Người dân chen nhau mua vàng ngày Vía Thần tài

Người dân chen nhau mua vàng ngày Vía Thần tài

Vàng “chôn” trong dân và nền kinh tế khát vốn

(ĐTCK) Giá vàng năm 2016 được dự báo suy giảm trong nửa đầu năm và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất cơ bản đồng USD.

Mua vàng đem về nhà cất

Quy định người dân không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng, ngân hàng sẽ thu phí khi giữ hộ vàng, việc mua bán vàng miếng trở nên khó khăn hơn kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành đã phần nào thu hẹp thị trường vàng miếng.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong dân vẫn lớn và lượng vàng tích trữ của người tiêu dùng từ trước đến nay là rất cao. Vàng là một loại hàng hóa không chỉ người dân ưa thích tích trữ, mà các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng ưa thích tích trữ bên cạnh dự trữ ngoại hối.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có một thống kê chính xác nào về lượng vàng đang nằm “chết” trong dân, song thời điểm vào đầu năm 2015, đã có một con số ước tính vào khoảng 300 - 500 tấn vàng. Từ giữa năm 2011, thời điểm các ngân hàng thương mại “nhận lệnh” ngừng huy động và cho vay vàng, người dân phần lớn đem vàng về nhà cất. Từ đó đến nay, rất nhiều ý kiến đề nghị nên sớm nghiên cứu huy động trở lại nguồn lực này để đưa vào lưu thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chỉ là ý tưởng đề xuất của các chuyên gia.

Rất nhiều lần Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị cần có phương án huy động vàng trong dân, nhưng các nhà quản lý vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều phương án huy động vàng cũng được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và ngân hàng thương mại đề xuất trong vài năm qua. Chẳng hạn, mở sàn vàng quốc gia, tạo ra chợ giao dịch tập trung cho người dân tự do buôn bán để giá vàng trong nước liên thông theo giá quốc tế, Nhà nước chỉ quản lý thông qua thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định chính sách dừng huy động vàng.

Việc người dân mua vàng xong đem về nhà cất sẽ không tốt cho nền kinh tế. Đáng chú ý là vào những thời điểm giá vàng tiệm cận 33 triệu đồng/lượng, sức mua tăng rất cao.

Dù mãi lực vàng trong nước không còn mạnh như trước đây, nhưng nhu cầu về vàng, nhất là nữ trang vẫn tăng khoảng 15 - 20%/năm. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, kể từ khi Nghị định 24 ra đời, hoạt động kinh doanh vàng miếng của các DN có phần hạn chế, người mua cũng không còn thực hiện dễ dàng như trước, do mạng lưới kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp.

Chỉ tính riêng địa bàn TP. HCM, từ con số hơn 200.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng lúc cao điểm, đến nay chỉ còn hơn 12.000 điểm kinh doanh.

Một số cửa hàng kinh doanh vàng F1 cũng phải đóng cửa. Một phần, do cả mua và bán vàng miếng đều khó khăn. NHNN không còn tổ chức đấu thầu vàng như trước, việc xuất - nhập khẩu vàng cũng không còn được mở cửa, nên không chỉ người dân mà ngay cả DN lĩnh vực vàng cũng khó mua được vàng trên thị trường, nên không có nguồn bán ra.

Vàng “chôn” trong dân và nền kinh tế khát vốn ảnh 1

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) 

Trong khi đó, tập quán giữ vàng của người dân châu Á, trong đó có Việt Nam đã có từ lâu và chưa hề phai nhạt. Điều đáng nói là khi Nhà nước hạn chế điểm bán vàng miếng, thị trường đã xuất hiện những hình thức kinh doanh vàng khá rủi ro khác để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, thị trường đã xuất hiện vàng SJC giả hiệu để đáp ứng lỗ hổng thiếu vàng SJC.

Điều này khiến người mua chịu nhiều rủi ro khi mua các loại vàng nguyên liệu không thương hiệu và chất lượng không được kiểm soát nghiêm túc.

Đáng lẽ phải có thời gian để thuyết phục người dân chuyển đổi qua các kênh đầu tư khác thay thế cho vàng, thay vì dùng các biện pháp hành chính can thiệp thị trường như hiện nay.

Cầu tích trữ vẫn lớn

Trên thế giới, vàng vẫn được các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào để dự trữ bên cạnh dự trữ ngoại hối. Đáng chú ý là khi khủng hoảng xảy ra, vàng vẫn được quan tâm, các nhà đầu tư luôn xem kim loại quý này là công cụ trú ẩn tốt. Thực tế, ngay cả khi lạm phát xuống ở mức thấp, vàng vẫn là tài sản được nhiều người quan tâm. Con số 70 tấn vàng Việt Nam tiêu thụ trong năm 2014 mà Hội đồng Vàng thế giới đưa ra cũng phần nào cho thấy, mãi lực của người dân vẫn luôn ở mức cao.

