Tác giả Trương Anh Hùng

Tác giả Trương Anh Hùng

Triển khai Basel II: Để tuân thủ hay để quản trị?

(ĐTCK) Ông Trương Anh Hùng hiện là Phó tổng giám đốc của Deloitte Việt Nam, phụ trách Khối dịch vụ Tài chính. Ông có hơn 21 năm kinh nghiệm về cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn tới các ngân hàng, tổ chức tài chính, các tập đoàn/tổng công ty nhà nước cũng như các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Ông Hùng hiện đang là thành viên Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), thành viên Hội kế toán Việt Nam (VAA). Ông có chứng chỉ Kiểm toán viên công chứng của Việt Nam và Úc. Ngoài ra, Ông còn nhận bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ). 

Thời gian gần đây, Basel II được nhắc đến thường xuyên trong giới ngân hàng và chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ để nóng trong thời gian tới, khi càng đến gần thời hạn phải triển khai tại 10 ngân hàng đầu tiên vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, có một điều cần phải làm thật rõ về mục đích của việc triển khai Basel II trên quan điểm cổ đông của ngân hàng. Đó là tại sao phải bỏ ra một khoản tiền hàng chục triệu USD để đầu tư vào Basel II? Triển khai Basel II chỉ để tuân thủ quy định/yêu cầu của cơ quan quản lý hay là nhu cầu nội tại trong kinh doanh của ngân hàng? 

Triển khai Basel II, ngân hàng chỉ có lợi

Hiệp ước Basel hướng tới việc xây dựng nền tảng vững chắc các quy định về bảo đảm an toàn vốn, giám sát ngân hàng phù hợp và các quy tắc thị trường. Mục tiêu cao nhất là các ngân hàng tuân thủ Basel II sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động quản lý rủi ro và theo đó, có thể ổn định tài chính trên toàn cầu. Tuy nhiên, nói một cách đơn giản thì Basel II yêu cầu ngân hàng phải tính toán và quản lý yêu cầu về vốn dựa trên rủi ro, tính tỷ lệ an toàn dựa trên rủi ro. Rủi ro càng cao thì yêu cầu về vốn càng cao và ngược lại.

Như vậy, áp dụng Basel II thì ngân hàng phải nâng cao khả năng quản trị rủi ro để với một lượng vốn tương đương với ngân hàng khác thì ngân hàng có thể đem đi kinh doanh, đầu tư, cho vay nhiều hơn để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Ngược lại, nếu ngân hàng quản trị rủi ro kém thì rủi ro tăng lên và kéo theo yêu cầu vốn cũng tăng lên, làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, có thể nói rằng, đây không chỉ đơn thuần là tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, mà còn là nhu cầu nội tại của ngân hàng để thực sự thay đổi phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng quản trị rủi ro, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả kinh doanh ngân hàng. Nếu nhìn theo hướng này thì mới thấy rõ vì sao một ngân hàng phải bỏ ra hàng chục triệu USD đầu tư và đối mặt với nhiều thách thức trong việc chuẩn bị triển khai Basel II.

Nếu xét từ góc độ tái cấu trúc ngân hàng, muốn thu hút được các cổ đông mới trong và ngoài nước tham gia góp vốn và quản lý ngân hàng thì Basel II là một lợi điểm quan trọng, vì các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài sẽ quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường, các ngân hàng dựa trên mức độ rủi ro, trong đó Basel II được coi là khá quan trọng để so sánh rủi ro với các nước khác và so sánh giữa các ngân hàng trong cùng một quốc gia.

Theo đó, có thể nói rằng, triển khai Basel II nhằm quản lý vốn dựa trên rủi ro nằm trong chiến lược kinh doanh tổng thể của ngân hàng và có thể làm thay đổi phương thức kinh doanh của ngân hàng khi mà các quyết định kinh doanh dựa trên đánh giá rủi ro. Việc thay đổi này không phải chỉ là của khối quản trị rủi ro, mà đòi hỏi sự tham gia của lãnh đạo cấp cao trong chiến lược kinh doanh chung của ngân hàng.

