TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần thiết giảm thêm lãi suất

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra dự báo, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 3% và cao nhất là 3,3%. Lạm phát không phải là lo ngại trong năm 2015, nên theo TS. Nghĩa, cần thiết giảm thêm lãi suất cả huy động và cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay có khả năng giảm thêm trong thời gian tới

Lãi suất huy động và cho vay có khả năng giảm thêm trong thời gian tới

Trên thực tế, lãi suất cho vay đã được ngành ngân hàng nỗ lực điều chỉnh giảm trong thời gian qua, song với sức khỏe của doanh nghiệp vừa trải qua cơn “bệnh” nặng, theo các chuyên gia, cần thiết phải điều chỉnh thêm để kích thích dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giảm lãi suất bằng mọi giá để kích cầu tín dụng, mà điều mấu chốt phải kích cầu được sức mua. TS. Nghĩa cho rằng, tồn kho là nguyên nhân khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm, chứ chưa hẳn vì lãi vay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì cho rằng, sức cầu thị trường năm 2015 kỳ vọng được cải thiện, nhưng không có nghĩa là tổng cầu sẽ tăng trưởng mạnh.

Vì thế, với mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 13-15%, theo TS. Lịch là không quá cao, nhưng cũng là một thách thức. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TS Lịch cho rằng, phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong đó, khâu quan trọng vẫn là phát mãi tài sản đảm bảo bằng tài sản bất động sản.

“Hiện các cơ quan ngành đang xem xét để có thể sớm thông qua việc bãi bỏ các quy định nhiêu khê liên quan đến việc phát mãi tài sản mà tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu bỏ được các thủ tục nhiêu khê đó, thì việc phát mãi tài sản thu hồi nợ mới được tiến hành nhanh hơn. Qua đó, các ngân hàng có cơ hội đẩy vốn mới ra thị trường”, TS. Lịch nói và cho biết, để có thể kích cầu tín dụng tăng trưởng, các ngân hàng phải xem xét giảm thêm lãi suất cho vay để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đánh giá được đưa ra từ TS. Lịch, năm 2015, các tín hiệu đang cho thấy nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhưng vẫn còn chậm. Về vĩ mô, đã đẩy lùi bóng ma lạm phát và tất cả các chính sách tài khóa, kể cả bội chi, chính sách tiền tệ đều không gây ra tác động lạm phát, dư địa điều hành vĩ mô rất lớn.      

Phát biểu tại Hội thảo Kịch bản Kinh tế 2015 diễn ra mới đây, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẵn sàng các giải pháp để can thiệp trên thị trường. Theo bà Hồng, các ngân hàng thương mại nếu có khó khăn về thanh khoản sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ Trung ương.

“Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, trong điều hành, phải theo dõi diễn biến về giá dầu, xu hướng dừng gói QE, đồng ruble Nga…, thì chính sách tín dụng gắn với các chính sách kinh tế và triển khai chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ để hướng dòng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên”, bà Hồng nói và cho rằng, trong năm 2015, NHNN sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu từ các giải pháp xử lý rất đồng bộ từ cố gắng của tổ chức tín dụng trong tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, thận trọng, hạn chế để nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, VAMC cũng đang được xem xét để tăng vốn, tăng quyền.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên cơ sở chỉ số lạm phát năm 2014 mà yêu cầu ngân hàng giảm luôn lãi suất đầu năm 2015, lãnh đạo NHNN cho rằng, có phần vội vàng.

Phân tích cho thấy, năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, lạm phát 5%. Giả sử với diễn biến lạm phát năm 2015 như trên, sang đầu năm 2015, NHNN sử dụng các công cụ để điều hành lãi suất giảm xuống 0,5-1%, nhưng sau đó đến giữa năm, hoặc quý III/2015 diễn biến lạm phát ở mức cao hơn so với mục tiêu, lãi suất sẽ lại chạy theo, thì vô hình trung lại trở thành thắt chặt chính sách tiền tệ và dẫn tới thiếu ổn định về chính sách.

Vì thế, theo lãnh đạo NHNN, việc tăng hay giảm lãi suất không chỉ nhìn vào lạm phát, mà còn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.

Tin bài liên quan