Hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu là một trong những hạn chế trong triển khai báo cáo tín dụng tài chính vi mô

Hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu là một trong những hạn chế trong triển khai báo cáo tín dụng tài chính vi mô

Triển khai Báo cáo tín dụng tài chính vi mô: Thách thức có thể vượt qua

(ĐTCK) Trong chuyến công tác tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu đầu tháng 4/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã nói: “Có thể bây giờ có những khái niệm như tài chính vi mô, nhưng thực tế đều là Quỹ Tín dụng nhân dân. Hầu hết các quỹ đều hoạt động tốt, nhưng đâu đó vẫn có quỹ không tốt do hoạt động không đúng tiêu chí, nên đổ vỡ”.

Thừa nhận ý kiến này là chính xác, lãnh đạo một tổ chức tài chính vi mô chia sẻ thêm, chúng ta vẫn thường nói đến những vấn đề đạo đức của nhân viên dẫn đến rủi ro của tài chính vi mô. Và một trong những điểm mấu chốt ở đây là việc thực hiện các báo cáo tín dụng tài chính vi mô rất hạn chế, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các rủi ro và hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Thực tế cho thấy, lợi ích của báo cáo tín dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô là rất lớn. Điều này đã được ông Colin Raymond, Chuyên gia về báo cáo tín dụng của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chia sẻ tại Hội thảo báo cáo tín dụng tài chính vi mô do IFC và Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), NHNN tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.

Theo ông Colin Raymond, những lợi ích của báo cáo tín dụng có thể kể ra đó là bảo đảm tiếp cận tín dụng rộng rãi hơn và công bằng hơn; giảm tình trạng thông tin bất cân xứng giữa bên vay và bên cho vay; chất lượng tín dụng tốt hơn, cho phép các tổ chức tài chính vi mô có thể đánh giá rủi ro chính xác và nâng cao chất lượng danh mục khách hàng; đồng thời, ngăn ngừa tình trạng nợ quá mức, giúp bên cho vay có thể đánh giá tổng dư nợ của một khách hàng vay và nhờ đó, tính toán năng lực trả nợ của bên vay.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng giúp nâng cao khả năng sinh lời, tạo điều kiện để thực hiện chấm điểm tín dụng, giảm chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận biên, bảo đảm có đủ vốn và đáp ứng các yêu cầu về dự phòng; bảo đảm tính ổn định trong ngành tài chính vi mô. Đặc biệt, nhận thức về báo cáo tín dụng giúp nâng cao tỷ lệ hoàn trả nợ của khách hàng.

“Cũng như các báo cáo tín dụng tại các tổ chức tài chính, báo cáo tín dụng của tổ chức tài chính vi mô bao gồm 5 nguyên tắc chung: Một là dữ liệu. Các hệ thống báo cáo tín dụng cần có cơ sở dữ liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ, được thu thập một cách có hệ thống từ tất cả các nguồn liên quan sẵn có và dữ liệu cần được lưu trữ trong một khoảng thời gian đủ dài.

Hai là an ninh. Các hệ thống báo cáo tín dụng cần đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt về an ninh, độ tin cậy và tính hiệu quả. Ba là quản trị. Việc quản trị của các tổ chức cung cấp dịch vụ báo cáo tín dụng và các bên cung cấp dữ liệu cần bảo đảm tính chịu trách nhiệm, tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý rủi ro gắn liền với hoạt động kinh doanh này và bảo đảm công bằng trong tiếp cận thông tin của người dùng. Bốn là khung pháp lý.

Khung pháp lý cho hệ thống báo cáo tín dụng cần rõ ràng, có thể dự đoán trước, không phân biệt đối xử, có tính cân xứng, bảo vệ các thể nhân, pháp nhân và quyền lợi của người tiêu dùng. Khung pháp lý cần bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng tòa án hoặc ngoài tòa án. Năm là dữ liệu xuyên quốc gia. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dữ liệu thông tin tín dụng xuyên quốc gia khi cần thiết, với điều kiện thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu đặt ra”, ông Colin Raymond nói.

