Bên cạnh nhóm công ty tài chính lớn, có quy trình kiểm soát cho vay nghiêm ngặt như FE Credit thì đâu đó vẫn còn hiện tượng dễ dãi khi cho vay tiêu dùng

Bên cạnh nhóm công ty tài chính lớn, có quy trình kiểm soát cho vay nghiêm ngặt như FE Credit thì đâu đó vẫn còn hiện tượng dễ dãi khi cho vay tiêu dùng

Tình trạng gian lận và đánh cắp thông tin người khác để đi vay tiêu dùng có dấu hiệu gia tăng

(ĐTCK) Dư nợ cho vay tiêu dùng liên tục tăng và rủi ro tăng theo, nhất là đối với khối công ty tài chính, khi một phần không nhỏ tiền vay được nhận định sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, các khoản cho vay vẫn khá dễ dãi, bởi lợi nhuận từ cho vay tiêu dùng rất cao.

Lãi suất cao, nhưng nhu cầu vay lớn

Có hai nhóm khách hàng trong cho vay tiêu dùng: Khách hàng của ngân hàng phải đáp ứng được các điều kiện tín dụng khá cao của ngân hàng và khách hàng của công ty tài chính (CTTC) là phân khúc dưới của ngân hàng. Các CTTC không quan tâm nhiều tới tài sản thế chấp, phương án trả nợ, do vậy lãi suất cho vay cao hơn, tuy nhiên các CTTC thường có những dịch vụ chuyên biệt, đặc thù.

Mức lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao hơn nhiều khoản vay thế chấp thông thường, nhất là ở các CTTC, đã đưa tín dụng tiêu dùng trở thành một kênh kinh doanh hấp dẫn.

Hiện có 4 CTTC đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này bao gồm: FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance, nắm đến 80% thị phần tín dụng tiêu dùng và đang chạy đua trong việc hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại đã và đang mua lại CTTC để chuyển đổi chức năng hoạt động nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Lãi suất vay tín chấp của các CTTC cao hơn nhiều so với các ngân hàng do chi phí vốn của CTTC cao khi công ty không có chức năng huy động vốn. Bên cạnh đó, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

Mặc dù tín dụng tiêu dùng phải trả mức lãi vay lớn, song nhu cầu vay rất cao. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 11/2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tín dụng tăng xấp xỉ 28% so với tháng 1/2017, trong khi mức tăng của tổng tín dụng đối với nền kinh tế là 12,16%; cho vay tiêu dùng chiếm 16,4% tổng tín dụng của toàn hệ thống.

FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance, nắm đến 80% thị phần tín dụng tiêu dùng 

Trước đó, theo báo cáo công bố giữa năm 2017 của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt gần 600.000 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD) trong năm 2016, chiếm gần 10% GDP và dự báo sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.

VCSC tính toán, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của phân khúc cho vay tiêu dùng đạt khoảng 20% so với trung bình ngành ngân hàng là 2,9%.

Tài chính tiêu dùng chính là “con gà đẻ trứng vàng” nên các CTTC tốp đầu liên tục có những “mùa vàng bội thu”. Chẳng hạn, FE Credit, công ty con mà VPBank nắm 100% vốn, phê duyệt khoảng 240.000 khoản vay mỗi tháng, tương đương 2,8 triệu khoản vay mỗi năm. Con số này lớn hơn rất nhiều một ngân hàng thương mại cỡ trung về số khoản vay, cộng với mức lãi suất cho vay cao đã đóng góp đến hơn một nửa vào lợi nhuận của VPBank trong năm 2017 (Ngân hàng đạt 8.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Với HD Saison, công ty này đóng góp khoảng 1/3 vào tổng lợi nhuận của HDBank trong hai năm qua.

Cho vay tiêu dùng liên tục tăng do các CTTC đi vào thị trường ngách với số tiền nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, cho người thu nhập thấp và trung bình. Điều kiện cho vay dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, tỷ lệ duyệt lên đến 70 - 80%. Trong khi đó, vay tiêu dùng tại ngân hàng, khách hàng phải chứng minh nguồn thu và đáp ứng nhiều điều kiện khác, tỷ lệ duyệt từ 50 - 60%.

