TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Từ chính sách của Fed, nhìn về điều hành lãi suất của NHNN

(ĐTCK) Liên quan đến câu chuyện điều hành lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để tiến vào một nền kinh tế thị trường thực thụ, NHNN nên chuyển dần từ một cơ chế lãi suất quy định (lãi suất trần) sang một cơ chế lãi suất chuẩn mực, rồi dùng các công cụ của chính sách tiền tệ để tác động các loại lãi suất khác xoay quanh mức lãi suất chuẩn mực đó.

Theo ông, việc không tăng lãi suất có liên hệ thế nào với chỉ số lạm phát của Mỹ?

Lạm phát hiện tại của Mỹ đang thấp dưới 2%, trong khi đó Fed muốn đưa lạm phát lên đến 2%. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại ở con số 2%. Đây là mức lạm phát mục tiêu của Fed, bởi cơ quan này nghĩ rằng, lạm phát ở mức này sẽ tạo ra sự quân bình về giá cả và cũng là mức bảo đảm cho sự phát triển của nền kinh tế. Nếu dưới 2%, nền kinh tế Mỹ có nguy cơ giảm phát, một hiện tượng kinh tế có tác hại rất lớn không kém gì tình trạng lạm phát cao.

Theo quy luật, muốn đạt đến lạm phát 2% thì phải nới lỏng tiền tệ, muốn nới lỏng tiền tệ thì phải hạ lãi suất chứ không thế tăng lãi suất, bởi tăng lãi suất là thắt chặt tiền tệ, giảm lạm phát. Nhưng trong năm nay, tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã rất thấp, nên Fed e rằng nếu tăng lãi suất, một động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát thực tế xuống thấp hơn và lạm phát mục tiêu 2% lại càng xa vời hơn.

Đồng thời, Fed rất quan tâm tỷ giá của đồng USD với các đồng tiền khác. Nếu lãi suất tăng thì giá trị của USD sẽ tăng, khuyến khích việc nhập khẩu hàng từ nước ngoài vì hàng hóa nhập khẩu tính ra USD sẽ rẻ hơn. Điều này lại càng đúng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khi đồng nhân dân tệ bị phá giá và tiếp tục giảm giá. Hàng nhập khẩu ùa vào Mỹ với giá rẻ tính ra USD sẽ tác động lên tất cả rổ hàng hóa của Mỹ, đẩy lạm phát xuống sâu hơn nữa, tác động ngược với chủ trương đưa lạm phát lên mức 2%.

Lần tăng lãi suất cuối cùng là năm 2006 và sau khủng hoảng từ năm 2008 đến nay Fed giữ lãi suất dao động quanh mức 0%-0,25%/năm để phục hồi nền kinh tế của Mỹ. Thực tế, chủ trương đồng tiền rẻ này hỗ trợ cho tất cả mặt bằng lãi suất trên thị trường Mỹ giảm xuống, đặc biệt tác động đến lãi suất cho vay trong tất cả các lãnh vực của nền kinh tế trong đó có cho vay bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thương mại. Mọi thành phần kinh tế được vay với vốn rất rẻ với lãi suất thấp chưa từng có.

Quyết định của Fed đưa lãi suất về gần bằng không cùng với những gói nới lỏng định lượng trong thời gian qua đã giúp kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ và thực tế đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn hơn 5%. Sau 8 năm, nay các doanh nghiệp hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức tỷ lệ “thất nghiệp tự nhiên” 5%, nói chung nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong khi lạm phát thấp. Đó là lý do từ năm ngoái Fed đã manh nha và đặc biệt ý tưởng này được củng cố trong năm nay: nên kéo lãi suất đang quá rẻ trở về mức bình thường.

Lãi suất hiện nay được xem là không bình thường và nếu tiếp tục giữ mức lãi suất này, nền kinh tế của Mỹ không sớm thì muộn cũng sẽ rơi vào tình trạng bất ổn với chính sách “đồng tiền quá rẻ” đưa đến rủi ro lạm phát bùng nổ, đặc biệt khi mà tỷ lệ lao động có việc làm ngày càng cao, sức tiêu thụ ngày càng lớn.

Thực tế, Mỹ sử dụng 2 chỉ số CPI (Consumer Price Index) và PCE (Personal Consumption Expenditures) và hiện tại nhắm vào PCE hơn là CPI để đo lường mức độ có nên tăng lãi suất hay không. Hiện PCE tăng thấp hơn CPI, nghĩa là dư địa còn khá thấp để đạt được mức lạm phát 2%. Bên cạnh đó là yếu tố bên ngoài, đồng nhân dân tệ mất giá, thị trường tài chính chao đảo, đóng một vai trò trong quyết định của Fed. Do vậy, dù lạc quan với sức phát triển của nền kinh tế Mỹ đang trong đà phục hồi, nhưng ngay thời điểm này, Fed tăng lãi suất lên có một tác động ngược lại là làm giảm lạm phát chứ chưa nói đến lạm phát mục tiêu 2%. Ngay cả tỷ lệ thất nghiệp đã giảm sâu nhưng hình như vẫn chưa làm Fed mãn nguyện và tin tưởng là tình trạng công ăn việc làm của dân Mỹ đã hoàn toản ổn định. Chính vì vậy, Fed đã do dự trong việc tăng lãi suất.

Nếu Fed tăng lãi suất thì tăng trên cơ sở lãi suất nào và ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng chung của lãi suất?

