Tương lai nào chờ đợi VAMC khi không còn là nơi “nhốt” nợ?

Tương lai nào chờ đợi VAMC khi không còn là nơi “nhốt” nợ?

(ĐTCK) Tương lai của VAMC không chỉ phụ thuộc vào hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nợ xấu, mà còn được quyết định bởi sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ như một bộ phận tất yếu của thị trường tài chính Việt Nam, trong đó VAMC đóng vai trò hạt nhân.

Ghi nhận những bước tiến

Vai trò của Công ty Quản lý tài sản  của các tổ chức tín dụng (VAMC) được xác định là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. VAMC hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.

Từ ngày 1/10/2013, VAMC đã chính thức mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hàng năm. Sau khi mua nợ xấu, VAMC thực hiện tổng hợp, phân loại, đánh giá và xây dựng danh mục khoản nợ xấu để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ. Hợp đồng mua nợ xấu đầu tiên là với Agribank, có trị giá hơn 1.700 tỷ đồng, có giá trị trên sổ sách hơn 2.400 tỷ đồng.

TS. Vũ Đình Ánh 

Tính đến ngày 23/12/2014, VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu và đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng. Trong năm 2015, VAMC đã duyệt mua hơn 111.000 tỷ đồng nợ gốc, phát hành trái phiếu đặc biệt gần 110.000 tỷ đồng. Tính chung từ khi hoạt động đến thời điểm 31/12/2015, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt hơn 243.000 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 14/12/2015, VAMC đã mua được 228.416 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc nội bảng. Với việc thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC đã xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.

Kết quả mua nợ đến 31/12/2016 đạt 275.555 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, góp phần đưa nợ xấu của hệ thống về dưới 3%, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý đã nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã cho phép VAMC được:

Thứ nhất, mở rộng các khoản nợ được mua bán của VAMC. Bên cạnh việc mua bán các khoản nợ nội bảng, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.

Thứ hai, bổ sung đối tượng được bán nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã bổ sung quy định cho phép VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Thứ ba, bổ sung thêm phương thức mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC. VAMC được thỏa thuận với tổ chức tín dụng Việt Nam: Mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; Xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.

Chỉ 6 ngày sau khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực, VAMC đã siết nợ tòa nhà Saigon One Tower vào ngày 21/8/2017, đánh dấu tiến trình xử lý nợ xấu bước vào một giai đoạn mới. Sau 4 tháng triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC đã thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2012 đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống đã xử lý được 705.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 407.700 tỷ đồng, chiếm 57,81%, còn lại là bán nợ.

Năm 2017, lần đầu tiên VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là tòa nhà Saigon One Tower để xử lý các khoản nợ 

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016. Năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Trong năm 2017, VAMC đã thu hồi được 30.641 tỷ đồng và tính lũy kế từ năm 2013 đến 25/2/2018, thì con số này lên đến 81.497 tỷ đồng.

Về mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt: Năm 2017, VAMC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng với dư nợ gốc là 32.391 tỷ đồng (dư nợ gốc nội bảng là 32.378 tỷ đồng) và giá mua nợ (mệnh giá trái phiếu) là 31.831 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến hết ngày 31/12/2017, VAMC đã mua 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.

Về mua nợ theo giá thị trường, VAMC đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Về thu hồi nợ, năm 2017, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được NHNN giao (22.000 tỷ đồng), tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016.

Đầu năm 2018, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường xử lý nợ xấu, có các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, phối hợp với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC, tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định. Xem xét, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Mục tiêu của VAMC năm 2018 là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt từ 27.000 - 32.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt; mua bán nợ theo giá thị trường 3.500 tỷ đồng; thu hồi nợ khoảng 24.890 tỷ đồng.

Dấu hỏi cho tương lai

Việc xử lý nợ xấu đã mua của các ngân hàng tại VAMC vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc bán và phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đạt hiệu quả thấp. Thực tế, có nhiều tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ nhưng bên mua nợ lại quá ít. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, VAMC chỉ mới là chỗ “nhốt” nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Theo đó, quá trình phát mại tài sản thế chấp còn nhiều vướng mắc pháp lý không dễ vượt qua được. Thông thường, để giải quyết một khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại từ khi khởi kiện ra tòa đến khi có phán quyết mất trung bình 18 - 24 tháng, có những vụ 10 năm vẫn chưa xử xong. Ngay cả khi xử xong rồi, phía cơ quan thi hành án cũng kéo dài thời gian thêm 1 - 2 năm nữa. Bên cạnh đó, phổ biến tâm lý của người mua là không yên tâm khi mua tài sản phát mại.

