Tỷ giá khó dậy sóng cuối năm

Tỷ giá khó dậy sóng cuối năm

(ĐTCK) Thị trường tài chính thế giới đang hướng về cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed trong ngày mai (20/9). Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia phân tích, ngay cả khi Fed quyết định tăng lãi suất thì cũng khó tạo ra cú sốc lớn với tỷ giá USD/VND trong những tháng cuối năm nay.

Trước đó, nhiều nhận định đưa ra khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 6/2016, nhưng thực tế không diễn biến như vậy, do đà hồi phục của nền kinh tế nước này chưa vững chắc. Lịch họp của FOMC trong những tháng cuối năm 2016 là vào ngày 20/9, 1/11, 13/12. Đánh giá được đưa ra từ một chuyên gia tài chính, càng về cuối năm, khả năng Fed nâng lãi suất càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu xét tình hình kinh tế thực và áp lực lạm phát, có thể thấy Mỹ khá thận trọng với quyết định này.

“Mỹ chỉ nâng lãi suất cơ bản khi nền tảng kinh tế cải thiện, do vậy, ảnh hưởng tiêu cực chỉ mang tính nhất thời”, vị chuyên gia trên nói và cho nhận định thêm, hậu Brexit đã khiến cho đồng Euro mất giá so với đồng USD cũng là một trong những lý do Fed trì hoãn nâng lãi suất, cho thấy ít có khả năng tỷ giá USD/VND tăng mạnh. 

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (mua vào khoảng 10 tỷ USD), tiền đồng đã tăng giá khoảng vài phần trăm trong năm nay. Tỷ giá sẽ không có nhiều áp lực trong cuối năm nay, với điều kiện Fed không tăng lãi suất đột ngột. Nếu Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%/năm thì mới tác động mạnh với thị trường tài chính toàn cầu và trong bối cảnh hiện tại, khó có khả năng Fed tăng lãi suất đồng USD một cách đột ngột.

"Nếu Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%/năm thì mới tác động mạnh với thị trường tài chính toàn cầu và trong bối cảnh hiện tại, khó có khả năng Fed tăng lãi suất đồng USD một cách đột ngột"

- Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải.

Chuyên gia tài chính khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc), ông Yun Hang Jin nhận định, cú sốc tỷ giá VND có khả năng lặp lại cuối năm nay, nhưng không quá lớn.

“Tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng không tốt lên thị trường, nhưng vấn đề khiến nhà đầu tư lo lắng hơn cả là ảnh hưởng từ biến động của thị trường bên ngoài và ảnh hưởng từ việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Một khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam mới kéo theo vấn đề về tỷ giá”, ông  Yun nói.

Ở góc nhìn đối lập, có nhận định được đưa ra rằng, Fed chưa thể tăng lãi suất trong năm nay do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Hơn nữa, Fed muốn tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhằm củng cố đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh các nước đua nhau nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong thời gian qua và giá trị đồng nội tệ khá ổn định so với các đồng tiền trong khu vực. Năm 2012, tỷ giá USD/VND giảm 1,0%, 2013 tăng 1,3%, 2014 tăng 1,4%, năm 2015 tăng 5%, từ đầu năm đến nay giảm 0,8%. Điều này là nhờ cán cân thương mại thặng dư, Việt Nam vẫn đang xuất siêu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh để hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi thuế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây cũng là hiệu ứng tích cực từ cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt của NHNN.

Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD). Thanh khoản thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. Đáng chú ý, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, kéo tỷ giá giảm xuống.

Cuối tuần qua, đồng USD đã có phiên giảm giá thứ hai sau 4 phiên tăng liên tiếp. Tỷ giá tại BIDV niêm yết ở mức: 22.275 đồng/USD - 22.335 đồng/USD. Vietcombank tăng giá USD thêm 5 đồng (so với ngày 16/9) lên mức: 22.270 đồng/USD - 22.340 đồng/USD.

Tin bài liên quan