Lãi suất mà Fed nhắm tới được gọi là “benchmark interest rate”, được hiểu là lãi suất cột mốc/chuẩn mực (chứ không phải là lãi suất cơ bản như các phương tiện truyền thông tại Việt Nam thường nói đến) và Fed dùng tất cả công cụ của chính sách tiền tệ để tác động các loại lãi suất chạy quanh mức lãi suất chuẩn mực này.

Lãi suất chuẩn mực này chính là Fed Funds Overnight, là loại lãi suất các ngân hàng dùng để vay mượn nhau qua đêm trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc. Hàng ngày các ngân hàng thương mại phải tính sổ và giữ một số dư trong tài khoản với Fed để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc, chẳng hạn 10% trên số dư huy động của ngày đó. Nếu không đủ tiền trong tài khoản các ngân hàng phải vay nhau qua đêm với loại vốn gọi là Federal Reserve Bank Funds (gọi tắt là Fed Funds) và trả một lãi suất gọi là Fed Funds Overnight.

Fed không quy định trực tiếp mức lãi suất qua đêm này mà sử dụng 2 công cụ.

Thứ nhất, lãi suất chiết khấu (Discount Interest Rate), nghĩa là mang giấy tờ có giá đến chiết khấu với Fed với lãi suất chiết khấu do Fed quy định khi cho vay. Lãi suất này được xem là lãi suất thương mại nếu một ngân hàng muốn vay của Fed. Lãi suất chiết khấu có một ràng buộc cơ hữu rất chặt chẽ với lãi suất qua đêm. Tác động lãi suất chiết khấu sẽ tác động ngay lãi suất qua đêm.

Thứ hai, Fed dùng thị trường mở để bán một lượng trái phiếu chính phủ vào trong thị trường hoặc mua một lượng trái phiếu từ thị trường và mỗi lần như vậy họ sẽ rút hoặc đẩy một lượng tiền vào thị trường, làm ảnh hưởng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và do đó đến lãi suất qua đêm.

Tất cả các loại lãi suất khác như LIBOR, lãi suất cho vay các doanh nghiệp chuẩn Prime Rate, cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng và các loại cho vay khác sẽ được tính dựa trên Fed Funds Overnight.

Từ chính sách lãi suất của Fed nhìn về điều hành lãi suất của NHNN Việt Nam, ông có nhận định gì?

Đó là cách điều hành lãi suất của Fed và cũng là bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm trong việc điều hành lãi suất. Theo cách điều hành này, NHNN sẽ không cón  quy định trần hay sàn cho một loại lãi suất nào, mà đưa ra một loại lãi suất chuẩn mực. Lãi suất đó không phải là lãi suất luật định (tức là TCTD nào vượt trần sẽ sai phạm), mà là lãi suất mang tính cột mốc. NHNN sẽ dùng các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, để ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, trước hết là trên thị trường liên ngân hàng xoay quanh mức lãi suất chuẩn mực. Rồi từ đó là cơ sở để lãi suất trên thị trường 1, lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ dựa vào đó.

Tất nhiên, để làm được như vậy cần phải có một cơ chế mới, hệ thống liên ngân hàng phải được vận hành minh bạch và đặc biệt các ngân hàng không thể vay trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) để cho vay các thành phần khác của nền kinh tế ngoài ngân hàng (thị trường 1).

Như tôi đã giải thích ở trên, Fed thiết lập được mặt bằng đó là do việc các ngân hàng thiếu tiền trong tài khoản của Ngân hàng Trung ương để đáp ứng yêu cầu về dự trữ bắt buộc, thì Việt Nam cũng phải tạo ra một mặt bằng, một môi trường mà, trong đó các ngân hàng phải vay mượn nhau chỉ để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc.

Tại Mỹ, trên thị trường liên ngân hàng, họ chỉ vay mượn nhau rất ngắn hạn, phần lớn là đáp ứng nhu cầu về dự trữ bắt buộc, còn ở Việt Nam, trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng có thể vay mượn nhau và dùng chính số tiền đó để cho vay lại khách hàng và đáp ứng những thiếu hụt thanh khoản không phải từ nhu cầu về dự trữ bắt buộc. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đây là điều Việt Nam có thể học hỏi từ thị trường Mỹ, nhưng để có một loại lãi suất chuẩn mực cần có sự cải tổ toàn diện; công cụ, hạ tầng cơ sở nhất định mới thực hiện được. Đặc biệt là việc cải tổ thị trường liên ngân hàng phải được vận hành như thế nào đúng quy định để thị trường này là chỗ ngân hàng bù đắp thanh khoản cho nhau, chứ không phải thị trường để gây vốn, huy động vốn. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm bởi sự nhập nhằng giữa thị trường 1 và thị trường 2.

Trở lại câu chuyện Fed tăng lãi suất, tôi nghĩ rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cho thời gian tới là nếu tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ rút xuống từ mức 5,1% hiện nay xuống dưới 5% hay việc tăng lãi suất vẫn bảo đảm Mỹ có thể tiến tới mục tiêu lạm phát 2%, thì Fed sẵn sàng tăng lãi suất. Nếu chuyện đó xảy ra chúng ta đã chuẩn bị gì để đối phó và chắc chắn không thể chủ quan mà đóng cửa bảo nhau đừng lo vì mọi chuyện đã được tiên liệu cả rồi.

Tin bài liên quan