫn theo đà giảm trước áp lực đồng USD tăng và giá dầu giảm. Bởi khả năng giá vàng sẽ vẫn trong xu thế giảm những tháng tiếp theo và chịu tác động lớn khi Fed tăng lãi suất trong quý IV. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét thị trường và chờ đợi thêm một thời gian nữa.

Mặt khác, theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, bỏ vốn vào mặt hàng kim loại quý này trong bối cảnh hiện nay, để kỳ vọng vàng “bật” mạnh là rất khó. Đáng chú ý, khi lạm phát toàn cầu đang dần được kiểm soát và sức mua vàng của giới đầu tư yếu dần để quay trở lại với đồng USD, cũng sẽ khiến vàng giảm thêm. Giá vàng khá “nhạy cảm” với việc lãi suất của Mỹ tăng, sẽ làm tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ tài sản không sinh lời này, trong khi thúc đẩy đồng USD, đồng tiền được dùng để định giá vàng.

Phân tích kỹ thuật của giới kinh doanh vàng cho thấy, xu hướng tăng ngắn hạn đã trở lại, nhưng vẫn còn yếu. Ngưỡng kháng cự gần nhất là điểm cao nhất trong tuần này: 1.321,8 usd/ounce và sau đó là 1.325 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là mức thấp nhất 1.309,2 USD/ounce và tiếp theo là mức thấp nhất trong tháng 9: 1.305,5 USD/ounce. Giá vàng giao ngay hiện đang ở mức 1.315 USD/ounce.   

Tin bài liên quan