Việc thực thi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đang vấp phải hàng loạt vướng mắc vì khung pháp lý về m  chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ; cơ sở để định giá các khoản nợ chưa được xác định thống nhất; các hướng dẫn chi tiết để thực thi các phương thức mua bán nợ xấu theo nghị quyết vẫn chưa được ban hành.

Tương lai của VAMC không chỉ phụ thuộc vào hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nợ xấu, mà còn được quyết định bởi sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ như một bộ phận tất yếu của thị trường tài chính Việt Nam mà trong đó VAMC đóng vai trò hạt nhân.

Đến lượt mình, vai trò hạt nhân của VAMC trên thị trường nợ chỉ phát huy tốt khi và chỉ khi:

Thứ nhất, vốn điều lệ của VAMC được bổ sung thêm theo đúng lộ trình để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính, đồng thời xây dựng phương án phát hành trái phiếu để mua nợ thị trường theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 để tạo nguồn vốn triển khai hiệu quả mua nợ theo giá thị trường.

Thứ hai, phát triển hệ thống tin học để góp phần xây dựng thị trường mua bán nợ phù hợp cách mạng 4.0.

Thứ ba, nâng cao tính chuyên nghiệp của VAMC trong mua bán và xử lý nợ. Sau khi được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động và Điều lệ mới, VAMC cần kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác mua, bán và xử lý nợ xấu, đồng thời phát triển đầy đủ các nghiệp vụ, đẩy mạnh việc tự bán đấu giá tài sản của VAMC. Hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ, đào tạo liên quan đến các nghiệp vụ bảo lãnh, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, đầu tư, khai thác, sửa chữa cho thuê tài sản bảo đảm, tư vấn môi giới…

Thực tế, đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu theo Đề án phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg chỉ nên là giải pháp tạm thời trước mắt. Về trung và dài hạn, hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực của VAMC trên thị trường mua bán nợ mới là yếu tố quyết định thực hiện các mục tiêu đến 2020 là: VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với giá trị khoảng 150.000 tỷ đồng dư nợ gốc; thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với giá mua nợ dự kiến từ 10.000 - 50.000 tỷ đồng; mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua các hình thức đạt tổng giá trị dư nợ gốc là 400.000 tỷ đồng và thu hồi nợ đạt 100.000 - 150.000 tỷ đồng.

Trong đó, thu hồi nợ qua bán nợ khoảng 20.000 - 35.000 tỷ đồng, thu hồi nợ qua xử lý tài sản bảo đảm 30.000 - 45.000 tỷ đồng và thu hồi nợ qua đôn đốc khách hàng trả nợ khoảng  50.000 - 70.000 tỷ đồng; VAMC thực hiện cơ cấu nợ đạt 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc.

Trong tương lai gần theo định hướng của Chính phủ và NHNN, VAMC sẽ giữ vai trò trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, là tổ chức do Chính phủ quản lý có cơ chế đặc thù để đảm bảo xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu. VAMC cần sớm thành lập Trung tâm Đấu giá tài sản Việt Nam, đồng thời mở sàn giao dịch nợ để hình thành trung tâm giao dịch mua, bán nợ tại thị trường Việt Nam.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thành lập và hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, VAMC đã tập trung triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng là: Thứ nhất, mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với hình thức mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt; mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Thứ hai, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm. Thứ ba, cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay.

Ngoài ra, VAMC còn được thực hiện các nghiệp vụ khác như: Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ; Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu; Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; Tổ chức bán đấu giá tài sản; Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng.

Để đảm bảo hoạt động, VAMC đã được tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng ban đầu lên 2.000 tỷ đồng theo Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/03/2015 và tăng lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2018 trước khi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020 theo Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/2017/QĐ-TTg ngày 19/7/2017.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VAMC có 8 đơn vị trực thuộc bao gồm 7 Ban là Ban Mua và Quản lý nợ của các tổ chức tín dụng nhà nước; Ban Mua và Quản lý nợ của các tổ chức tín dụng cổ phần (gọi tắt là Ban 2); Ban Bán và Xử lý nợ; Ban Pháp chế; Ban Kiểm tra - Giám sát; Ban Công nghệ thông tin; Ban Tài chính - Kế toán; Ban Hành chính - Nhân sự và Văn phòng giúp việc Hội đồng thành viên.

Tin bài liên quan