Con số này có thể không hoàn toàn chính xác, vì trong thời gian qua, Việt Nam không nhập vàng, nhưng điều này cho thấy, có một lượng không nhỏ vàng lậu được đưa vào thị trường Việt Nam, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vàng “chôn” trong dân và nền kinh tế khát vốn ảnh 2

Nhu cầu vàng nữ trang tăng bình quân khoảng 15 - 20%/năm 

Trong bối cảnh hiện nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và dự kiến sẽ còn tăng lãi suất cơ bản đồng USD, kéo theo sức khỏe đồng bạc xanh mạnh lên,  vàng sẽ yếu thế hơn. Các nhà đầu tư bắt đầu buông những loại hàng hóa khác, trong đó có vàng để quay trở lại với đồng USD, nên giá kim loại quý này khó có cơ hội bật lên trong trung hạn. Xu hướng của thị trường lâu nay cho thấy, một khi đồng USD tăng lên, các nhà đầu tư sẽ buông các công cụ đầu tư khác, trong đó có vàng để quay trở lại với đồng bạc xanh.

Fed sau khi tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,25% sau gần 1 thập kỷ duy trì lãi suất thấp, cơ quan này còn cho biết, sẽ nâng dần lãi suất trong thời gian tới và điều này sẽ gây áp lực lên giá vàng.

Tuy nhiên, việc đó không có nghĩa là nhà đầu tư nên hoàn toàn quay lưng với vàng mà nên theo dõi đến khi giá giảm xuống mức kỳ vọng để mua vào.

Cơ hội khi giá giảm

Đồng USD vẫn đang tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi có thêm một quan chức Fed lên tiếng ủng hộ việc tăng lãi suất vào tháng 4/2016. Mặc dù Fed trì hoãn việc nâng lãi suất bởi những lo ngại về rủi ro từ bên ngoài, nhưng những yếu tố cơ bản của kinh tế Mỹ vẫn đang khá vững chắc, nên hành động của Fed chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi nền kinh tế Mỹ ổn định, đồng USD tăng giá và đồng NDT giảm giá sẽ là những áp lực khiến vàng tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Chỉ tính riêng địa bàn TP. HCM, từ con số hơn 200.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng lúc cao điểm, đến nay chỉ còn hơn 12.000 điểm kinh doanh

Thực tế, vàng đã chịu tác động tiêu cực kể từ khi Fed đưa ra động thái sẽ tăng lãi suất. Giá vàng liên tục đi xuống trong thời gian dài vừa qua. Mặc dù đã chịu tác động lớn từ những động thái ban đầu của Fed, song nếu thực sự cơ quan này tiếp tục tăng dần lãi suất trong thời gian tới, khả năng vàng sẽ còn bị ảnh hưởng mạnh trong ngắn hạn và đà giảm chưa dừng trong trung hạn. Nhà đầu tư cần thận trọng khi nghĩ đến việc bỏ vốn vào vàng trong thời gian tới, bởi trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng vàng “bật” lên là rất khó.

Đáng chú ý, tình hình lạm phát toàn cầu đang dần được kiểm soát ở mức thấp. Mãi lực vàng của giới đầu tư trên thế giới yếu dần khi nhà đầu tư quay trở lại với USD và buông lơi kim loại quý.

Khả năng trong năm 2016, giá vàng khó có thể tăng cao và không có “sóng” lớn. Đợt “sóng” của vàng trong tháng 3/2016 có thể nói là một cơn sóng “lạ”, xuất phát từ những điều kiện địa chính trị trên thế giới hơn là tình hình kinh tế, bởi nền kinh tế đầu tàu là Mỹ vẫn đang có diễn biến tốt. Về cơ bản, vàng khó có các yếu tố hỗ trợ để bật mạnh trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, khả năng vàng vẫn xoay quanh mức giá  hiện nay, trên dưới 1.200 USD/ounce và khó kỳ vọng tạo sóng trong nửa cuối năm. Nguyên nhân, một khi Fed tăng lãi suất thì không chỉ có vàng, mà tất cả các loại hàng hóa đều chịu áp lực giảm theo, song vàng sẽ khó giảm sâu so với cột mốc trên và các nhà đầu tư lớn sẽ không “buông” vàng. Ngược lại, đây vẫn được xem là một công cụ bảo toàn vốn mà nhiều người lựa chọn. Còn đối với người dân, nhất là ở các nước khu vực châu Á, thói quen giữ vàng sẽ không dễ gì giũ bỏ trong một sớm một chiều, nên sẽ tìm cơ hội mua vào khi vàng xuống giá.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)
Tin bài liên quan