Lãi tiết kiệm cũng là khoản đầu tư
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm không chỉ là tận thu thuế, mà còn đi ngược lại với lợi ích nền kinh tế. Trong khi đó, ý kiến đề xuất cho rằng, việc này muốn tập trung vào những món tiền gửi lớn (có thể là tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, mua trái phiếu...) mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỷ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Theo quy định hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng, thì cần phải đưa vào diện nộp thuế.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lo ngại, nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ không mặn mà gửi vào ngân hàng nữa, mà chuyển sang lựa chọn các kênh đầu tư khác.
Trên thực tế, trước đây, đã có kiến nghị về việc thu thuế đối với lãi suất từ tiền gửi tiết kiệm nhưng không thành. Thời điểm đó, đề xuất này đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía dư luận khi cho rằng, những người gửi tiết kiệm thường là người lớn tuổi, đã về hưu, chỉ tích cóp được một khoản tiền nhàn rỗi, nên không thể đánh thuế trên phần lãi suất tiền gửi.
Được biết, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh và bất động sản, vì khi đó lãi suất tiền gửi cao. Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Kênh tiết kiệm không còn hấp dẫn
Hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng được xem là một trong những kênh giúp tiền đẻ ra tiền an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn tiền gửi một năm đang được ngân hàng áp dụng khoảng 6-7%. Để thu về khoản lãi 200 triệu đồng/năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải mở sổ giá trị gần 3 tỷ đồng.
Trước đề xuất đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, không ít ý kiến cho rằng, đánh thuế trên tiền gửi lãi suất tiết kiệm là tận thu thuế. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán MAybank - Kim Eng cho rằng, đề nghị đánh thuế trên không hợp lý và quá tận thu, nhất là hiện nay người dân đã và đang vẫn còn phản ứng mạnh về việc tăng thuế giá trị gia tăng.
Phản ánh gay gắt nhất đối với đề xuất nêu trên phải kể đến những người trong cuộc: ngân hàng và người gửi tiền. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lo ngại, nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ không mặn mà gửi vào ngân hàng nữa, mà chuyển sang lựa chọn các kênh đầu tư khác.
Trong khi đó, một khách hàng cho rằng, hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm và việc gửi tiền vào ngân hàng chưa hẳn hạn chế hết được rủi ro, trong khi bảo hiểm tiền gửi hạn mức cao nhất cũng chỉ có 70 triệu đồng. Vì vậy, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cần được xem xét kỹ. Nếu đề xuất này được thông qua, thì sẽ khó tránh tình trạng người dân để tiền trong két hoặc rút tiền ra mua vàng, USD. Đồng thời, nhiều người sẽ chỉ gửi số tiền gửi tiết kiệm dưới hạn mức để tránh phải nộp thuế.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng từng có thời gian làm việc tại Mỹ, thu nhập từ lãi tiết kiệm nên được xem như một khoản thu nhập thông thường và phải chịu thuế thu nhập. Song để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, có thể đánh thuế với mức thấp, chỉ khoảng 5%.