Việc triển khai Basel II đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ phận khác như các đơn vị kinh doanh, bộ phận tài chính, bộ phận IT, vận hành, nhân sự, đào tạo, truyền thông… và dự kiến kéo dài trong nhiều năm theo lộ trình từ các phương pháp cơ bản đến các phương pháp tiên tiến hơn theo từng giai đoạn. Có thể nói, đây là một dự án tổng thể bao gồm hàng chục tiểu dự án và sự tích hợp giữa các tiểu dự án là tiền đề quan trọng để khi vận hành thực tế không bị mâu thuẫn hoặc chồng chéo.

Việc triển khai Basel II đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ phận của ngân hàng - Ảnh: Lê Toàn 

Hiểu rõ thách thức để triển khai hiệu quả Basel II

Với quy mô, tính phức tạp của dự án tổng thể như vậy, ngân hàng cần xem xét kỹ lưỡng các khó khăn, thách thức phải đối diện cũng như dự tính trước những mức đầu tư cần thiết về thay đổi văn hóa quản trị, nhân lực, ngân sách… để chuẩn bị cho triển khai Basel II:

Thứ nhất là mục tiêu dự án. Ngân hàng cần đưa ra được rõ ràng mục tiêu cuối cùng của dự án Basel II dựa trên mô hình hoạt động mục tiêu. Các dự án Basel II cũng có thể bị lệch hướng vì không xây dựng phương hướng kinh doanh hoặc không phân công rõ ràng các cá nhân phụ trách triển khai các tiểu dự án chính của dự án tổng thể. Ngay cả khi những điều này đã được thực hiện, các dự án vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu không có thứ tự rõ ràng về các dự án ưu tiên thực hiện và chậm huy động ngân sách thực hiện.

Nhằm giải quyết các vấn đề này, ngân hàng cần thiết lập mô hình hoạt động mục tiêu đặt ra là tuân thủ ở mức tối thiểu hay hướng tới đạt lợi thế cạnh tranh thực sự. Ngân hàng cần lựa chọn (1) triển khai Basel II có thể được coi như là một dự án chuyển đổi thực sự và thay đổi một cách căn bản phương thức hoạt động kinh doanh trong ngân hàng; hoặc (2) có thể chỉ được coi như là một dự án quản trị tính tuân thủ, không cải thiện đáng kể các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đây là lựa chọn chiến lược căn bản mà các ngân hàng Việt Nam cần thực hiện trong triển khai Basel II và vì vậy, cần được đưa vào chương trình làm việc của ban lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng, trong đó, lãnh đạo dự án cần đặc biệt lưu ý việc thống nhất mục tiêu của dự án Basel II với khẩu vị rủi ro và mục tiêu chiến lược của ngân hàng.

Thứ hai là quản lý dự án. Triển khai Hiệp ước Basel đòi hỏi các kỹ năng quản lý dự án mạnh, hạ tầng vững chắc và cam kết về nguồn lực. Trong hầu hết các trường hợp, thời gian thực hiện dự án không được quản lý theo yêu cầu của Basel II và nhiều dự án phụ phức tạp không được kiểm soát tập trung. Trong một số trường hợp, không có thủ tục để kiểm soát sự thay đổi. Để giải quyết các thách thức này, cán bộ quản lý chương trình phải am hiểu về thực trạng của ngân hàng so với Basel II để đánh giá được mức độ sẵn sàng của ngân hàng và thiết lập các kế hoạch và sáng kiến nhằm kịp thời thu hẹp khoảng cách này.

Lãnh đạo của dự án này nên là lãnh đạo cấp cao nhất trong ngân hàng, có thể có quyền tham gia vào các quyết định quan trọng của ngân hàng, đồng thời phải đảm bảo sự tích hợp của dự án Basel II với các dự án khác mà ngân hàng đang triển khai.