Tại Việt Nam, việc triển khai báo cáo tín dụng tài chính vi mô mặc dù đã có những nỗ lực nhưng ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, CIC cho biết, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, cán bộ chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của báo cáo thông tin tín dụng, trình độ tin học và nghiệp vụ còn hạn chế và chưa thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ trong hoạt động thông tin tín dụng; nhiều tổ chức có hệ thống công nghệ thông tin còn lạc hậu, một số tổ chức sử dụng phần mềm kế toán giao dịch trên nền tảng công nghệ yếu, lạc hậu, cơ sở dữ liệu khách hàng sơ sài; không tự xây dựng được ứng dụng tạo lập báo cáo, phải thực hiện thủ công…

“Các quỹ trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố còn có tư tưởng chờ đợi, chưa chủ động để thực hiện báo cáo. Việc phối hợp của một số chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để đôn đốc, kiểm tra các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô báo cáo thông tin tín dụng còn chưa tốt và chưa tổ chức được các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ”, ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Colin Raymond nói: “Hãy khởi đầu từ cái không thể để có những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mặc dù những thách thức mới luôn xuất hiện và điều này có nghĩa còn rất nhiều việc phải làm”.

-Hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam hiện được thực hiện dưới 2 hình thức: một là tổ chức tài chính vi mô do NHNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động; hai là các chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức tín dụng, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện…

-Đến 30/9/2014, có 3 tổ chức tài chính vi mô: Tình thương, M7, Thanh Hóa (được cấp phép 22/8/2014). Theo kết quả giám sát và báo cáo của 2 tổ chức tài chính vi mô, đến 30/9/2014, tổng vốn chủ sở hữu: 238,9 tỷ đồng; tổng tiền gửi: 439,2 tỷ đồng; tổng dư nợ: 787,6 tỷ đồng; tổng nợ xấu: 75,2 triệu đồng; tỷ lệ nợ xấu: 0,01%; lợi nhuận: 32 tỷ đồng; ROE là 9,5%; ROA: 2,25%.

- Theo sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 2195/QĐ-TTg, có 75 chương trình, dự án tài chính vi mô tại 23 tỉnh, thành phố. Tổng vốn chủ sở hữu: 1.374 tỷ đồng; tổng tài sản khoảng 2.123 tỷ đồng; tổng dư nợ là 1.986 tỷ đồng; khách hàng: 782.076 hộ gia đình.

-Theo báo cáo của AFD thực hiện: có khoảng 333 chương trình/dự án tài chính vi mô. Phân loại theo số lượng khách hàng, thì có 13 chương trình có trên 10.000 khách hàng; còn phân loại theo dư nợ cho vay thì có 13 chương trình có dư nợ cho vay trên 30 tỷ đồng.

-Ấn Độ triển khai Báo cáo tín dụng tài chính vi mô đã đạt được kết quả sau: tiết kiệm 13 triệu USD cho ngành dịch vụ trị giá 5 tỷ USD; tỷ lệ không trả nợ giảm 50% khi sử dụng trung tâm thông tin tín dụng; 54% khoản vay quá hạn lâu ngày tìm thấy giải pháp “áp lực tự trả nợ” khi người vay bị từ chối cho vay dựa trên dữ liệu của thông tin tín dụng; kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khách hàng vay nợ nhiều: 11 - 15% hồ sơ xin vay vốn không đủ điều kiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; cải thiện tới 90% việc người vay kê khai thông tin trong hồ sơ xin vay vốn do nhận thức của họ về cơ sở dữ liệu trung tâm thông tin tín dụng được nâng cao; 85% khách hàng vay trả hết nợ cũ quá hạn khi xin cấp tín dụng mới.

Tin bài liên quan