Tiềm ẩn rủi ro khi tín dụng tăng nóng

Tốc độ tăng trưởng nóng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng khiến nhiều chuyên gia quan ngại. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng chủ yếu do các CTTC đảm nhận. Tín dụng tiêu dùng tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, nhưng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Thông tin từ NHNN cho biết, nợ xấu cho vay tiêu dùng đến gần cuối năm 2017 tăng khoảng 22% so với tháng 1/2017, chiếm gần 10% nợ xấu toàn hệ thống. Một số tổ chức tín dụng hiện có tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng trên 3%.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia ngân hàng nhận định, tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Từ năm 2016 đến nay, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thành lập CTTC, khiến thị trường thực sự sôi động. Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề cần được lưu tâm khi xu hướng tín dụng tiêu dùng tăng mạnh. Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng được các CTTC và ngân hàng áp dụng ở mức cao, song đây là loại hình tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro. Đáng chú ý, rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các CTTC cao hơn các tổ chức tín dụng khác, bởi đối tượng khách hàng thường nhỏ, thậm chí đã bị ngân hàng từ chối.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, công tác thanh tra tài chính tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng sẽ được NHNN tăng cường trong thời gian tới để đảm bảo hoạt động của các CTTC tiêu dùng minh bạch, đúng pháp luật.

Ngoài ra, theo ông Hưng, trong công tác quản lý nhà nước về tiêu dùng, đề án của Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, NHNN đã có nhóm giải pháp riêng để cơ cấu lại các CTTC, cũng như hoạt động tài chính tiêu dùng.

Có thể thấy, sự thận trọng của các chuyên gia và cơ quan quản lý đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ yếu tố tăng trưởng nóng, mà còn từ thực tế phát sinh gần đây là tín dụng tiêu dùng đang len lỏi vào bất động sản. Nhiều ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng, nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản.

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở chiếm 52,9% trong cho vay tiêu dùng tính đến cuối năm 2017, tăng so với tỷ lệ 49,5% vào cuối năm 2016.

Công văn ban hành gần đây của NHNN yêu cầu, các TCTD không những phải nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ mà còn phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng (nhằm đề phòng trường hợp đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán).

Việc thị trường bất động sản, chứng khoán tăng trưởng, cơ hội sinh lợi cao trong thời gian qua có thể thu hút các nguồn vốn tập trung vào hai kênh đầu tư này, từ đó bong bóng tài sản có nguy cơ xuất hiện, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và mục tiêu ổn định vĩ mô nói riêng.

Tình trạng gian lận và đánh cắp thông tin người khác để đi vay tiêu dùng có dấu hiệu gia tăng, độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp khiến các TCTD gặp khó khăn khi ra quyết định cho vay.

Ngoài ra, có một thực tế cần nhìn nhận, hoạt động cho vay tiêu dùng ở nhiều nước, chẳng hạn Mỹ, phát triển mạnh là do các CTTC quản lý được rủi ro, hồ sơ thông tin cá nhân được hệ thống hóa. Trong khi đó, một thống kê gần đây cho thấy, chỉ có 51% dân số trưởng thành của Việt Nam có hồ sơ thông tin tín dụng, do đó dữ liệu về khách hàng thiếu trầm trọng, đặc biệt là các thông tin phi tài chính vốn cũng rất quan trọng để chấm điểm, xếp hạng tín dụng khách hàng.

Hiện tại, khi cho vay, các CTTC, ngân hàng thường tra cứu lịch sử tín dụng của khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Thống kê đến hết năm 2017, kho dữ liệu của CIC đã cập nhật trên 34,3 triệu khách hàng, trong đó có 700.000 khách hàng doanh nghiệp và 33,6 triệu khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển CIC cho biết, hiện nay, tình trạng gian lận và đánh cắp thông tin người khác để đi vay tiêu dùng có dấu hiệu gia tăng, độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp khiến các TCTD gặp khó khăn khi ra quyết định cho vay.

Dù vậy, trước áp lực cạnh tranh, một số ngân hàng, CTTC sẵn sàng lôi kéo khách hàng, cho vay vượt hạn mức, mà không quan tâm nhiều đến khoản vay của khách hàng tại các đơn vị khác. Giá trị giải ngân tùy thuộc vào thu nhập của khách hàng, nhưng khoản thu nhập này có khi chỉ đủ để trả lãi và một phần các khoản vay trước đó. Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được nhìn nhận là có mức độ rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp.

Trong báo cáo chuyên đề vĩ mô “Tín dụng tiêu dùng - Cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng” công bố mới đây, VDSC nhận định, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng quá nhanh có thể dẫn đến nhiều rủi ro, trong đó đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt quá khả năng chi trả của bản thân.

Trong khi đó, báo cáo chỉ ra, người tiêu dùng Việt Nam đang có tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai nên sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. VDSC cảnh báo, tốc độ tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn tín dụng tiêu dùng (dự kiến 30%/năm) có thể tạo ra những sai lệch so với định hướng ban đầu.             

Tin bài liên quan