Trong khi đó, với những ngân hàng đã “đẩy” được lượng nợ xấu cho VAMC, sức ép trích lập dự phòng rủi ro cũng không hề nhỏ.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua khoảng 241.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng không đáng kể so với số nợ xấu lũy kế đã mua tính đến cuối 2015. Điều này cho thấy, trong nửa đầu năm nay, lượng nợ xấu mà các ngân hàng bán cho VAMC khá là hạn chế.
Thực tế, lượng nợ xấu VAMC đã mua từ các ngân hàng tính đến cuối năm 2015 đạt 250.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu đã xử lý được rất ít (chỉ khoảng 8%). Trong khi đó, cửa đầu ra đối với VAMC trong xử lý nợ xấu còn rất hẹp. Lý do là, Việt Nam chưa hình thành thị trường mua-bán nợ xấu để thu hút nguồn lực nước ngoài tham gia mua-bán, tái cơ cấu nợ.
Với Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, VAMC có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu. Thông tư này cụ thể hóa những thay đổi trong Nghị định số 34/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, các rào cản trong phát mãi tài sản vẫn là mấu chốt làm chậm tiến độ xử lý nợ xấu, nên vấn đề này phải dần được tháo gỡ và tiến đến việc mua-bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, lúc đó mới có hướng đầu ra cho lượng nợ xấu lớn mà VAMC đã mua về.
Chính từ hạn chế trong việc mua nợ xấu của VAMC, nên nợ xấu của các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại, thể hiện rõ qua báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 1,6% cuối 2015, lên 2% tính đến 30/6/2016, tức đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Eximbank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,86% cuối 2015, lên tới 5,3% tính đến cuối quý II/2016. Tổng giám đốc Eximbank, ông Lê Văn Quyết cho biết, Eximbank đã bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC từ những năm trước, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay không bán đồng nợ xấu nào. Đối với Sacombank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay lên 2,83%, so với mức 1,85% tại cuối 2015…
Nhiều ngân hàng cho biết, nếu như tỷ lệ nợ xấu bán cho VAMC trong tháng 6 và tháng 7/2015 là rất nhiều, thì trong nửa đầu năm nay hầu như bằng 0. Một phần, do VAMC hạn chế mua mới, mặt khác, lượng nợ xấu ngân hàng do đã bán hết cho VAMC trước đó, nên hiện không còn nhiều để bán. Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, lượng nợ xấu mà ngân hàng ông đã bán cho VAMC trong vài năm qua đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nên 6 tháng đầu năm nay chỉ bán một lượng rất ít, khoảng vài trăm tỷ đồng.
Thậm chí, các ngân hàng ACB và OCB còn không có kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC trong năm nay. Theo lãnh đạo ACB, Ngân hàng đang từng bước tự xử lý nợ xấu, với kỳ vọng hoàn nhập dự phòng, giảm áp lực cho lợi nhuận.
Lãnh đạo một nhà băng cho rằng, bán nợ xấu cho VAMC là một giải pháp để “làm sạch” bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nhưng biện pháp đó cũng chỉ là tạm thời. Bởi áp lực trích lập dự phòng sẽ còn gia tăng đến khi các khoản nợ xấu được xử lý triệt để, nếu không sẽ phải nhận lại nợ và trả trái phiếu đặc biệt cho VAMC. Vì thế, không phải khoản nợ xấu nào cũng được ngân hàng bán cho VAMC. Mặt khác, VAMC mua lại nợ xấu của ngân hàng cũng có sự chọn lọc, chỉ mua đối với các khoản nợ có tài sản đảm bảo, nhất là tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Theo một thành viên trong Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, xét ở góc độ cân đối, “lực” của VAMC là có hạn, nên không thể gom hết nợ xấu từ các ngân hàng. Tổng lượng nợ xấu mà VAMC mua quá lớn so với lượng nợ xấu đã xử lý (mới chỉ đạt 13,4% trong nửa đầu năm nay), nếu càng mua thêm thì tỷ lệ xử lý thành công sẽ càng giảm. Đó cũng là lý do vì sao VAMC hạn chế mua lại nợ xấu từ các ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, theo ông Yun Hang Jin, Chuyên gia phân tích khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), sau khi “hoàn thành sứ mệnh” giúp giảm nợ xấu trên sổ sách các ngân hàng xuống dưới 3% với tốc độ mua lại cấp tập trong năm 2015, thì từ năm 2016, VAMC hạn chế mua để chuyển sang tập trung công tác xử lý. Tuy nhiên, để xử lý được lượng nợ xấu lớn đòi hỏi phải có thời gian và cần “sự hy sinh” về giá, tức bán theo giá thị trường. Song do trước đây đã mua nợ xấu với giá cao, nên VAMC khó có thể bán giá rẻ.