Thứ ba là mô hình dữ liệu. Trên thế giới, các vấn đề về dữ liệu thường là những vấn đề lớn nhất khi triển khai Basel II/III. Rất nhiều ngân hàng thiếu các mô hình dữ liệu lớn trên toàn hệ thống và không có cấu trúc dữ liệu rõ ràng hoặc không có quan điểm rõ ràng về yêu cầu dữ liệu.

Nhiều ngân hàng không hiểu cách thức dữ liệu liên hệ với nhau và theo đó không khớp được các yêu cầu của Basel II để xây dựng các mô hình tính toán. Thường thì dữ liệu sẵn có không đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu. Để đáp ứng được các thách thức này đòi hỏi các ngân hàng phải tận dụng các mô hình lấy từ các tính toán theo Basel II/III cho quy trình kinh doanh hàng ngày và xác định khoảng cách giữa thực trạng hiện tại so với yêu cầu về dữ liệu của Basel II, trên cơ sở đó lập kế hoạch thu hẹp khoảng cách.

Thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT). Một cấu phần rất quan trọng trong mỗi ngân hàng là công nghệ. Trước đây, các ngân hàng coi CNTT không phải là cấu phần cốt lõi và thích hợp để thuê ngoài. Quan điểm mới cho rằng, CNTT là năng lực cốt lõi của ngân hàng và cực kỳ giá trị. Chính vì thế, ngân hàng không thể thuê ngoài để tiết kiệm chi phí hoạt động của trung tâm dữ liệu. CNTT đóng vai trò tối quan trọng đối với việc quản lý rủi ro hiệu quả theo Basel II/III. Dữ liệu phải được tổng hợp liền mạch từ nhiều nguồn và phải được xử lý để đo lường rủi ro, quản lý, tuân thủ và báo cáo theo thời gian thực.

Thứ năm là sự thay đổi về văn hóa quản trị, truyền thông và đào tạo. Thông thường, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng thể hiện ý chí rất cao trong việc thực hiện quản trị rủi ro, tuy nhiên, điều khó khăn nhất là làm thế nào để toàn thể nhân viên và cán bộ ngân hàng không ngại khi trao đổi về rủi ro, có cùng ngôn ngữ về quản trị rủi ro và coi quản trị rủi ro như là công việc hàng ngày của từng nhân viên ở trên tất cả các phòng ban của ngân hàng. Theo đó, lãnh đạo dự án và lãnh đạo ngân hàng cần xác định đây là sự thay đổi về văn hóa quản trị rủi ro, nhằm đưa quản trị rủi ro vào các thao tác trong quy trình công việc hàng ngày của từng nhân viên ở tất cả các cấp bậc, phòng ban.

Theo đó, việc đánh giá nhân viên, chế độ lương thưởng, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ… đều xem xét cấu phần quan trọng là năng lực về quản trị rủi ro. Hơn nữa, quá trình truyền thông, đào tạo nhân sự cần phải thực hiện toàn diện và thường xuyên, liên tục trong quá trình triển khai Basel để nâng cao kiến thức và năng lực của đội ngũ nhân viên cũng như cải thiện nhận thức rủi ro trên tất cả các cấp cán bộ trong ngân hàng, từ đó góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Xét cho cùng, triển khai Basel II cần được coi là phục vụ cho mục đích kinh doanh hiệu quả của ngân hàng và vì vậy, cho dù có nhiều thách thức trên con đường phía trước, ngân hàng cũng như các cổ đông của ngân hàng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc triển khai Basel II. Nếu triển khai đúng cách dưới chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ ban lãnh đạo của ngân hàng và lan tỏa đến toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng theo những ngôn ngữ kinh doanh thường ngày, Basel II sẽ là cơ hội tốt cho các ngân hàng Việt Nam bắt đầu hành trình chuyển đổi, thúc đẩy tái cấu trúc ngân hàng, thu hút vốn mới từ cổ đông ngoại, ngăn chặn sự gia tăng nợ xấu trở lại.

Tin bài liên quan