Năm 2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) - VAMC thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao là 22.000 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016. Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng (307.932 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, VAMC cũng đặt mục tiêu hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng. Đây là những mục tiêu được đánh giá là rất tham vọng.
Nghị quyết 42 không phải là tất cả
Được biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết. Cụ thể, NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 19/7/2017, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 42 trong đơn vị của mình với lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm tính khả thi, kịp thời.
Ngay sau đó, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN, quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC cần thực hiện để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058.
Để từng bước hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với Nghị quyết 42. NHNN cũng đã có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết 42.
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai thực hiện và quán triệt Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống. Căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 phù hợp từng thời kỳ. NHNN cũng tăng cường chỉ đạo VAMC triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC...
"Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã thu được những kết quả tích cực ban đầu, tạo kỳ vọng các TCTD tự chủ nhiều hơn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn nhất định. Một số bộ, ngành chưa ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Nghị quyết 42 nên chưa có sự triển khai đồng bộ, cũng như phối hợp từ các ngành, các cấp”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.
Theo vị lãnh đạo này, các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác, hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Một số cơ quan chức năng ở nhiều nơi chưa phối hợp, chưa tham gia cùng ngân hàng vì chưa có hướng dẫn để phân công trách nhiệm. Nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản vẫn khó xử lý do việc trả nợ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm.
"Chẳng hạn, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án. Trong khi đó, dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý.
Việc xử lý phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng khó khăn. Một ví dụ khác, khách hàng thế chấp dự án đầu tư, tuy nhiên các dự án đầu tư chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện để áp dụng Điều 10 của Nghị quyết 42 về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản", vị lãnh đạo trên nêu ví dụ.
Đối với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện áp dụng biện pháp thu giữ, bán nợ hoặc áp dụng thủ tục rút gọn, theo vị lãnh đạo này, ngân hàng buộc phải khởi kiện theo trình tự thông thường. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số khoản vay, khách hàng của TCTD có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử nên việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ cần phải được có sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Mặc dù Tòa án nhân tối cao đã có công văn số 152/TANDTC-PC ngày 19/7/2017 hướng dẫn tòa án các cấp giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, nhưng thực tế, vẫn cần có hướng dẫn của cơ quan này về việc áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa.
Việc xử lý vụ án, xử lý tài sản thường mất nhiều thời gian, đặc biệt khi các vụ án có nhiều tính tiết phát sinh mới, hoặc một trong các bên tuyên bố phá sản… Do đó, các TCTD khó dự báo được kế hoạch, tiến độ xử lý các khoản nợ xấu để đưa vào phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
“Bên cạnh đó, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
“Từ thực tế trên, rõ ràng, Nghị quyết 42 không phải là tất cả”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Các ngân hàng vẫn kỳ vọng bán nợ cho VAMC
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, kế hoạch năm 2018, Ngân hàng sẽ bán khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng nợ xấu và tự xử lý từ 5.000-7.000 tỷ đồng nợ xấu. SCB cũng đang lên kế hoạch tiếp tục bán nợ cho VAMC.
Một lãnh đạo cao cấp của CB Bank chia sẻ, trong kế hoạch của Ngân hàng luôn có chủ trương bán nợ xấu cho VAMC. Năm 2018, CB Bank hy vọng Đề án tái cơ cấu của Ngân hàng được thông qua để tạo thuận lợi cho việc bán nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các ngân hàng như VietBank, TPBank, Eximbank… cũng đều cho hay, ít nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC.
Thông tin với báo chí, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trong năm 2018, ngân hàng này xác định xử lý nợ xấu là trọng tâm của Đề án tái cơ cấu Sacombank đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt. Đề án cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm, nhưng Sacombank sẽ nỗ lực hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong 3-5 năm.
Trong năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Trên nền tảng kết quả đã đạt được, Ngân hàng sẽ cải tiến một số quy chế, quy trình xử lý nợ sao cho phù hợp với thực tiễn ở Sacombank.
“Chúng tôi không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ nếu có thanh khoản sẽ được bán ngay. Trong quá trình xử lý nợ xấu, nhiều khoản nợ xấu từ vài tỷ đồng, vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất… đã được thanh lý. Để đạt được kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu, bộ phận xử lý nợ của Sacombank đã hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần”, ông Minh nói.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ), nhưng đến cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,4%. Tính đến hết năm 2017, Sacombank đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt.
Điểm lại một số nét chính về đề án tái cấu trúc của Sacombank, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đề án được thông qua đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của Sacombank. Theo đó, nội dung đề án bao gồm các phương án “khá ưu đãi” cho Sacombank so với đa số ngân hàng trong hệ thống cho thấy sự hỗ trợ khá lớn từ phía Chính phủ và NHNN đối với ngân hàng này.
Điều này có nghĩa, phương án bán nợ xấu cho VAMC vẫn là một trong những giải pháp quan trọng của các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu trong năm 2018. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng cho biết, kế hoạch là như vậy, nhưng VAMC vẫn đang chờ Thủ tướng phê duyệt kế hoạch mua nợ xấu của năm 2018, theo đó, các ngân hàng cũng đang chờ…